Cơ quan Nhà nước phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử được gửi đến từ người dân, doanh nghiệp

11/11/2022 14:16

(CLO) Đó là quan điểm của đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) khi đóng góp ý kiến cho dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Nâng cấp quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng nay (11/11), tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) quan tâm đến quy định về công nhận và sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài.

Đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật có thể dẫn đến cách hiểu tất cả các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài sẽ phải trải qua thủ tục kiểm tra về mặt pháp lý. Tuy nhiên cần cân nhắc cho phép các bên được tự thỏa thuận về việc sử dụng các loại chữ ký điện tử hoặc chứng thư điện tử. Bởi vì tôn trọng quyền tự do lựa chọn của các bên giao dịch thương mại có đặc điểm là tôn trọng tối đa quyền tự do lựa chọn của các bên, pháp luật chỉ can thiệp khi trái với quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội.

co quan nha nuoc phai tiep nhan va xu ly giao dich dien tu duoc gui den tu nguoi dan doanh nghiep hinh 1

Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) nêu ý kiến.

Do vậy, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị các cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng như sau: Cho phép các bên trong hoạt động thương mại được tự thỏa thuận về việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài hoặc chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài. Trong trường hợp đó chữ ký điện tử nước ngoài vẫn có giá trị xác nhận giao dịch giữa các bên. Việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài trong các hợp đồng thương mại cho mục đích giao dịch với các cơ quan nhà nước vẫn phải thực hiện theo quy định và công nhận chữ ký điện tử ở trên.

Về dịch vụ chứng chứng thực thông điệp dữ liệu, Điều 31 dự thảo Luật bổ sung thêm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mới là dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, quy định này có nguy cơ chồng chéo, trùng lặp với dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử quy định tại Nghị định số 52 sửa đổi Nghị định số 85 của Chính phủ.

Do vậy, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị các cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng cấp toàn bộ quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Nghị định số 52 lên thành dịch vụ chứng thực dữ liệu điện tử; đồng thời xác định rõ Bộ chuyên ngành quản lý dịch vụ này để phù hợp với các nguyên tắc, việc ban hành điều kiện kinh doanh phải tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ cho nhà đầu tư.

co quan nha nuoc phai tiep nhan va xu ly giao dich dien tu duoc gui den tu nguoi dan doanh nghiep hinh 2

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp.

Liên quan đến giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung nguyên tắc cơ quan nhà nước buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp.

Các cơ quan này không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ. Quy định về các tiêu chuẩn cụ thể tối thiểu về chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký để người dân, cơ quan nhà nước có thể áp dụng ngay mà không cần chờ văn bản pháp luật chuyên ngành sửa đổi.

Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý về dữ liệu mở, đề nghị sửa đổi Khoản 1, Điều 44 theo hướng các dữ liệu được công khai theo quy định pháp luật được coi là nguồn dữ liệu mở, ngoại trừ các ngoại lệ.

Cần có phương thức mới trong giải quyết tranh chấp giao dịch hợp đồng điện tử

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cũng bày tỏ đồng tình về sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử. Đồng thời, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định hợp lý về phạm vi điều chỉnh, nhằm đảm bảo tính bao trùm tất cả các giao dịch điện tử trên thực tế, tạo sự ổn định của hệ thống pháp luật.

co quan nha nuoc phai tiep nhan va xu ly giao dich dien tu duoc gui den tu nguoi dan doanh nghiep hinh 3

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật.

Đối với quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về hành vi vi phạm để áp dụng hình thức xử lý, như kỷ luật, truy tố trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, đình chỉ hoạt động với các cơ quan, tổ chức.

Về quy định giải quyết tranh chấp, đại biểu cho rằng, các quy định còn quá chung chung, đề nghị cần bổ sung thêm các hình thức xử lý hành vi vi phạm, quy định cụ thể từng trường hợp, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp được quyết định theo luật nào, để đảm bảo tính minh bạch của dự án Luật, áp dụng dễ dàng khi Luật được ban hành.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng cần nghiên cứu phương thức mới trong giải quyết tranh chấp giao dịch thông qua hợp đồng điện tử cho phù hợp với xu thế phát triển công nghệ và Cách mạng 4.0 trên thế giới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cơ quan Nhà nước phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử được gửi đến từ người dân, doanh nghiệp
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO