Báo chí Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0:

Cơ hội “vàng” cho nhà báo làm điều họ giỏi nhất!

Thứ ba, 05/02/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) AI đang trở thành một xu thế tất yếu trong nhiều lĩnh vực đời sống và báo chí truyền thông không nằm ngoài vòng quay đó, nhưng Al sẽ thay thế hay hỗ trợ? Báo chí Việt Nam có nắm được cơ hội vàng để bắt kịp dòng chảy công nghệ thế giới hay không lại là câu hỏi không dễ trả lời.

“Trí tuệ nhân tạo và báo chí: Ngồi chờ hay hành động ngay bây giờ?” là vấn đề được nhà báo Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đặt ra trong bản tham luận của mình tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Bản tham luận đã thu hút sự chú ý của báo giới khi đề cập đến xu hướng đang phổ biến và sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2019: Trí tuệ nhân tạo và báo chí. Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) không còn là điều quá mới mẻ. AI đang trở thành một xu thế tất yếu trong nhiều lĩnh vực đời sống và báo chí truyền thông không nằm ngoài vòng quay đó, mở ra cơ hội vàng cho tòa soạn và nhà báo làm điều họ giỏi nhất. Nhưng Al sẽ thay thế hay hỗ trợ? Báo chí Việt Nam có nắm được cơ hội vàng để bắt kịp dòng chảy công nghệ thế giới hay không lại là câu hỏi không dễ trả lời.

1. Ban đầu, nhiều câu hỏi được  đặt ra như AI sẽ được áp dụng vào lĩnh vực báo chí như thế nào, các ứng dụng AI đóng vai trò trong công đoạn nào của hoạt động báo chí hay liệu AI có “cướp công ăn việc làm” của các nhà báo hay không? Ông Francesco Marconi - Giám đốc một công ty hàng đầu về tự động hóa và AI, đánh giá “AI là xu thế tất yếu trong sự phát triển và thay đổi như vũ bão hiện nay của báo chí thế giới. Song AI không phải được tạo ra nhằm thay thế con người, mà AI giúp con người giải phóng sức lao động để dành thời gian cho các việc khác, qua đó nâng cao hiệu quả lao động”. 5 năm qua, các hãng thông tấn và tờ báo hàng đầu thế giới đã thành công trong việc áp dụng AI và họ đang vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về sự thay đổi của tương lai báo chí thế giới trong 5 năm tới. 

a2chttps2F2Fblueprint-api-productions3amazonawscom2Fuploads2Fcard2Fimage2F5291602F76f77256-452f-4117-986b-35d373e7e258

Thực tế, rất nhiều tên tuổi đình đám trong làng báo chí thế giới đã biết tận dụng AI để phục vụ độc giả những tin tức nhanh nhạy nhất. Chẳng hạn Reuters hay Associated Press (AP) đã và đang sử dụng máy học thuật toán để viết các bản tin. Như AP đã bắt đầu xuất bản các bài về báo cáo thu nhập bằng việc sử dụng một phần mềm có tên là Wordsmith do Automated Insights phát triển. Bên cạnh đó, Google đã tài trợ một khoản kinh phí lên tới 1 triệu USD cho Hiệp hội Báo chí Anh để phát triển một chương trình máy tính có khả năng thu thập và sản xuất ra gần 30 ngàn tin, bài một tháng - một khối lượng dường như không thể nếu làm bằng tay.

Những tờ báo và hãng tin đình đám khác như USA Today, New York Times, LA Times, BBC News, Bloomberg hay Washington Post đều ứng dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo vì những mục đích khác nhau như tự động tạo ra các tóm tắt dưới dạng video ngắn cho các bản tin; kiểm duyệt bình luận của độc giả tránh các nội dung độc hại; thu thập các báo cáo để tự tạo ra các tin tức về một số lĩnh vực cụ thể; lọc thông tin từ các nguồn để chiết xuất thông tin trích dẫn; theo dõi tin nóng trên các mạng xã hội…

Còn ở châu Á, đầu năm 2017, đất nước đông dân nhất thế giới công bố một “robot nhà báo” có tên Xiao Nan của mình đã viết được một bài dài 300 chữ chỉ trong… 1 giây đồng hồ. Và lần đầu tiên, tác phẩm do robot thực hiện này được đăng tải trên tờ Nhật báo Southern Metropolis có trụ sở ở Quảng Châu. Theo Giáo sư Wan Xiaojun của Trường đại học Peking, người dẫn đầu một nhóm nghiên cứu thiết kế, chế tạo ra Xiao Nan, “nhà báo” này thậm chí còn có thể viết được bài dài hơn nếu cho nó “ăn” nhiều thông tin hơn.

Cũng trong năm 2017, một robot nhà báo mang hình dáng người tên Jia Jia đã được các nhà phát triển của trường Đại học Khoa học và Công nghệ ở tỉnh An Huy tạo ra. “Cô nhà báo” đã gây sốc cho công chúng khi đưa tin cho Tân Hoa xã và thực hiện cuộc phỏng vấn trực tiếp với một biên tập viên của Tạp chí Wired.  

2. Khi Al viết báo thì nhà báo làm gì? Nhiều người tỏ ra lo sợ sự hiện diện và phát triển của AI trong lĩnh vực báo chí sẽ là dấu chấm hết vai trò của những người cầm bút. Hiện nay, rất nhiều nhà xuất bản phải thuê nhân công để tìm kiếm sự việc hoặc kiểm tra tính xác thực của tin tức. Đây là những công việc rất có khả năng bị thay thế bằng một hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng vận hành nhanh và có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu năm ngoái của tiến sĩ Neil Thurman - hiện công tác tại Đại học London và Đại học Munich, chất lượng các bài viết nhờ AI không đạt chuẩn về độ tin cậy, thậm chí có bài còn hư cấu. Nghiên cứu này dựa trên những đánh giá của các phóng viên chuyên nghiệp đánh giá về báo chí tự động. Chẳng hạn, một chương trình AI của LA Times đã từng công bố một cảnh báo về trận động đất mạnh 6,8 độ richter ở California vào ngày… 29/6/2025.

tranh-cai-ve-ro-bot-phong-vien

Trí tuệ nhân tạo đang tạo ra một cuộc cách mạng đối với lĩnh vực báo chí truyền thông. Ưu điểm của AI là điều thấy rõ và đây là xu thế tất yếu trong tương lai. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi AI vào báo chí vẫn còn không ít thách thức. AI mới tạm thời “đưa tin” sự kiện xảy ra, chứ chưa thể giải thích hay bình luận vấn đề. Một trong những rào cản khác là bài báo do AI tạo ra cần phải có “bài mẫu”. Điều đó đồng nghĩa với việc AI có thể hoàn toàn “mù màu” với những thông tin thuộc dạng phi cấu trúc hay phi truyền thống. Ngoài ra, AI sẽ gặp thách thức lớn trong việc xác định độ chính xác của thông tin đầu vào. Nếu thông tin đầu vào sai, tác phẩm báo chí của AI sẽ sai toàn diện.

Và cuối cùng, thách thức lớn nhất của AI chính là tính sáng tạo, bản chất nhân văn, nhân đạo cao cả của một tác phẩm báo chí đích thực. Báo chí là một loại hình lao động đặc biệt, ở đó không chỉ đòi hỏi những người làm báo phải tích lũy cho mình một bề dày kiến thức phong phú, một trí tuệ sắc sảo, mà nhà báo còn phải là những con người nhân văn, tác phẩm báo chí phải hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ của xã hội.

Trước xu thế phát triển như vũ bão hiện nay của khoa học công nghệ, AI có một tương lai tươi sáng trong lĩnh vực báo chí. Song chắc chắn con người, hay nói một cách khác là các nhà báo, vẫn sẽ giữ vị trí trung tâm không thể thay thế của nghề cao quý này.

3. Bùng nổ kỹ thuật số với cuộc cách mạng khoa học 4.0, sự gia tăng đột biến những “lực lượng làm báo” phi truyền thống là sự thật nhưng thách thức luôn mở ra cơ hội, trở ngại luôn tạo nên động lực.

Hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ thì một cơ quan báo chí chính thống cũng có thể thua kém một người dùng mạng xã hội về khả năng lan tỏa thông điệp, dù cùng sở hữu một lượng thông tin như nhau. Đó là nhận định mang tính đúc kết sau khi thế giới chứng kiến sự phát triển với tốc độ chóng mặt của mạng xã hội vốn có tính năng không khác gì một ấn phẩm báo chí đích thực, có khả năng tiếp cận bạn đọc rất nhanh nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Thực tế, việc báo chí phải đối diện với sự cạnh tranh từ mạng xã hội đã không còn là điều xa lạ, đặc biệt là về hiệu ứng lan truyền thông tin. Công chúng sở hữu những phương tiện nghe, nhìn hiện đại, nhiều tính năng, đòi hỏi báo chí phải tìm cách thích ứng với thời cuộc để không bị bỏ lại phía sau. Nếu không tìm ra giải pháp đối mặt với thách thức, báo chí (kể cả báo điện tử) sẽ chỉ là sự lựa chọn thứ yếu so với những mạng xã hội có số lượng người sử dụng khổng lồ và có sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ hoạt động liên tục, cập nhật thông tin 24/24 giờ.

Gần đây, người trong giới báo chí thường nhắc đến nhận định “Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng”. Rõ ràng, chính những người làm báo đã nhận ra thách thức trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Ở mức độ nào đó, tất cả đều đang cố gắng thích ứng để không bị tụt hậu, tìm giải pháp để vươn lên. Thách thức song hành với yêu cầu đổi mới, nhưng cũng tạo cơ hội cho các nhà báo Việt Nam. Hàng loạt động thái của các cơ quan báo chí trong thời gian qua đã cho thấy sự chuyển mình rõ rệt. Nhiều nơi coi mạng xã hội như một mảnh đất tốt để đưa các sản phẩm báo chí chính thống đến với người đọc, người xem. Những mặt trái của mạng xã hội, trong đó, rõ nhất là nạn đưa tin giả, tin chưa được kiểm chứng… tạo hiệu ứng tuyên truyền rất xấu, nhưng đó cũng là cơ hội để các tờ báo khẳng định được vị trí, giá trị của mình thông qua việc đưa ra những bài viết phản biện với cách kiến giải trung thực, chính xác, sâu sắc, kịp thời.

Đó là cơ hội tốt để các tác phẩm báo chí chính thống có thêm độc giả và có điều kiện phát triển, được người đọc, người xem, người nghe tin cậy tìm đến. Phải thay đổi để thích nghi với những biến chuyển về công nghệ làm báo, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng báo chí. Tuy nhiên, vẫn có những giá trị phổ quát không bao giờ mất đi, không bao giờ suy giảm tầm quan trọng. Chỉ khi giữ được những giá trị đó thì báo chí cách mạng mới có thể biến thách thức thành cơ hội và tận dụng tối đa cơ hội đó để phát triển bền vững, bất kể đó là thách thức từ Cách mạng công nghiệp 4.0 hay những cuộc cách mạng kỹ thuật tiếp theo.

Là một thành tố góp phần làm nên lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam thừa hưởng bản lĩnh kiên cường, ý chí quật khởi, tinh thần vượt khó khăn gian khổ, sáng tạo nên đường đi lên cho riêng mình. Thượng tôn pháp luật, tận hiến với trách nhiệm xã hội, tận lực vì nghĩa vụ công dân, mỗi người làm báo và nền báo chí cách mạng Việt Nam từng ngày từng giờ bám sát thực tiễn, lăn lộn với cuộc sống với tinh thần phục vụ dân, phục vụ Đảng, phục vụ đất nước.

Kỷ nguyên số 4.0 cho phép những người làm báo cách mạng Việt Nam nhiều phương tiện, nhiều “vũ khí” hơn để thuận lợi hơn trong việc hoàn thành vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, diễn đàn rộng rãi của nhân dân. Kỷ nguyên số 4.0 cũng đồng thời tạo áp lực để mỗi nhà báo, mỗi cơ quan và loại hình báo chí phải khách quan, thẳng thắn nhìn nhận lại chính mình, xét lại ý chí, tri thức và nghị lực của mình, xét lại cái tâm của mình để đủ dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, để mỗi nhà báo, mỗi tờ báo thực sự là cột mốc vững chãi, đáng tin cậy giữa “biển sóng” thông tin trong đa chiều không gian.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến - PGĐ kênh VOV Giao thông Quốc gia:

