Có sự ‘lệch pha’ kế hoạch triển khai Vành đai 4 TP HCM của các địa phương

26/10/2022 17:57

(CLO) UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Văn phòng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Dương xác định rõ hình thức thực hiện dự án Vành đai 4 TP HCM để phối hợp tổ chức thực hiện được đồng bộ.

Toàn tuyến dự án Vành đai 4 TP HCM có tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng, dài 197,6 km, vận tốc thiết kế 100km/h, thiết kế 6 - 8 làn xe cao tốc, hai bên đường song hành. Tuyến đường trọng yếu của khu vực Đông Nam bộ đi qua TP HCM (17km), Bà Rịa - Vũng Tàu (18km), Đồng Nai (45km), Bình Dương (49km) và Long An (71km).

co su lech pha ke hoach trien khai vanh dai 4 tp hcm cua cac dia phuong hinh 1

Đường Vành đai 4 khi hoàn thành sẽ kết nối được 5 tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh minh họa: Lê Giang.

Trong các tỉnh thành này, giữa Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) với Bình Dương đang có sự “lệch pha” trong công tác triển khai đồng bộ dự án.

Cụ thể, trong văn bản số 13004/UBND-VP ngày 18/10/2022 của UBND tỉnh BRVT gửi Văn phòng Chính phủ, địa phương có ý kiến đối với kiến nghị của tỉnh Bình Dương về cơ chế đầu tư tuyến Vành đai 4.

Qua nghiên cứu báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, BRVT cho rằng chưa xác định rõ được hình thức đầu tư dự án là PPP (đề xuất hình thức huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác) hay là đầu tư công (sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi một phần vốn).

Do vậy, UBND tỉnh BRVT đề nghị Văn phòng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Dương xác định rõ hình thức thực hiện dự án để phối hợp tổ chức thực hiện.

Trong trường hợp, UBND tỉnh Bình Dương có đủ nguồn vốn để triển khai theo phương thức đầu tư công đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh BRVT hoàn toàn ủng hộ nhằm sớm đầu tư hoàn thành các đoạn tuyến để sớm kết nối các khu vực kinh tế trong vùng.

Vấn đề tiến độ và quy mô đầu tư, lãnh đạo tỉnh BRVT nhận định, các phương án và tiến độ đầu tư các đoạn tuyến đường Vành đai 4 TP HCM đoạn qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, BRVT chưa thống nhất về phương án, tiến độ đầu tư, cụ thể:

Về phương án mặt cắt tuyến giai đoạn 1: Tỉnh Đồng Nai, Bình Dương chọn mặt cắt phần đường cao tốc đầu tư giai đoạn 1 là 17m (4 làn xe cao tốc hạn chế) còn BRVT chọn mặt cắt phần đường cao tốc đầu tư giai đoạn 1 là 27m (4 làn xe cao tốc đầy đủ).

Về tiến độ dự kiến hoàn thành giai đoạn 1: Bình Dương dự kiến hoàn thành quý II/2025, Đồng Nai hoàn thành năm 2028, BRVT hoàn thành năm 2026. Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ về phương án và tiến độ đầu tư dự án, 3 địa phương phải thống nhất phương án mặt cắt và tiến độ thực hiện dự án nhằm đảm bảo tính kết nối và hiệu quả đầu tư của dự án.

Từ những cơ sở trên, UBND tỉnh BRVT kiến nghị Văn phòng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Dương xác định rõ hình thức thực hiện dự án để phối hợp tổ chức thực hiện.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh thống nhất các nội dung: thống nhất phân kỳ các giai đoạn đầu tư; phương thức đầu tư mỗi giai đoạn; quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1, mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện và tổ chức điều phối chung các dự án thành phần đường Vành đai 4 TP HCM trên địa bàn các tỉnh bảo đảm đầu tư đồng bộ và hiệu quả.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Có sự ‘lệch pha’ kế hoạch triển khai Vành đai 4 TP HCM của các địa phương
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO