Cơ quan chức năng thông tin về việc 9 người Việt Nam bỏ trốn ở Hàn Quốc

Thứ năm, 03/10/2019 07:55 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10, phóng viên nhiều cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi về những diễn biến xung quanh vụ việc 9 người đi theo đoàn chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội bỏ trốn ở Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung (giữa) trả lời câu hỏi của báo chí

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung (giữa) trả lời câu hỏi của báo chí

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiểm điểm trách nhiệm

Phóng viên đặt câu hỏi đề nghị Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về quá trình xử lý vụ việc này và đề nghị cho biết danh tính của những người bỏ trốn cũng như 2 người về nước cũng như trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Việc báo chí Hàn Quốc đưa tin có 9 người trong số các thành viên đi cùng phái đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam vào tháng 12/2018 đã bỏ trốn ở lại Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động bên lề của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài là cần thiết, để các doanh nghiệp có cơ hội kết nối hợp tác đầu tư và kinh doanh. Việc này đã có rất nhiều cơ quan tổ chức cho doanh nghiệp tham gia đoàn công tác, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Khi được giao nhiệm vụ chủ trì thì cơ quan quản lý phải lựa chọn các doanh nghiệp theo đúng quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã làm theo quy định và cùng cơ quan công an thẩm tra nhân thân của các doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, vừa rồi xảy ra vụ việc rất đáng tiếc, mặc dù đây là lần đầu tiên xảy ra vụ việc này, ông Trung khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Bộ đã thấy trách nhiệm trong việc này và đã tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm; đồng thời rà soát lại toàn bộ quy trình lựa chọn các doanh nghiệp tham gia các đoàn này.

Ông Trung cho biết, sau khi rà soát, nếu phát hiện ra sai phạm của cán bộ liên quan đến việc lựa chọn doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xử lý đúng theo quy định.

Về lý do tại sao chưa cung cấp được danh tính các cá nhân bỏ trốn, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho hay, đây là việc mà các cơ quan chức năng cả Việt Nam và Hàn Quốc đang tiến hành điều tra.

“Tại thời điểm này chúng tôi chưa có thẩm quyền để cung cấp danh tính 9 người này, khi nào có thông tin được cho phép thông tin, chúng tôi sẽ cung cấp”, ông Trung nói.

Trả lời về nội dung này, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho hay: Về vấn đề 9 người Việt Nam bỏ trốn ở Hàn Quốc sau khi đi chuyên cơ, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có trao đổi thông tin với báo chí và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có trả lời ban đầu.

“Về phần mình, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ thông báo đến báo chí”, ông Tô Ân Xô cho biết.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn tồn tại ở khâu đánh giá an toàn

Phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới đây đã thông báo không hoàn thành tiến độ, Tổng thầu thì cho rằng đã hoàn thành 100% khối lượng công việc nhưng Bộ Giao thông Vận tải không chấp thuận; qua kiểm định cho thấy hệ thống an toàn không đảm bảo…

Thông tin đến báo chí về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thi công và lắp đặt đã xong. Tồn tại lớn nhất là việc cung cấp các hồ sơ để bảo đảm an toàn hệ thống theo quy định của pháp luật; vấn đề này sẽ có tư vấn độc lập đánh giá, cụ thể ở đây là đơn vị của Pháp.

Tuy nhiên, việc cung cấp hồ sơ của Tổng thầu chưa đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến chứng chỉ minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất liên quan đến trang thiết bị của đoàn tàu để có cơ sở đánh giá an toàn hệ thống của đoàn tàu.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, theo quy định, phải đánh giá an toàn xong mới chạy thử và kích hoạt hệ thống bán vé tự động, hệ thống thông tin để điều động đoàn tàu… trong vòng 20 ngày và phải tổ chức nghiệm thu sau đó mới đưa vào khai thác chính thức.

Về những tồn tại này, Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực làm việc với Tổng thầu. Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra hiện trường và có chỉ đạo về an toàn để đảm bảo theo yêu cầu, rồi sau đó sẽ đưa vào khai thác trên cơ sở đánh giá độc lập về nghiệm thu, ông Đông thông tin.

Dùng ngân sách lắp camera tại nhà riêng là không đúng

Một số phóng viên nêu vấn đề: Vừa qua, có thông tin tỉnh Sóc Trăng chi gần 1.000 tỷ đồng từ ngân sách để lắp camera tại nhà riêng cho 12 thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, khiến dư luận rất bức xúc. Vậy Chính phủ có quan điểm như thế nào khi trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ luôn quán triệt tinh thần tiết kiệm từng đồng từ ngân sách mà một tỉnh nghèo như Sóc Trăng lại chi sai nguyên tắc như vậy?

