Đơn kèm theo nhiều tài liệu gửi Báo Nhà báo và Công luận tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà
P.T.M. Linh, bà Trần Thị S, trú tại phường Thịnh Quang, Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Qua giới thiệu của học sinh học tiếng Hàn, bà Linh biết số điện thoại của bà S. và gọi điện nhờ dạy tiếng Hàn, đồng thời giới thiệu người đi XKLĐ. “Sau một số lần tiếp xúc làm quen, tôi đã tin vào bà Linh và giới thiệu lao động là học sinh tiếng Hàn đến bà Linh để các em đi XKLĐ làm các công việc bán hàng, nấu ăn, thợ hàn, mỗi người thu 10.000 USD. Tiếp đến, bà Linh và anh Hiếu (trợ lý bà Linh) lại cho biết có tiêu chuẩn đi đánh bắt gần bờ Hàn Quốc theo dạng ưu tiên vùng Pomusa với phí 10.000 USD trong vòng 3 tháng là bay. Chưa dừng lại, bà Linh nói ở Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng Trường 9 có tuyển thợ hàn đi Hà Lan lương 7.000 USD/tháng, chi phí hết 13.000 USD/người, thời gian bay là 45 ngày... Tổng số người môi giới cho bà Linh là 75 người đi Hàn Quốc và 11 người đi Hà Lan, với tổng số tiền đã nộp vào tài khoản mang tên bà Linh và giấy viết tay là 893.000 USD”.
Tuy nhiên, đã không có chuyến bay nào được thực hiện như những lời bà Linh hứa hẹn; còn tiền của nhiều người đã lỡ cắm đi cuốn sổ đỏ của gia đình để vay lãi ngân hàng lấy tiền đi XKLĐ thì cứ như “không cánh mà bay”. “Nhiều người hết kiên nhẫn đã đến đòi lại tiền nhưng bà Linh không trả và còn lăng mạ người lao động, gọi điện thì không đồng ý gặp. Sau những lần thương thảo không thành, tôi và nhiều lao động đã lên Công an điều tra TP. Hà Nội gửi đơn tố giác đối với hành vi của bà Linh” – bà S. cho biết thêm.
Tiếp xúc các tài liệu bà S. cung cấp, phóng viên thấy hàng chục tờ giấy biên nhận – cam kết – thỏa thuận có nội dung tương tự nhau, ghi rõ việc bà P.T.M. Linh nhận tiền của người lao động và cam kết làm thủ tục hồ sơ đi XKLĐ tại Hà Lan, Hàn Quốc, nếu không đi được thì bà Linh phải có trách nhiệm hoàn trả những khoản tiền trên, với tổng số lên đến hàng tỷ đồng.
Lần theo bảng danh sách thông tin về những người đã nộp tiền cho bà Linh để được hứa hẹn đưa đi XKLĐ, phóng viên đã tiếp cận và thu thập thêm được nhiều bằng chứng, nhân chứng cùng tố cáo hành vi của bà Linh có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đơn của anh Nguyễn T. Phương, Sông Lô, Vĩnh Phúc cho biết, bà Linh đã chiếm đoạt của gia đình anh số tiền 11.000 USD qua hình thức nhận tiền lừa đi XKLĐ Hàn Quốc. Lần đầu tiên vào tháng 12/2016, anh Phương đã đưa cho bà Linh số tiền 6.000 USD tại quán cafe Nắng Sài Gòn, 91 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, có giấy biên nhận kèm theo dưới sự chứng kiến của bà T.T. Hòa, ông L.V. Hiếu và Nguyễn T. Trung. Sau đó, ngày 13/12/2016, bà Linh thông báo nộp tiếp số tiền 5.000 USD cũng tại địa điểm trên và hứa ngày 23/12/2016 sẽ đưa anh Phương vào Nam học định hướng.... Sau nhiều tháng chờ đợi, anh Phương đã tìm cách liên lạc và xin rút tiền nhưng bà Linh không nghe máy. Sự việc cũng được anh Phương trình báo Công an TP. Hồ Chí Minh để được hỗ trợ. Ngày 23/11/2017, anh Phương cũng đã làm đơn đến Công an TP. Hà Nội tố giác bà Linh và nộp những tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra.
Trường hợp của em Đinh Quế L. ở Bắc Giang: Em đã đưa cho bà Linh 5.000 USD vào tháng 11/2016 để học và làm thủ tục hồ sơ đi Hàn Quốc và tiếp tục chuyển khoản vào tài khoản Agribank chi nhánh Hà Thành mang tên P. T. M. Linh số tiền 130 triệu đồng nhưng đến nay số tiền trên cùng bà Linh “bặt vô âm tín”. Tiếp tục lần theo bảng danh sách rất nhiều người khác được cho là bị hại trong XKLĐ để điều tra nhằm củng cố thông tin bạn đọc cung cấp, phóng viên đã gặp gỡ một số lao động tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, TP. Hải Phòng...; họ đều nói việc chuyển tiền cho bà Linh để đi XKLĐ nhưng bị “bốc hơi” là có thật.
Trước sự việc trên, Báo Nhà báo và Công luận đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, trước hết là cơ quan Công an sớm điều tra, xử lí, làm rõ thông tin có hay không hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Linh với chiêu trò đưa người đi XKLĐ.
Thành Vinh