Mark Zuckerberg đã vừa phòng thủ xuất sắc trước các câu hỏi về việc người dùng kiểm soát được bao nhiêu dữ liệu của họ trên mạng xã hội lớn nhất hiện nay, vừa tránh được việc bị dồn ép vào thế phải ủng hộ các điều luật ràng buộc mới được đưa ra.
Phiên điều trần kết thúc ngày 11/4 đã cho thấy rằng: không có sự thống nhất rõ ràng giữa các nhà lập pháp trong việc đưa ra các điều luật bảo mật mới để ràng buộc Facebook. Zuckerberg đã từ chối đưa ra thêm bất cứ lời hứa hay cam kết nào trước Hạ Viện Hoa Kỳ về việc ủng hộ các điều luật mới hoặc thay đổi cách thức hoạt động của Facebook.
Mark Zuckerberg làm chứng trước phiên điều trần của Hội Đồng Thương mại và Năng lượng về vấn đề bảo vệ dữ liệu người dùng. Ảnh: Reuters
Mark cho biết: “Sẽ có một số ràng buộc mới là điều không thể tránh khỏi”, tuy nhiên ông từ chối tiết lộ thêm.
Mặc dù Zuckerberg chỉ mới 33 tuổi và chưa từng tham dự một buổi điều trần Quốc hội nào trước đó, ông vẫn rất xuất sắc trong việc phòng thủ trước các câu hỏi. Ông chủ Facebook đã 40 lần đáp lại các nhà lập pháp rằng mình chưa có câu trả lời ngay lúc này và sẽ trả lời sau.
Mặt khác, Zuckerberg đã thừa nhận rằng thông điệp của Facebook: “Người dùng có khả năng kiểm soát dữ liệu của họ”, đã bị lung lay, khi bản thân chính dữ liệu của ông, cũng nằm trong số 87 triệu người bị Cambridge Analytica khai thác trái phép. Ông cũng không cho biết chi tiết gì thêm.
Việc Zuckerberg thừa nhận rằng ngay cả người sáng lập và hiểu rõ công ty nhất cũng không bảo vệ được dữ liệu của bản thân đã nhấn mạnh thêm vấn đề của Facebook trong việc thuyết phục các nhà lập pháp rằng người dùng có thể dễ dàng bảo vệ dữ liệu của họ, nên không cần thêm các điều luật ràng buộc mới lên Facebook.
Vụ việc Cambridge Analytica là nguyên nhân khiến Zuckerberg phải có mặt ở Capitol Hill để trả lời các câu hỏi: Tại sao một công ty làm việc cho chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ Donald Trump, lại nắm trong tay dữ liệu của người dùng Facebook?
Ông Frank Pallone, đại biểu của New Jersey, người đứng đầu Hội đồng Thương mại và Năng lượng Hoa Kỳ đã thắc mắc ở buổi điều trần ngày 11/4 rằng: “Làm sao người dùng có thể quản lý dữ liệu của bản thân trong khi ngay cả Facebook còn không kiểm soát được dữ liệu của chính mình?”
Zuckerberg cho biết cần mất vài tháng để kiểm tra các ứng dụng khác có khả năng khai thác hoặc chia sẻ trái phép dữ liệu người dùng hay không.
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ cũng đang có các ứng dụng khác thực hiện hành vi mờ ám hoặc sử dụng bừa bãi dữ liệu khách hàng.”
Các ràng buộc mới là không thể tránh khỏi?
Zuckerberg đã không thể đưa ra câu trả lời trước câu hỏi của nữ nghị sĩ Dingwell về tần suất mà Facebook khai thác hồ sơ người dùng của họ, bằng cách sử dụng các đoạn mã lệnh ẩn trong web.
Để trả lời hàng loạt các câu hỏi liên quan đến việc làm cách nào người dùng có thể xóa dữ liệu của họ khỏi Facebook, Zuckerberg có nói rằng công ty “có thu thập dữ liệu từ những người không đăng ký Facebook, nhưng chỉ để phục vụ cho mục đích bảo mật mà thôi”. Tuy nhiên, Mark lại không phản hồi trước câu hỏi làm sao người không dùng Facebook có thể lấy dữ liệu đó ra mà không cần phải đăng ký.
Mark còn nói thêm rằng mình chưa hề nghe qua từ “hồ sơ ẩn, được cho là tập hợp các dữ liệu của người dùng Facebook mà người dùng đó không được biết hay không có khả năng kiểm soát”.
Mark Zuckenberg rời đi trên chiếc SUV sau khi tham dự phiên điều trần. Ảnh: Reuters
Zuckerberg đã hoàn thành xuất sắc buổi điều trần thứ hai với một thái độ điềm tĩnh, chuyên nghiệp và nghiêm túc hơn cả buổi thứ nhất.
Nhờ vậy, cổ phần của Facebook tăng thêm 4,5% vào ngày 10/3 và 0,78% vào ngày 11/4. Trong vòng 2 ngày, giá trị cổ phần của Zuckerberg trong công ty đã tăng lên 3 tỉ đô.
Ông Greg Walden, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Năng lượng, đã tuyên bố với báo chí rằng ông sẽ bàn bạc với các thành viên khác của Ủy ban về việc tổ chức thêm các buổi điều trần tượng tự đối với các giám đốc điều hành của công ty khác mà ông từ chối tiết lộ tên.
Ông trình bày sau buổi điều trần: “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho khu vực Thung lũng Silicon và cộng đồng công nghệ, nếu không kiểm soát vấn đề trước khi quá muộn, thì hàng tá ràng buộc sẽ bị đổ lên đầu”.
Sau phiên điều trần thứ hai, đã xảy ra một vấn đề đó là không thể chuyển hóa các mối quan ngại của hai đảng thành các điều luật rõ ràng, nguyên nhân do sự phức tạp của việc ràng buộc các vấn đề liên quan đến công nghệ, chưa kể đến các cuộc vận động hành lang (lobbying) nhằm chống lại các ràng buộc được đưa ra./.
Thanh Hằng (Theo Reuters)