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thông tin: Tất cả mọi khoản chi tiêu cũng như chế độ chi tiêu đều phải tuân thủ theo quy định của Luật Ngân sách. Theo quy định về một số chế độ chi tiêu trong hoạt động của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thì việc chi lắp đặt camera không được quy định. Chính vì vậy, ngày 30/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng đã tiếp thu ý kiến và thống nhất thu hồi lại, hoàn trả kinh phí này và nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Thông tin thêm với báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng: Việc dùng ngân sách nhà nước để chi lắp đặt camera cho gia đình các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng là không đúng.

Khi nhận được thông tin báo chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp khẩn và ban hành quyết định hủy Quyết định 1462 ngày 23/4/2019, thu hồi số tiền đã cấp từ ngân sách để lắp camera. Sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và yêu cầu kiểm điểm các cá nhân, tập thể có liên quan, báo cáo các cơ quan Trung ương.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đây là bài học cần rút kinh nghiệm chung, đặc biệt khi chúng ta đang thực hiện Quyết định 08 ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên…

Ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội đã vượt ngưỡng

Trả lời câu hỏi về việc hiện nay trên mạng xã hội có nhiều chia sẻ về không khí ô nhiễm, cho rằng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới và các giải pháp xử lý tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, hiện nay có nhiều ứng dụng di động phát triển cung cấp thông tin về chất lượng không khí. Có những trang mạng nước ngoài đã thu thập thông tin từ những trạm quan trắc không khí khác nhau, nên đã có thông tin đến người dân và những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo.

Theo ông Thành, người dân có thể tham khảo các thông số chính thức về chất lượng không khí trên trang www.moitruongthudo.vn hoặc của trang thông tin chính thức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Thành cho biết, sắp tới, các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đều có kế hoạch lắp đặt thêm các trạm đo chất lượng không khí để cảnh báo tốt hơn cho người dân vào những mùa chất lượng không khí sụt giảm. Về dài hạn, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong Quyết định này đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng không khí cho đến những phương pháp để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, tình trạng bụi mịn trong không khí. Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian tới sẽ triển khai mạnh mẽ hơn kế hoạch này.

Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết không gió, không mưa, tạo lớp sương mù nên việc khuếch tán bụi mịn ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng không khí.

Hiện nay, TP. Hà Nội có 11 trạm quan trắc không khí theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) quan trắc về tất cả các tiêu chuẩn của không khí. Các chỉ số NO2, SO2 đều đạt tiêu chuẩn, riêng bụi mịn thì vượt ngưỡng.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời phóng viên

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời phóng viên

Các nguyên nhân gây ô nhiễm đã được TP. Hà Nội xác định gồm: Khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, việc đốt rơm rạ, rác...

Ông Hùng cho biết, TP. Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp như lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí, phấn đấu đến năm 2020 sẽ lắp xong 25 trạm; tập trung xử lý các nguồn xả thải, xử lý nước thải, các nhà máy đốt rác, kiểm soát các phương tiện đang xả thải ra môi trường… giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội sẽ phát động chương trình Cánh đồng không đốt rơm rạ để giảm việc đốt rơm rạ của các địa bàn lân cận làm ô nhiễm không khí.

TP. Hà Nội cũng sẽ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân các phương pháp phòng tránh, bảo vệ sức khoẻ khi không khí bị ô nhiễm, đặc biệt với người già và trẻ em.

Thế Vũ

Tin khác

Phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

Phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

(CLO) Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2026). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Vương Đình Huệ dự chỉ đạo buổi Lễ.

Tin tức
Hoạt động giám sát được tăng cường và đổi mới, ngày càng linh hoạt, sát thực tiễn

Hoạt động giám sát được tăng cường và đổi mới, ngày càng linh hoạt, sát thực tiễn

(CLO) Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Tin tức
Quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất vũ khí hóa học

Quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất vũ khí hóa học

(CLO) Mới đây, Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 33/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

Tin tức
Đầu tư sớm nhất các tuyến cao tốc quy mô 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ

Đầu tư sớm nhất các tuyến cao tốc quy mô 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo về phương án đầu tư, nâng cấp tuyến cao tốc phân kỳ; trong đó, có giải pháp cụ thể để đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ....

Tin tức
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế

(CLO) Chiều 28/3, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của Việt Nam trước những va chạm mới đây giữa tàu Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây.

Tin tức