“Nếu biết tận dụng công nghệ trong thời điểm này, báo chí sẽ tìm thấy vị thế”

Báo Công luận

Tôi không thích từ 4.0 lắm, công nghệ sẽ trải qua nhiều bước mềm mại hơn, không phải 1,2,3,4, mà phụ thuộc vào chúng ta ứng dụng được cái gì. Thực tế những ứng dụng truyền thông của công nghệ 4.0 như chúng ta đang nhìn rất tiềm năng, song nó đòi hỏi ý chí, quyết tâm cũng như sự đầu tư của lãnh đạo cơ quan báo chí. Tất nhiên, công nghệ cũng không thể thay đổi được cái tâm của người làm báo. Điều hành một cơ quan truyền thông trong kỷ nguyên CMCN 4.0, với các TBT, đó vừa là việc đón nhận vô vàn thách thức, nhất là trên xuất phát điểm của một nền báo chí chưa ứng dụng nhiều về công nghệ như Việt Nam: thách thức về nhân lực, công nghệ, kinh tế, tư duy đổi mới… Ở khía cạnh cá nhân tôi thì thấy báo chí có nhiều con đường để tìm thấy vị thế của mình, nếu biết tận dụng khả năng công nghệ trong thời điểm gần đây.

Nhà báo Nguyễn Bá - P.TBT báo VietNamNet:

“VietNamNet có thể sẽ là tờ báo đầu tiên thực hiện việc viết tin bằng robot”

Báo Công luận

Hiện tại, xu hướng ứng dụng các thành tựu của CMCN4.0 đã được một vài cơ quan báo chí có điều kiện về công nghệ, kinh tế, tiềm lực nhân sự thử nghiệm một số ứng dụng như chatbot, AI… trong tương tác với bạn đọc. Tuy nhiên cũng mới chỉ là thử nghiệm ban đầu và khá sơ khai. Nhìn các tờ báo hàng đầu trên thế giới thành công với ứng dụng 4.0, tạo ra quá nhiều chuyển động bất ngờ thú vị cho báo chí hiện đại, cho bạn đọc; chúng ta cũng hy vọng đây

là cơ hội để nhiều tờ báo ở Việt Nam có đà bứt lên.

Hiện tại VietNamNet cũng đang triển khai dự án VietNamNet 4.0 - một dự án ứng dụng rất nhiều thành tựu của cách mạng 4.0 về trí tuệ nhân tạo và IoT (Internet kết nối vạn vật) trong tương tác với bạn đọc ngay trên các bài viết và cung cấp nhiều gợi ý tin tức cao hơn, cá nhân hóa hơn và gần gũi hơn với từng người đọc. Cũng có thể trong một tương lai rất gần VietNamNet sẽ là tờ báo đầu tiên thực hiện việc viết tin bằng robot. Là tờ báo của Bộ TT&TT - mục tiêu của VietNamNet là bứt phá ngay trong năm 2019, đi đầu trong ứng dụng 4.0 vào báo chí ở Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Quang Minh - Giám đốc VTV24 - Đài THVN:

“4.0 - đi nhanh quá thì sẽ bị mất tài nguyên, đi chậm quá thì sẽ mất thị phần”

Báo Công luận

Báo chí tiếp cận 4.0, nếu không đi từ cái cụ thể sẽ ngợp vì không biết bắt đầu từ đâu. Chúng ta cần có chiến lược, sự nhạy bén để nắm bắt được xu hướng công nghệ, phù hợp với mình. Vì đi nhanh quá sẽ mất tài nguyên. Còn đi chậm quá thì sẽ mất thị phần. Việc hiểu được xu thế mới, phải chuyển hướng, nhưng để thực hiện điều đó chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với các tờ báo.

Hiện tại, theo cách rất tự nhiên, nếu người đọc trên MXH thì không muốn đọc hay xem trên các nền tảng báo chí nữa. Chính vì vậy báo chí cần phải có cách tiếp cận khác, không nhất thiết phải xem qua TV, hay radio, hay đọc báo điện tử, nếu tin trùng lặp. Theo các thăm dò, các bạn trẻ thời gian xem TV rất ít, nếu có chỉ gắn liền với các kênh giải trí, có nhu cầu đọc tin tức họ sẽ tìm đến qua mobile hay Ipad. Chúng tôi bắt buộc phải sản xuất đa nền tảng, công nghệ mới hay 4.0 sẽ hỗ trợ báo chí xóa nhòa ranh giới các cách tiếp cận. Bởi quan niệm, khán giả ở đâu, thời sự ở đó. Nếu khán giả ở mobile thì chúng tôi cũng buộc phải có mặt ở đó. Chúng tôi thay đổi cách tiếp cận thì phải thay đổi cách sản xuất tin bài… nội dung tiếp cận đúng với các cách thức làm báo trên nền tảng digital.

Nhà báo Nguyễn Quang Liêm - Tổ đa phương tiện Báo Người lao động:

“Không phải xu thế, mà là bắt buộc!”

nguyen quang liem

Báo Người lao động những năm gần đây là một trong những tờ báo đi đầu khu vực phía Nam về ứng dụng CNTT trong tác nghiệp, sản xuất, đăng tải nội dung; đội ngũ phóng viên, biên tập viên thường xuyên được học tập, nâng cao kỹ năng về làm báo đa phương tiện, SEO… Đặc biệt, Người lao động từ lâu đã thành lập Tổ đa phương tiện, với đội ngũ nhân sự đông đảo, giàu kỹ năng, kinh nghiệm. Nhà báo Tô Đình Tuân, ngay sau khi nhận nhiệm vụ TBT Báo Người Lao động tháng 9/2018, đã lập tức yêu cầu tòa soạn tập trung đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ vào các hoạt động của tờ báo. Nhiệm vụ của bộ phận đa phương tiện gần như “All-in-one”, từ hỗ trợ SEO các bài viết (phóng viên đã có thể thực hiện SEO ngay từ khi viết, nhập liệu), làm infographic, làm E-magazine, quản lý fanpage Facebook.

Nhà báo Ngô Công Quang - Phó Trưởng VP phía Nam Báo điện tử Dân trí:

“Công nghệ đưa bài báo đến, nội dung giúp bài báo ở lại!”

Báo Công luận

Làm báo thời đại số thật nhiều nan giải, và tôi cho rằng nội dung vẫn cần phải được ưu tiên nhất, nhưng nếu không có công nghệ thì báo chí thời đại công nghệ sẽ thất bại! Báo chí ngày nay muốn có bạn đọc nhanh thì phải tập trung công nghệ, nhưng muốn giữ bạn đọc thì phải chú trọng nội dung. Anh làm nội dung tốt mà không ứng dụng công nghệ thì có làm mãi tờ báo cũng không phát triển mạnh, tiếp cận và tương tác tốt với bạn đọc, trong thời đại công nghệ phát triển vũ bão.

Tuy nhiên, những tờ báo sử dụng các giải pháp công nghệ tốt (nhất là các tờ báo mới ra đời) có thể đạt mục tiêu ban đầu về lượt view, share,... nhưng nếu thỏa mãn với những con số này thì có ngày đi xuống nhanh, vì độc giả sẽ quay lưng khi nội dung không có chiều sâu, nhàm chán. Công nghệ đưa báo đến gần và rộng, nhưng nội dung sẽ giúp báo ở lại lâu và sâu với độc giả.

Nguyên An

Tin khác

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nghề báo
Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi'

Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi"

(CLO) Ngày 19/4, tại Tòa Nhà Trung Tâm Thông Tấn Quốc Gia, Hội Cựu Chiến binh Thông tấn xã Việt Nam cùng Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt truyền thống mang tên “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi”.

Nghề báo
MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Nghề báo
Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

(CLO) Ngày 19/4, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức phát động Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam mùa thứ 2 (VCA 2024). Giải thưởng năm nay có những điểm mới trong thể lệ dự thi, trong khâu tổ chức chấm giải và đặc biệt là có thêm hạng mục giải thưởng do cộng đồng bình chọn trực tuyến.

Nghề báo
Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo