Con đường trở thành thủ khoa của nữ cử nhân 40 tuổi
(CLO) Với khát khao bước trên con đường tri thức, chị Nguyễn Thuận Ánh đã quyết định trở lại trường Đại học dù bận bịu việc gia đình ở tuổi 40.
Không sợ tuổi 40, chỉ sợ không có kiến thức
Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn, trước khi rẽ lối đến một quyết định quan trọng, chị Nguyễn Thuận Ánh (40 tuổi, Thủ khoa đầu ra Trường ĐH Hoa Sen) cho biết: “Tôi nghĩ mình là người thật sự may mắn khi nhận ra bản thân muốn gì ở cái tuổi không quá trẻ nhưng cũng không quá già và quá muộn để thay đổi”.

Thủ khoa Nguyễn Thuận Ánh. Ảnh: Đại học Hoa Sen
Bài liên quan
Chàng trai 'hạt tiêu', thành thủ khoa cử nhân nhờ nghị lực phi thường
Cô gái câm điếc, thành thủ khoa cử nhân đại học: Khâm phục sự kiên trì của bố mẹ
Nữ thủ khoa "kép" của tỉnh Gia Lai được tuyển thẳng vào Đại học là ai?
Thủ khoa thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có điểm 135/150
Khi còn là cô gái 18 tuổi, chị Ánh từng đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề, chị Thuận Ánh quyết định nối nghiệp cha. Công việc và thu nhập ổn định, lại bận rộn chuyện gia đình, con cái nên chị không suy nghĩ nhiều về bản thân.
Đến năm 2022, rơi vào cơn “khủng hoảng hiện sinh', chị Ánh chợt nhận ra bản thân không thật sự hạnh phúc với nghề nghiệp hiện tại. Lúc đó, trong đầu chị luôn nảy ra các câu hỏi “Đâu là công việc sẽ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình?”; “Đâu là con đường phát triển của bản thân mình trong giai đoạn kế tiếp?”; “Những giá trị mà bản thân muốn theo đuổi là gì?”...
Tuy nhiên, sau nhiều lần suy nghĩ, chị Thuận Ánh nhận ra, người ta chỉ ân hận về những việc bản thân không dám làm, chứ không bao giờ ân hận về những việc dũng cảm dám thử, do đó, chị đã quyết định trở lại giảng đường khi đã gần 40 tuổi với mong muốn trở thành một chuyên viên trị liệu tâm lý, đồng hành và chia sẻ với nỗi đau của người khác, giúp mọi người vượt qua những tổn thương về mặt tâm lý.
Chính thức bước vào năm nhất Đại học, tuổi của chị gần như gấp đôi tuổi của các bạn cùng khóa. Xuất phát điểm của chị không giống như của các bạn Tân khoa nhưng những trải nghiệm của Ánh trong suốt 4 năm đại học cũng không khác các bạn là bao nhiêu. Một vài người bạn còn đùa với chị rằng “36 tuổi đi học đại học còn sớm hơn nhiều so với 63 mà”. Nhờ những lời động viên chân thành này, chị Ánh có thêm động lực để vững bước.
"Ngày ngày tôi cũng lên giảng đường, lên thư viện, cũng tim đập chân run trước các buổi thuyết trình. Tôi cũng từng thức đêm thức hôm để ôn tập, chuẩn bị cho các kỳ thi. Và từng bước một, tôi nhận ra vẻ đẹp diệu kỳ của tri thức, ngày càng thấy hạnh phúc và trưởng thành hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng ngày một đến gần hơn với ngành nghề mà mình mong muốn dưới sự đồng hành và dìu dắt của thầy cô, bạn bè", Tân thủ khoa chia sẻ.
Năm đầu đại học, chị Ánh vẫn vừa học, vừa làm việc tại công ty. Ngày nào có tiết thì chị nghỉ không lương. Bước sang năm thứ hai, chị Ánh quyết định nghỉ việc để tập trung toàn thời gian cho việc học, tham gia vào các câu lạc bộ, dự án và khám phá thêm về ngành nghề.
“Mình bắt đầu lại vừa từ số 0, vừa không phải từ số 0. Tâm lý học là ngành mới mẻ đối với mình. Tuy nhiên, trong quá trình trau dồi kiến thức và thực hành, mình vẫn có thể áp dụng được những kiến thức và kỹ năng học được từ ngành Báo chí ở trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM). Cộng với kinh nghiệm làm việc mười mấy năm cũng sẽ hỗ trợ cho quá trình làm nghề Tâm lý của mình”, Thuận Ánh chia sẻ.
Hái “quả ngọt” sau nhiều năm “vun trồng”
Trải qua chuỗi ngày cố gắng không ngừng, chị Nguyễn Thuận Ánh xuất sắc đạt danh hiệu Thủ khoa đầu ra, trường ĐH Hoa Sen, với số điểm GPA 3.81/4.0.
Phát biểu tại buổi lễ nhận bằng, chị Thuận Ánh xúc động: ““Tôi cảm thấy rất vui và tự hào, không chỉ vì danh hiệu thủ khoa mà còn là vì bản thân đã dám bước ra khỏi vùng an toàn làm điều mình muốn và đã kiên trì, nỗ lực đi đến cùng con đường đã chọn”.

Chị Nguyễn Thuận Ánh nhận bằng tốt nghiệp cử nhân và danh hiệu thủ khoa đầu ra của trường Đại học Hoa Sen. Ảnh: Đại học Hoa Sen
Nhìn lại về hành trình đã qua, chị Thuận Ánh cho biết, mặc dù lúc đầu có chút băn khoăn về khoảng cách thế hệ, khi mà tuổi đã gấp đôi tuổi các bạn sinh viên khác. Thế nhưng trước tri thức, mọi người đều bình đẳng. Thành công của chúng ta đôi khi chỉ đơn giản là bản thân đã dũng cảm dám dấn thân thực hiện một điều mà mình nên làm, cần làm và nỗ lực hết mình để thực hiện nó.
“Tôi nghĩ thành công của tôi cũng như các bạn tân khoa không phải là việc mình đã có những thành tựu gì đó lớn lao hay vĩ đại, mà là mình đã dũng cảm dám dấn thân thực hiện một điều mà mình nên làm, cần làm và dám kiên trì, nỗ lực để đi đến cuối con đường đó”, Thủ khoa Nguyễn Thuận Ánh nói.
Chia sẻ về cách học, chị Thuận Ánh cho biết, việc ‘nắm vững khung lý thuyết rồi mới có thể thực hành được và thực hành đúng chuyên môn lẫn đạo đức’ là vô cùng quan trọng. Vì thế, phương pháp chung của chị là đi học chăm chỉ và luôn ngồi bàn đầu; dành nhiều thời gian để học bài, đọc giáo trình; tích cực trong những buổi làm việc nhóm. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động như câu lạc bộ tâm lý, các webinar, workshop…
Thời gian tới, nữ thủ khoa sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng theo đúng chuyên ngành của mình. Đồng thời, chị cũng dự định học tiếp cao học để thực hiện ước mơ trở thành giảng viên ngành Tâm lý học trong tương lai.