Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020:):

Con đường này, năm xưa Bác về Lễ Tổ Hùng Vương

Thứ bảy, 16/05/2020 08:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tháng 5 đã về, nắng vàng rực rỡ, những ngày bầu trời thâm u, con người dồn sức chống chọi bệnh dịch Covid-19 rồi cũng qua. Bản lĩnh Việt Nam, sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam đã một lần nữa chiến thắng ngoạn mục.

Cảm xúc dâng trào trong mỗi tâm hồn, đó là dịp này cả nước đang hướng về Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) bằng những hành động và việc làm thiết thực, ý nghĩa.                                                                  

Với núi rừng Việt Bắc, Thái Nguyên, Bác Hồ có cả thảy 15 năm ở và làm việc: Trước Cách mạng Tháng Tám từ 1941 đến 1945; trong Kháng chiến chống Pháp  thì từ 1947 đến 1954. Mảnh đất này ghi đậm dấu chân Người… Với người làm báo thì dù có nỗ lực đến mấy khi viết về Bác vẫn như chưa làm được điều gì!

Bí thư Đảng ủy Bản Ngoại Ngô Mạnh Thơ trao đổi với tác giả.

Bí thư Đảng ủy Bản Ngoại Ngô Mạnh Thơ trao đổi với tác giả.

Một sáng tháng 5 bầu trời thăm thẳm xanh, nắng vàng rực rỡ, chúng tôi chọn một trong những nẻo đường về chiến khu xưa; về với những giá trị truyền thống -Quốc lộ  37, có điểm khởi đầu từ dưới đồng bằng châu thổ sông Hồng chạy qua TP. Thái Nguyên, xuyên qua huyện Đại Từ của tỉnh Thái Nguyên rồi vươn tiếp qua Đèo Khế, Đèo Kháng Nhật, Kè Ba Hai, qua huyện Sơn Dương, TP.Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) rồi rẽ trái qua bến phà Bình Ca xưa, men theo bờ dòng Lô oai hùng một thủa... Rồi theo Quốc Lộ 2, qua ngã ba Đoan Hùng về đất Phong Châu (Phú Thọ), nơi có ngọn Nghĩa Lĩnh cao vời mà trên núi là nơi thờ tự các Vua Hùng, Tổ tông dân Việt. Chúng tôi đi như vậy để ghi chép lại, để một lần nữa giới thiệu về con đường kháng chiến mà trong đó có ngày 18 và19 tháng 9 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ nơi ở - căn nhà sàn đơn sơ trên đồi Thành Trúc của xóm Đầm Mua xã Hùng Cường (Đại Từ)- nơi đặt “Phủ Chủ tịch”  từ tháng 8 cho đến hết tháng 10/1954 về Đền Hùng đất Tổ chiêm bái, cẩn cáo tổ tiên sau thắng lợi ngoại bang vang dội tại Điện Biên Phủ và trước khi trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến sau 9 năm xa cách...

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn 308 tại Đền Hùng sáng 19/9/1954.

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn 308 tại Đền Hùng sáng 19/9/1954.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng, Chính phủ cùng các cơ quan đầu não của kháng chiến từ Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang); Chợ Đồn (Bắc Cạn)... ATK Định Hóa (Thái Nguyên) chuyển dần về ATK Đại Từ cùng tỉnh Thái Nguyên tổ chức các công việc chuẩn bị cho ngày về tiếp quản Thủ đô... Đại Từ là vùng an toàn, là nơi hội tụ nhiều thế mạnh, là nơi đi về của các đoàn quân, cơ quan của ta trong kháng chiến…

Đồi Thành Trúc, xóm Vai Cày, Đầm Mua - Ngày ấy và bây giờ

Biết tôi từ Hà Nội trở lại Đại Từ, bạn học Đại học Tổng hợp, tiến sỹ sử học Chu Đức Tính, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhắn nhủ:

- ATK Đại Từ là nơi Bác Hồ cùng TW Đảng, Chính phủ cùng các cơ quan đầu não của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đóng đại bản doanh sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, mấy tháng trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Mấy tháng nhưng đã triển khai nhiều việc hệ trọng, quyết sách lớn trong đối ngoại, đối nội của ta. Báo chí mấy chục năm qua có nhắc nhớ nhưng chưa tương xứng với tầm vóc của địa danh về những sự kiện năm ấy cũng như cuộc sống hôm nay của vùng đất này. Nhất là những sự kiện có một không hai với một Nhà nước như tiếp các đại sứ lên chiến khu trình Quốc thư… Tôi hiểu anh muốn nói về băn khoăn của các nhà làm lịch sử khi còn để đó những góc khuất với công chúng, nhất là những câu chuyện có liên quan đến Hồ Chủ tịch.

Anh Ngô Mạnh Thơ, Bí thư Đảng ủy xã Bản Ngoại và Đỗ Xuân Duyên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã La Bằng (Năm 1954, xã Hùng Cường gồm xã La Bằng và Bản Ngoại bây giờ) do được hẹn trước, tiếp chúng tôi thân tình, chu đáo. Anh Duyên là cán bộ cơ sở lâu năm, từng trải; còn anh Thơ thuộc lớp cán bộ trẻ, là Phó trưởng phòng Văn hóa -Thể thao huyện Đại Từ luân chuyển về, lại đúng nơi có di tích lịch sử 66 năm trước nên rất đỗi thông thạo... Chúng tôi cùng nhau đến thăm Di tích lịch sử ngọn đồi Thành Trúc, xóm nhỏ Đầm Mua, Vai Cày… Mặc dù được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 2006 nhưng việc đầu tư cho quần thể quan trọng này còn rất đỗi khiêm tốn, sơ sài… Ngoài bia di tích ghi đầy đủ vị trí, dấu ấn lịch sử; nền ngôi nhà Bác Hồ ở tại đồi Thành Trúc vẫn đó, trong sự chờ đợi được đầu tư để xứng với tầm vóc cũng như sự trân trọng của hậu thế với lãnh tụ, với lịch sử

Chè Bản Ngoại- La Bằng có diện tích trên 500 héc ta- cây công nghiệp thế mạnh nơi đây.

Chè Bản Ngoại- La Bằng có diện tích trên 500 héc ta- cây công nghiệp thế mạnh nơi đây.

...Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký ngày 21/7/1954. Ngay sau đó, Đội 36 Thanh niên xung phong do đồng chí Tạ Quang Chiến (Ông Chiến là một trong 8 người Bác đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi) chỉ huy đã về xã Hùng Cường, một nơi đất rộng, người thưa có truyền thống yêu nước, dưới chân sườn Đông dẫy Tam Đảo xây dựng gấp một quần thể lán trại gồm: Khu nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ; Cơ quan ngoại giao, Đại sứ quán Liên Xô, Trung Quốc cùng các cơ quan đầu não của kháng chiến tập kết về Đại Từ, thực hiện các công việc chuẩn bị cho tiếp quản Thủ đô. Nơi Bác Hồ ở và làm việc nằm trên đồi Thành Trúc thuộc xóm Đầm Mua, cơ quan Chính phủ bên xóm Vai Cày; Cơ quan ngoại giao tại đồi Giang… Mà không chỉ mấy xóm của xã Hùng Cường này, hầu hết các xã của Đại Từ năm đó đều là nơi tập kết… đủ thấy niềm tin tuyệt đối của lãnh tụ, lãnh đạo đối với nhân dân và cán bộ ATK Đại Từ khi ấy.

Câu chuyện giữa chúng tôi và lãnh đạo hai xã dần quay về chủ đề đương đại, chủ đề làm ăn, xây dựng quê hương bây giờ… Vốn cùng một xã Hùng Cường xưa nên sự tương đồng giờ đây vẫn vậy. Đất lúa và đất trồng chè vừa là vốn liếng, vừa chất chứa trong đó chiều sâu của văn hóa, tình yêu quê hương. Vì nằm trọn nơi sườn Đông dãy Tam Đảo, hấp thụ thổ nhưỡng của một vùng tiểu khí hậu nên chè Bản Ngoại, La Bằng nổi tiếng hương thơm vị đượm, năng suất cao. Chính thế, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 40 triệu mỗi người dân, đã bước vào ngưỡng cửa khấm khá, chè cho nhiều tiền hơn lúa nên thế mạnh cũng từ chè. Chỉ tiêu hằng năm được giao hoặc tự thiết lập luôn hoàn thành, chỉ tiếc nỗi chưa có nhiều lắm những đột phá…

Đi trong sự thanh bình, yên ả, chầm chậm trôi của làng quê Bản Ngoại, La Bằng, bí thư Đỗ Mạnh Thơ bộc bạch:

- Bản Ngoại về đích nông thôn mới 5 năm rồi, hộ nghèo còn hơn 4%, thu nhập mỗi héc-ta cũng đã đạt trên trăm triệu; ngoài chè, lúa luôn là thế mạnh và mũi nhọn đã  có nhiều kết quả khá. Xã đã có tới 245 héc- ta chè, nhiều diện tích trong đó đã đạt tiêu chuẩn Vietgap, mỗi năm thu gần 3.000 tấn chè búp tươi .Nếu năm 2015, xã chỉ có 62 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp thì từ năm 2019 đã có thêm 3 công ty, 2 doanh nghiệp thu hút hơn 1.000 lao động có việc làm… Như vậy cũng đã yên tâm, nhưng chúng tôi đang trăn trở cho một việc gì đó tập trung hơn, mới và hiệu quả hơn – Có lẽ đó là một hình thức sản xuất hiện đại để có năng suất và chất lượng vượt trội để Bản Ngoại là một trong những điểm đến? Cũng như thế, La Bằng thời gian qua đã nổi tiếng với sản phẩm chè và đang tiếp tục làm phong phú hơn thương hiệu đó. Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã La Bằng Đỗ Xuân Duyên nhấn mạnh thêm:

- Vinh dự được là đại hội điểm của tỉnh, Đại hội Đảng bộ La Bằng nhiệm kỳ XXIV tháng 3 vừa qua đã khẳng định sức vươn và thành tích của địa phương trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương phát triển mọi mặt…Thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Thái Nguyên (Năm 1936), La Bằng vẫn giữ vững và phát huy truyền thống đó…

Chúng tôi rời Bản Ngoại, La Bằng để đi tiếp hành trình trong tâm trạng hứng khởi và tự hào. Vậy là chúng tôi đã đến được “Phủ Chủ tịch”- nơi Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta 66 năm trước đã ở và làm việc trong một thời khắc thật hào sảng của dân tộc và không thể nào quên!

Quốc lộ 37 qua Đại Từ, ngày 18/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ xóm Vai Cày, xã Bản Ngoại đi Lễ Tổ Hùng vương tại Phú Thọ.

Quốc lộ 37 qua Đại Từ, ngày 18/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ xóm Vai Cày, xã Bản Ngoại đi Lễ Tổ Hùng vương tại Phú Thọ.

…Quốc lộ 37 bây giờ được làm mới to, rộng, trải nhựa áp phan mịn màng. Cây đa đôi vẫn đó, thách thức với thời gian và vật đổi sao dời. Quán ông già là đâu? Mà phố thị miền sơn cước Yên Lãng còn đây. Đèo Khế, nỗi khiếp đảm của Thực dân Pháp trong trận đại bại đầu kháng chiến... bây giờ đã được hạ thấp độ cao để đi lại thông thoáng hơn. Chúng tôi đang đi về nơi linh thiêng ấy…

Từ Đồi Thành Trúc Bác về lễ Tổ Hùng vương

Tiến sỹ Chu Đức Tính tâm sự :

 - Ra đi từ năm 1911 khi còn tuổi đôi mươi, sau 30 năm bôn ba khắp bốn biển, năm châu tìm đường cứu nước, đến mùa xuân năm 1941 Bác mới về tới Cao Bằng. Trong một năm đầu vừa giành độc lập, Bác chẳng được một ngày nghỉ ngơi, rồi lại kháng chiến chống Pháp trường kỳ… Cho nên ngày 18/9/1954, từ Thành Trúc, Vai Cày, Đầm Mua, Bác đi lễ Tổ nên phài dùng chữ VỀ mới chuẩn… Quả vậy, Bác về cẩn cáo Tổ tông mà !!!

Bí thư xã Bản Ngoại giới thiệu về di tích lịch sử.

Bí thư xã Bản Ngoại giới thiệu về di tích lịch sử.

Khi đi tìm hiểu để viết bài ký này, tôi may mắn gặp hai người cao tuổi, đều trên dưới chín mươi. Đó là Cựu chiến binh chống Pháp, bác Nguyễn Ngọc Tăng, và bác Trần Nhân, một nông dân sinh ra và lớn lên vùng núi bắc Đại Từ. Bác Tăng hiện là Trưởng ban liên lạc Đại đoàn Quân Tiên phong(308) của tỉnh Thái Nguyên, là người chứng kiến và hiểu biết kỹ càng những sự kiện cuối năm 1954 đáng nhớ ấy. Bác Tăng ra quân, làm đến chức Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Bắc Thái rồi nghỉ hưu. Riêng công tác CCB thì dù năm nay đã 86 tuổi, bác vẫn hăng hái... Bác Tăng kể:

 -   Đại đoàn 308 thành lập tại huyện  Phú Lương tỉnh Thái Nguyên sau năm 1950, còn Trung đoàn 88 của bác thì thành lập tại xã Tân Cương cũng thuộc Thái Nguyên. Đánh Điện Biên Phủ xong, 308 rút về Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang tham gia các việc hệ trọng của cách mạng. Trung đoàn các bác được học tập, tập huấn rồi tham gia tiếp quản Thủ đô, cải cách ruông đất... Vì các bác trong cùng đại đoàn chủ lực nên mọi công việc đều được phổ biến và học tập. Riêng việc Bác nói chuyện với cán bộ đại đoàn tại Đền Hùng thì Chính ủy Đại đoàn 308- tướng Song Hào cho học tập kỹ lưỡng…Bác Tăng còn cho hay: Đại Từ là vùng tự do của ta nên nơi đây tập trung rất nhiều cơ quan, đơn vị. Ngay các đơn vị trong đại đoàn của bác sau mỗi chiến dịch cũng về Đại Từ chỉnh trang đội ngũ, rèn luyện kỹ thuật và sức chiến đấu. Còn câu chuyện từ Đại Từ bác lên Đền Hùng…

Bên này là ngôi nhà Bác ở (đồi Thành Trúc) bên kia suối là cơ quan ngoại giao. Bác qua lại bằng chiếc cầu treo làm bằng dây mây buộc qua 2 cây cổ thụ.

Bên này là ngôi nhà Bác ở (đồi Thành Trúc) bên kia suối là cơ quan ngoại giao. Bác qua lại bằng chiếc cầu treo làm bằng dây mây buộc qua 2 cây cổ thụ.

Đó là sang ngày 18/9/1954, Bác rời cơ quan Chủ tịch phủ đóng tại xóm Vai Cày xã Bản Ngoại bây giờ trên chiếc xe Com măng ca số hiệu KT-032 vượt Đèo Khế đi về hướng tây. Đoàn còn một xe com mang ca nữa chở cán bộ, chiến sỹ tùy tùng. Xe Bác qua ngã ba Sơn Dương nhưng không rẽ phải đi Tân Trào mà đi thẳng rồi rẽ trái qua Phà Bình Ca rồi men Sông Lô đi Ngã ba Đoan Hùng, rẽ trái về xã Chân Mộng huyện Phù Linh của Phú Thọ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thời sự với chỉ huy và chiến sỹ trung đoàn bộ đội ta vừa hành quân từ Thượng Lào về, sau đó làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ. Xế chiều Bác đến khu vực Đền Hùng (Thôn Cổ Tích xã Hy Cương huyện Phong Châu bây giờ), con đường qua Ba Hàng và Tiên Kiên không đi được ô tô nên Bác và cán bộ phải bỏ xe đi bộ mấy cây số. Tối 18, Bác ngủ qua đêm bằng chiếc giường bạt trong nhà Tăng của Đền Hùng. Sáng 19/9,Chính ủy Đại đoàn 308- tướng Song Hào đến báo cáo công tác của Đại đoàn Quân tiên phong với Bác rồi cùng Bác lên núi qua Đền Hạ, Trung, Đền Thượng, viếng mộ Tổ. Ở đâu Bác cũng thành kính chiêm bái và đọc kỹ các văn bia. Hơn 9h, Bác trở lại sân Đền Giếng dưới chân núi nói chuyện với hơn 100 cán bộ, chỉ huy của Đại đoàn 308 vưà được triệu tập. Ngồi bên Bác có Chính ủy Song Hào và Phó chánh văn phòng Tổng Quân ủy Thanh Quảng. Bác nói nhiều về công việc tới của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô của bộ đội 308. Người căn dặn cán bộ, chiến sỹ phải tránh các khuyết điểm: Thiếu tổ chức, kỷ luật (Ăn ở, đi lại, mua bán xa xỉ, tự do bắt trước lối sống không tốt, dễ sinh tham ô, hư hỏng)…Bác nói về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và công lao của các vua Hùng. Bác kết: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cả khu vực Đền Hùng sáng 19/9/1954 vang dậy tiếng hô: Nước Việt Nam muôn năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!.! 10h hôm đó, Bác trở lại Đại Từ…

Bác Bàn Nhân có trí nhớ khá tốt. Bác kể:

-  Chuyện lâu rồi nhà báo hỏi thì nói thôi. Vùng này ngày xưa hoang vu rậm rạp lắm. Chủ yếu đồng bào dân tộc ở thôi, vắng lắm. Năm ấy thấy đông bộ đội, cán bộ về thì cho gạo cho rau. Ở mấy tháng rồi đi về xuôi. Sau này mới biết có cụ Hồ về ở Vai Cày, Đầm Mua, thế thôi…

Sách tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chép rằng: "Sau buổi nói chuyện lịch sử đó, Bác lại về sống tại căn nhà sàn đơn sơ tại đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mua… Ngày 20/9, Bác tiếp đoàn giáo phái Miền Nam ra thăm Miền Bắc, thăm Trường tập huấn Cải cách ruộng đất nằm xã bên; Thăm trung đoàn 600 vừa thành lập có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho Trung ương sau ngày tiếp quản Thủ đô… Cũng tại xã Bản Ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo kiêm đạo diễn điện ảnh Rôman Cácmen nổi tiếng, có nhiều cảm tình với cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta .Ngày 10/10/1954, từ nơi làm việc - xóm nhỏ Vai Cày, ATK Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát đi Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng: …"Cùng đồng bào Hà Nội thân mến! 8 năm qua Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng chính phủ luôn gần cạnh đồng bào… Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà. Lòng vui mừng khôn xiết kể!..”. …"Chúng ta phải thực hiện chính sách công và tư đều được chiếu cố, chủ và thợ đều có lợi. Các bạn công nhân hăng hái sản xuất. Bà con công thương hăng hái kinh doanh. Chúng ta cần phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của Thủ đô ta”….

Ngày 12/10/1954,Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn nhà sàn bé nhỏ đơn sơ trên đồi Thành Trúc trở về Thủ đô Hà Nội, kết thúc 8 năm xa cách...

Hôm nay, chúng tôi rong ruổi trên con đường Bác đã đi năm xưa mà lòng bồi hồi khôn tả. Đất nước đã trải qua 45 năm thống nhất, non song thu về một mối; hơn 30 năm đổi mới toàn diện để thực hiện di huấn của Bác- Xây dựng đất nước hơn 10 ngày xưa.  Vẫn rừng cọ, đồi chè, vẫn nắng chói sông Lô như thế song bây giờ thay đổi nhiều lắm, từ đời sống, đến sinh hoạt của nhân dân một vùng quê cách mạng đã giầu có nhiều rồi, thay đổi nhiều rồi. Mọi người dân Việt Nam đều chung sức,chung lòng cho một Tổ quốc Việt Nam bền vững và thịnh vượng .

Tôi tự thấy mình như những đứa con xa, nay về thăm lại nơi Bác kính yêu từng có những ngày ở và làm việc: “Nhớ Người những sớm tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/Nhớ chân Người bước lên đèo/Người đi rừng núi trông theo bóng Người…” mà dâng tràn niềm vui./.

                                                                         Đại Từ- Thái Nguyên tháng 5-2020

                                              Bút ký của Hữu Minh

Tin khác

Trẻ em Gaza ước ao về những ngày đi học trước xung đột

Trẻ em Gaza ước ao về những ngày đi học trước xung đột

(CLO) Thời gian học tập, vui chơi bên bạn bè của trẻ em Gaza đã biến mất kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra 6 tháng trước. Với các em, những điều tưởng như bình thường đó giờ lại là nỗi ước ao mịt mờ.

Thế giới 24h
Thiếu hụt tên lửa, Ukraine chuyển sang sử dụng khinh khí cầu tấn công Nga

Thiếu hụt tên lửa, Ukraine chuyển sang sử dụng khinh khí cầu tấn công Nga

(CLO) Lực lượng phòng không Nga tuyên bố đã bắn hạ 5 khinh khí cầu của Ukraine trong đêm ngày 17/4. Đây là dấu hiệu cho thấy đang có sự thay đổi về phương thức chiến đấu của Kiev trong cuộc xung đột với Nga, nhất là trong bối cảnh họ đang thiếu hụt tên lửa do nguồn viện trợ từ Mỹ bị đình trệ.

Thế giới 24h
Triều Tiên và Belarus thắt chặt quan hệ ngoại giao

Triều Tiên và Belarus thắt chặt quan hệ ngoại giao

(CLO) Các lãnh đạo Triều Tiên đã đón tiếp phái đoàn đến từ Belarus và cam kết tăng cường hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trên trường quốc tế trong các cuộc hội đàm diễn ra vào thứ Năm (18/4), theo hãng thông tấn KCNA đưa tin.

Thế giới 24h
Hệ thống phòng thủ của Israel hiệu quả nhưng chi phí cao

Hệ thống phòng thủ của Israel hiệu quả nhưng chi phí cao

(CLO) Hệ thống phòng không lỗi thời khiến Iran dễ bị Israel tấn công nếu Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết định phớt lờ áp lực toàn cầu để trả đũa trực tiếp bằng loạt tên lửa và máy bay không người lái.

Thế giới 24h
Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine bị bắt ở New York, gồm cả nhà báo

Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine bị bắt ở New York, gồm cả nhà báo

(CLO) Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine đã bị bắt hôm 17/4 trong khuôn viên Đại học Columbia (New York, Mỹ), sau khi cảnh sát New York giải tán một khu trại do sinh viên dựng lên để biểu tình chống lại hành động của Israel ở Gaza.

Thế giới 24h