Cơ quan báo Đảng địa phương đa dạng hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường
(CLO) Công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí ở nhiều địa phương trong thời gian qua tiếp tục được tăng cường đổi mới, góp phần bảo đảm mục tiêu quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bền vững.
Xác định tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường bền vững là nhiệm vụ quan trọng. Ngay từ năm 2005, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) đã xây dựng và triển khai công tác truyền thông “Xanh”. Trong đó, tập trung vào mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức “Xanh” trong doanh nghiệp và cộng đồng.

Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động chiến dịch Tiêu Dùng Xanh. Ảnh: Mai Hoa
Từ năm 2005, Báo SGGP đã thành lập chuyên trang Môi trường - Đô thị xanh. Đến năm 2006, Giải thưởng Doanh nghiệp Xanh được Báo SGGP tổ chức và sau đó được UBND TP Hồ Chí Minh ủng hộ mạnh mẽ, nâng lên thành giải thưởng cấp thành phố. Tiếp đó, đến năm 2010, Chiến dịch Tiêu dùng xanh được Báo SGGP triển khai, góp phần hoàn thiện hoạt động truyền thông “Xanh” của Báo.
Đến nay, hoạt động truyền thông Xanh của Báo SGGP được phát triển và mở rộng trên toàn bộ hệ sinh thái SGGP gồm các ấn phẩm báo in và báo online. Sự đa dạng về thể loại và ngôn ngữ của các ấn phẩm Báo SGGP là lợi thế và là thế mạnh để thông tin của báo lan toả sâu rộng đến doanh nghiệp và cộng đồng người dân.
Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Sài Gòn Giải phóng chia sẻ, "hiện nay mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là một mảnh ghép xanh trong “tấm hộ chiếu” thông hành xanh. Muốn tấm hộ chiếu xanh trở nên “quyền lực”, cần có sự hợp lực tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần để các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững phát triển mạnh mẽ hơn, hướng tới sự thay đổi bền vững hơn trong tương lai".
Tương tự tại TP Đà Nẵng, trong 16 năm qua, Đà Nẵng cũng đã rất tích cực triển khai, thực hiện các mục tiêu xây dựng thành phố môi trường và đến nay, thành phố đã thiết lập sự cân đối giữa kinh tế, xã hội và môi trường, kết hợp bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế xã hội một cách hài hòa. Đặc biệt, năm 2020, thành phố hoàn thành xử lý triệt để tất cả cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố; kiểm tra, giám sát tuân thủ bảo vệ môi trường.
Từ nay đến cuối năm 2025, thành phố phấn đấu hoàn thành các thủ tục pháp lý, thủ tục đầu tư để thực hiện đầu tư các nhà máy xử lý rác, các trạm trung chuyển rác và các hạ tầng kỹ thuật môi trường liên quan, đáp ứng với quy hoạch và công tác quản lý, xử lý rác của thành phố đến năm 2030.
Cùng với đó, thành phố tăng cường các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát môi trường ngay tại nguồn, nhất là trong hoạt động công nghiệp, thiết lập mô hình khu công nghiệp sinh thái; tổ chức diễn tập phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường (gồm có sự cố tràn dầu) hằng năm. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành các hạng mục cải thiện các vấn đề môi trường trọng điểm…

Bài dạng eMagazine - Làm gì để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, trên báo Đà Nẵng. Ảnh: Chụp màn hình
Thực hiện trách nhiệm của người làm báo, trong thời gian qua, Báo Đà Nẵng đã quan tâm, dành nhiều thời lượng để tuyên truyền về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường...
Báo Đà Nẵng cũng dành “đất” để tuyên truyền trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đặc biệt, có đến 3 chuyên trang tuyên truyền hàng tháng về lĩnh vực bảo vệ môi trường gồm: “Thành phố môi trường”, “Môi trường đô thị”, “Vì thành phố xanh, sạch, đẹp”. Ngoài ra, còn có chuyên mục thông tin “Xây dựng nếp sống văn hóa - đô thị” với nhiều phản ánh về tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường tại các địa bàn dân cư.
Một điểm sáng trên Báo Đà Nẵng là dành dung lượng khá lớn tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn và tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu sử dụng và thải bỏ tài nguyên, không chỉ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, mà còn để góp phần giúp thành phố tiến đến thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 kể từ ngày 01/01/2025…
Để tuyên truyền có hiệu quả cho xu hướng chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, báo chí ở địa phương luôn có vai trò “bắc những nhịp cầu” từ các nhà quản lý, quy hoạch, hoạch định chính sách, khoa học đến với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Trong quá trình đó, báo chí đã kịp thời phát hiện, biểu dương những mô hình tốt, những cách làm hay và mang lại hiệu quả để nhân rộng.
Có thể khẳng định, ở mỗi cơ quan báo chí sẽ có cách làm sáng tạo khác nhau, phù hợp với tình hình địa phương, các phương thức tuyên truyền dần phù hợp đến từng đối tượng, từng ngành nghề giúp cho hoạt động tuyên truyền trở nên linh hoạt, dễ tiếp cận và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Từ đó khẳng định rằng, công tác phát triển xanh, bảo vệ môi trường vừa là nghĩa vụ cũng vừa là trách nhiệm không chỉ của riêng cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức nào.