Cơ sở nào để Tổng thống Hoa Kỳ đưa ra biện pháp thuế đối ứng?
(CLO) Thương vụ, Đại sứ Quán Việt Nam tại Hoa Kỳ vừa có văn bản gửi Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương về việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump Trump đã ban hành Sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: Hoa Kỳ sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại cũng như các mức thuế đối ứng riêng lẻ đối với một loạt các quốc gia đối xử không công bằng với Hoa Kỳ. Trong buổi sự kiện, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đưa ra bảng mức thuế cho 50 đối tác thương mại của Mỹ.
Mặc dù Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump Trump nhắc đến Việt Nam với thái độ trân trọng “các nhà đàm phán giỏi và người dân tuyệt vời” nhưng mức thuế Việt Nam đang áp với hàng hóa của Mỹ là 90% do đó, mức thuế đối ứng với hàng hóa của Việt Nam là 46% (tính bằng 50% mức thuế nước ngoài áp dụng).
Tuy nhiên, một số nước mức thuế là tương tự thuế nước đó áp với hàng hóa của Mỹ (ví dụ: Brazil 10%, do nước này áp với hàng hóa của Mỹ là 10%).

Theo Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cơ sở để Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra biện pháp thuế đối ứng là Đạo luật Thẩm quyền kinh tế quốc tế khẩn cấp 1977 (IEEPA). (Ảnh minh họa. RCND)
Trong buổi công bố, Tổng thống Hoa Kỳ đã nhắc đến báo cáo rào cản của USTR (cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ) mới công bố gần đây cũng như biểu thuế đối ứng được Bộ trưởng Bộ thương mại chuyển lên Tổng thống trong buổi lễ.
Một số nước trong khu vực ASEAN, chỉ có Brunei không được đề cập trong bảng thuế đối ứng tại sự kiện nói trên, mức thuế như sau: Thái Lan 36%; Indonesia 32%, Malaysia 24%, Singapore 10%.
Một số hàng hóa sẽ không phải chịu thuế đối ứng bao gồm: Các mặt hàng chịu thuế theo mục 50 USC 1702; Các mặt hàng thép/nhôm và ô tô/phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232; Các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ; Tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai; Vàng thỏi; và Năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Hoa Kỳ.
Theo Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cơ sở để Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra biện pháp thuế đối ứng là Đạo luật Thẩm quyền kinh tế quốc tế khẩn cấp 1977 (IEEPA).
Do đó, đối với Canada và Mexico, các lệnh thuế căn cứ trên IEEPA về fentanyl/di cư hiện hành vẫn có hiệu lực và sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh này. Điều này có nghĩa là hàng hóa tuân thủ USMCA sẽ tiếp tục được áp dụng mức thuế 0%, hàng hóa không tuân thủ USMCA sẽ được áp dụng mức thuế 25% và 10% với năng lượng.
Trong trường hợp các lệnh IEEPA về fentanyl/di cư hiện hành được chấm dứt, hàng hóa tuân thủ USMCA sẽ tiếp tục được hưởng chế độ ưu đãi, trong khi hàng hóa không tuân thủ USMCA sẽ phải chịu mức thuế quan có đi có lại là 12%.
Mức thuế của với Việt Nam là mức cao đáng kể, chỉ đứng sau Campuchia 49%. Mức thuế với Việt Nam thậm chí cao hơn cả Trung Quốc 34%, EU 20%, Ấn Độ 26%, Nhật Bản 24%. Mức thuế này nếu áp dụng sẽ rất bất lợi với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Điều đáng lưu ý, trong bảng thuế đối ứng tại sự kiện, không đề cập đến Canada, Mexico và Venezuela. Hiện nay, vẫn chưa rõ căn cứ chi tiết để phía Hoa Kỳ xây dựng mức thuế gốc (thuế các nước áp với hàng hóa của Mỹ) tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ cho rằng mức thuế tính toán dựa trên các rào cản thuế quan và phi thuế quan của các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ và trong nhiều trường hợp, các rào cản phi tiền tệ còn tệ hơn cả rào cản tiền tệ.
Các nước đã thao túng tiền tệ, trợ cấp cho hàng xuất khẩu, vi phạm sở hữu trí tuệ, áp đặt [thuế giá trị gia tăng] cao để gây bất lợi cho sản phẩm của Mỹ, áp dụng các quy tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật không công bằng.
Ngoài ra, trong thông báo của Nhà trắng, một số quốc gia như Argentina, Brazil, Ecuador và Việt Nam hạn chế hoặc cấm nhập khẩu hàng tái chế, hạn chế khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ đồng thời kìm hãm các nỗ lực thúc đẩy tính bền vững bằng cách ngăn cản thương mại đối với các sản phẩm mới và hiệu quả. Nếu những rào cản này được gỡ bỏ, ước tính xuất khẩu của Hoa Kỳ sẽ tăng ít nhất 18 tỷ đô la mỗi năm.
Mặt khác, Hoa Kỳ có một trong những mức thuế suất tối huệ quốc (MFN) trung bình thấp nhất thế giới ở mức 3,3%, trong khi nhiều đối tác thương mại chính của Hoa Kỳ như Brazil (11,2%), Trung Quốc (7,5%), Liên minh châu Âu (5%), Ấn Độ (17%) và Việt Nam (9,4%), mức thuế suất MFN trung bình cao hơn đáng kể.
Theo cách hiểu của một số chuyên gia sau khi nghiên cứu Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, hiện chưa rõ liệu sau khi Hoa Kỳ áp dụng thuế quan chung với tất cả các quốc gia 10% vào ngày 05/4/2025 có cộng gộp với thuế đối ứng với từng đối tác (60 quốc gia) vào ngày 09/4/2025 hay không.
Sắc lệnh thể hiện quan điểm xuyên suốt của chính quyền đương nhiệm tập trung việc áp dụng các biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ với mục đích giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại trong thời gian dài không còn chỉ là vấn đề kinh tế mà đã trở thành tình trạng khẩn cấp quốc gia đe dọa đến an ninh và cuộc sống của người dân Mỹ.
"Các mức thuế quan này sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi Tổng thống Trump quyết định rằng mối đe dọa do thâm hụt thương mại và cách đối xử không có đi có lại cơ bản được giải quyết hoặc giảm thiểu", ông Hưng nói.
Sắc lệnh cũng nêu việc Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên phòng Hoa Kỳ (CBP) sẽ đưa ra hướng dẫn về cách đánh thuế đối với hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ Hoa Kỳ (theo đó, căn cứ hàm lượng Hoa Kỳ trong hàng hoá nhập khẩu ít nhất là 20%).
"Hiện chưa rõ cơ chế rà soát, thay đổi mức thuế sẽ được thực hiện như thế nào. Ngay sau khi Mỹ ban hành bảng thuế, Thương vụ đã liên hệ với đại diện USTR để tìm hiểu kỹ hơn các căn cứ để tính toán và một số thông tin liên quan khác", ông Hưng nhấn mạnh.