Cốm Hà Giang - món quà hấp dẫn hút khách du lịch
(CLO) Những ngày này, người dân xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang lại bắt tay vào gặt lúa để làm cốm. Thức cốm dẻo thơm ấy do chính tay người dân nơi đây làm ra như một món quà du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Vốn là địa phương duy trì nghề làm cốm lớn nhất trong toàn tỉnh Hà Giang, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên có khoảng 100 hộ làm cốm, tập trung ở các thôn Mịch A, Mịch B, Hòa Sơn.

Theo người dân nơi đây, để làm ra mẻ cốm dẻo thơm thì họ cần phải ra đồng từ sáng sớm, lựa chọn những bông lúa to tròn, mẩy nhưng đặc biệt là thân rơm còn xanh, đầu hạt thóc vẫn còn một ít sữa non. Nếu hạt thóc quá non thì khi giã cốm bị nát, nếu để lúa già hạt cốm sẽ bị cứng.

Một vựa lúa làm cốm của hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Hà Giang.

Những bông lúa nếp sau khi mang từ đồng về sẽ được chia thành từng bó nhỏ và mang lên lò để sấy.

Người dân cần cù, chịu khó gặt hái những bó lúa từ rất sớm để làm ra những mẻ cốm thơm ngon.

Những bó lúa chất lượng, đạt tiêu chuẩn được người dân cho vào bao cẩn thân, sau đó đem về nhà chế tạo thành cốm.

Người dân vác lúa về nhà để chế tạo thành cốm dẻo thơm phục vụ du khách.

Những bó lúa đặt lên phên tre để sấy đến khi hạt lúa tỏa mùi thơm, thi thoảng có tiếng nổ tí tách thì lúa đã chín tới.

Đây là công đoạn quan trọng, vì sấy lúa phải dải và giở đều tay các bó lúa, nếu lửa to sẽ cháy hạt thóc, nếu lửa nhỏ sẽ mất nhiều thời gian. Sau đó lúa được mang đi tuốt để tách hạt.

Nếu công đoạn sấy cần sự khéo léo, tỉ mỉ, chính xác thì công đoạn giã đòi hỏi người làm cốm phải có sức khỏe dẻo dai. Thóc được giã và sàng sảy nhiều lần đến khi còn lại những hạt cốm dẹt, mỏng, dẻo thơm, xanh nguyên màu lúa non. Để giữ hương vị, cốm sau khi giã xong được gói cẩn thận trong lớp lá chuối hoặc lá dong.

Những mẻ cốm xanh non, dẻo thơm sau khi thành phẩm kết tinh từ hương vị tinh túy của đất trời khiến ai từng một lần được thưởng thức sẽ khó thể quên được.
Việt Trung - Ảnh: Tuấn Anh