Có nên hình sự hóa trường hợp uống rượu vượt mức?

03/02/2024 16:43

(CLO) Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, Chữa bệnh cho rằng, trường hợp nồng độ cồn cao không đủ điều kiện lái xe thì cần phải xử lý nghiêm.

Vừa qua, tại hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh đề xuất xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng (vượt mức 3) dù chưa gây hậu quả.

Ông Minh cho biết, pháp luật hiện hành quy định tài xế có nồng độ cồn ở mức 3 (trên 0,4 mg/lít khí thở hoặc quá 80 mg/100 ml máu) dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt.

Điều này chưa hoàn toàn phù hợp nguyên tắc cơ bản trong xử phạt hành chính, đó là phạt tương xứng mức độ vi phạm.

co nen hinh su hoa truong hop uong ruou vuot muc hinh 1

Cần xử phạt nghiêm minh với trường hợp uống nhiều rượu vẫn lái xe (ảnh TL).

Đề xuất này nhanh chóng trở thành đề tài tranh luận trên nhiều diễn đàn. Trước vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Chúng tôi ủng hộ việc xử lý vi phạm hành chính có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Nhờ có việc xử lý vi phạm nghiêm về nồng độ cồn số vụ tai nạn giao thông đã giảm khá nhiều. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đang thống kê và sắp tới sẽ có con số cụ thể về giảm số vụ tai nạn giao thông ra sao”.

Về vấn đề xử phạt vi phạm khi nồng độ cồn vượt khung, ông Khoa cho biết, Bộ Y tế đã có một cuộc hội thảo khoa học phối hợp với Bộ Công an về vấn đề trên.

“Với quan điểm cá nhân của tôi trong trường hợp vi phạm nồng độ cồn nếu gây tai nạn thì phải xử lý hình sự. Trường hợp nồng độ cồn cao không đủ điều kiện lái xe thì cần phải xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải tham khảo thêm quy định các nước trên thế giới để đưa ra một quy định hài hoà”, ông Khoa nói.

Trước đó, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được đưa ra trình tại phiên họp Quốc hội ngày 10/11/2023.

Điều 8 dự luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Đây cũng là căn cứ để lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Có nên hình sự hóa trường hợp uống rượu vượt mức?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO