Nghề báo

Có một nhà báo Kim Toàn như thế

Phạm Quốc Toàn (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) 01/05/2025 09:22

(NB&CL) Ngày 19/3/2025, tôi bay ra Hà Nội rồi vù xuống thành phố Cảng Hải Phòng hàn huyên chuyện xưa, chuyện nay cùng nhà báo Kim Toàn, nguyên Thành ủy viên, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng, nguyên Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, gần 10 năm là phóng viên Báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đất nước ta từ giữa những năm 60 đến giữa những năm 70 của thế kỷ 20 là giai đoạn lịch sử đặc biệt. Mùa xuân năm 1975, Việt Nam Anh hùng và bản lĩnh, thần tốc, táo bạo, đánh bại đế quốc đầu sỏ, đánh sập chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Có thể coi Cao Kim là một trong những chứng nhân báo chí của giai đoạn đặc biệt này và cả giai đoạn đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển.

Trong những năm chiến đấu vô cùng gian khổ và ác liệt ấy, tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh và các mặt trận, nhà báo Kim Toàn (bút danh Cao Kim) với hàng loạt bài viết miêu tả sống động cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc hội ngộ Song Toàn đúng ngày 19/3/2025 tại thành phố thật ý nghĩa và thú vị. Cao Kim đã bước qua tuổi 85 với sự hỗ trợ của chiếc gậy cùng tôi dạo bộ bên bờ con sông Hạ Lý, phía xa là cầu Thượng Lý, chuyện trò rôm rả. Bệnh tật đầy người, vết thương cũ từ ngày còn ở mặt trận tái phát, nhưng vẫn là một Cao Kim lạc quan yêu đời, giọng nói vang ấm mà gần gũi, pha trộn sự tếu táo:

- Bác Cao và chú Quốc có duyên phận, hôm nay ta cùng dạo bước bên dòng Hạ Lý, ngắm nhìn cầu Thượng Lý, nhớ về bao kỷ niệm ngày ra trận, những năm tháng Cao Kim hai lần vượt Trường Sơn.

Cao Kim nhắc đến nhà báo Hồng Châu – Thép Mới, người anh, người thầy, nguyên Tổng Biên tập Báo Giải Phóng bằng một tình cảm đặc biệt. Cao Kim viết nhanh, chụp ảnh và ký họa tài hoa, lên maket trang báo chuẩn. Nhờ vậy mà Sếp Thép Mới chọn Cao Kim cùng ông bí mật đột nhập Sài Gòn – Gia Định tham gia Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, sẵn sàng xuất bản tờ báo cách mạng trong lòng địch. Sinh năm 1925, năm nay nhà báo Thép Mới tròn 100 tuổi, trùng hợp với 100 năm Báo chí Cách mạng.

Anh Bài chu Quoc Toan
Nhà báo Kim Toàn (Cao Kim) (bên trái) cùng tác giả bài viết xem bản đồ Sài Gòn - Gia Định xưa do NB Cao Kim giữ và sử dụng trong thời kỳ hoạt động bí mật tại sào huyệt địch (1966 - 1968).

Cao Kim rút từ túi đựng các tài liệu quý cho tôi xem bản gốc thư báo tử viết tay đã phai màu mực do thủ trưởng ban Quân y Phân khu 3 viết, ký tên. Nguyên văn: “Chúng tôi Ban Quân y Phân khu 3 viết thơ này báo đến C107 biết: Đ/c Cao Kim trong chiến đấu chống càn tại xã Bình Chánh, huyện Tân Trụ, Phân khu 3 đã bị thương sọ não, hy sinh ngày 8 tháng 3 năm 1968 tại trạm xá của phân khu, đã được chôn cất chu đáo tại xã Long Định, huyện Cần Đước, ấp Nhất. Vậy chúng tôi báo đến các đ/c để báo về gia đình đ/c Cao Kim. Kèm theo giấy sinh hoạt Đảng trong túi áo đồng chí. Vì khi bị thương đến khi hy sinh đ/c mê sảng không biết. Kính chào quyết tâm. Ngày 10-3-1968. Ban Quân y Phân khu 3 đã ký, Phạm Tương Lai”.

Giọng kể của nhà báo Cao Kim như chùng hẳn xuống:

- Thật trùng hợp, hôm nay là 19 tháng 3, thư báo tử viết ngày 10 tháng 3 năm 1968. Thời chinh chiến, trên các chiến trường ác liệt, nhiều khi chưa kịp quen nhau, sự nhầm lẫn, kể cả việc hệ trọng cũng là lẽ thường tình. Trước khi vào trận chống càn, Cao Kim chuyển giao giấy sinh hoạt Đảng từ Chi bộ khác vừa được chuyển đến, giao tận tay cho Bí thư Chi bộ mới, người dong dỏng cao tựa Cao Kim. Và chính ông ấy đã hy sinh, giấy sinh hoạt Đảng của Cao Kim để trong túi áo nên đã có sự nhầm lẫn như vừa kể.

Nhà báo Cao Kim sinh năm 1940 tại một làng nghèo ven biển Hải Phòng, làm báo từ năm 1960 tại Báo Kiến An, sau đó là Báo Hải Phòng; phóng viên Báo Giải Phóng tại chiến trường Nam Bộ từ năm 1966 đến năm 1975. Cao Kim kể, mùa xuân năm 1966 có một đoàn cán bộ báo chí đặc biệt mang mật danh K94 rời Hà Nội bí mật vượt đường Trường Sơn vào Nam. Nhà báo Kim Toàn là một trong số 23 thành viên của đoàn K94, sau 4 tháng hành quân bộ từ Bắc vào Nam, trở thành phóng viên Báo Giải Phóng. Ông có mặt tại nhiều địa bàn và mặt trận ác liệt vừa cầm bút vừa cầm súng.

Năm 1974, cách mạng miền Nam lớn mạnh vượt bậc, đường Trường Sơn rộng mở, không còn cảnh chống gậy đi bộ như lần vượt Trường Sơn mùa xuân năm 1966. Tuy nhiên, trong lần vượt Trường Sơn ra Bắc lần thứ hai, nhiều thử thách về sức khỏe đã ập tới, có lúc tưởng như Cao Kim sẽ mãi mãi nằm lại trên con đường huyền thoại này. Kim Toàn rất trách nhiệm, phấn đấu hết mình, cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc và nhân dân. Sau ngày đất nước thống nhất, ông là một trong những Tổng Biên tập báo Đảng địa phương năng động đi tiên phong “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”.

Nhà báo Kim Toàn có một mái ấm gia đình viên mãn. Con gái đầu của Cao Kim là Nguyễn Thị Hoàn, tần tảo, đảm đang, kinh doanh dịch vụ giỏi. Các con trai thành đạt, được giao các trọng trách trong xã hội. Những năm tháng biền biệt ở chiến trường ác liệt và cách biệt, giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, người bạn đời của ông vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành.

Nhà báo Kim Toàn chuyển cho tôi xem những bức thư thời chiến của người bạn đời, những dòng tâm thư của con gái và con trai lúc tuổi còn ấu thơ gửi cho bố ngoài mặt trận, từ lúc gửi đến khi nhận được, theo tuyến đường Trường Sơn, gần nửa năm mới tới nơi. Mỗi dòng thư thấm đậm nước mắt về sự nhung nhớ xa nhà là cả một câu chuyện dài không dứt ra được về nghĩa tình thủy chung ấm áp của gia đình, quê hương, hậu phương lớn. Đó chính là niềm tin, sức mạnh hậu phương để nhà báo Cao Kim chiến đấu dũng cảm, tác nghiệp xuất sắc nơi hòn tên mũi đạn, để lại những dấu ấn cuộc đời rất đáng tự hào - ngọn bút tiền phương Cao Kim: Tay bút tay súng trên vai nhiệm vụ thiêng liêng/Đầu như lò nung những con chữ tuôn dòng/ Những bài báo tinh khôi nóng bỏng trào dâng thép đỏ (Võ Thị An, TP.HCM). Và tôi lại chợt nhớ vần thơ của Nguyễn Hồng Vinh viết ngày 7/5/2020 về Cao Kim: “Bao người đã xôn xao/Tưởng anh về với đất/Nỗi nhớ thương dâng trào/Một Cao Kim bất khuất/Kim Toàn vẫn vẹn toàn/Trở về thành phố Cảng/Trong ắp đầy tình bạn/Trong thủy chung gia đình/Và nhả tơ đều đặn…”.

Bộ phim tài liệu “Kim Toàn, Nhà báo – chiến sĩ” (Nguyễn Sỹ Đại, viết kịch bản, lời bình và đạo diễn; Trần Kim Hoa và Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức thực hiện) như một chứng nhân lịch sử báo chí sắp lên sóng truyền hình, nhân kỷ niệm 50 năm Đại thắng mùa Xuân; 100 năm nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Cùng dạo bước bên dòng Hạ Lý khi tuổi đã bước vào hoàng hôn cuộc đời, hai chúng tôi tay trong tay với bao cảm xúc dâng trào, khôn xiết, khó tả. Thời điểm này, các đơn vị chủ lực của quân đội, công an, dân quân tự vệ, các khối quần chúng… đang khớp đội hình chuẩn bị diễu binh, diễu hành lớn tại thành phố mang tên Bác, cuộc biểu dương lực lượng lớn mừng ngày Đại thắng mùa Xuân 1975.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Có một nhà báo Kim Toàn như thế
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO