Còn nhiều bất cập cần điều chỉnh trong chính sách bảo hiểm y tế
(CLO) Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế mới đây, Bộ Y tế đã chỉ ra được những điểm bất cập cần thiết được điều chỉnh sửa đổi nhằm tăng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Theo Bộ Y tế, khái niệm nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình đã được sửa đổi tại Luật Cư trú, mức đóng chưa thực sự công bằng so với các nhóm đối tượng khác, trong đó có học sinh, sinh viên.
Cụ thể, đối tượng tham gia theo hộ gia đình chỉ áp dụng mức đóng như các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tính theo mức lương cơ sở như đối tượng thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và còn được giảm trừ mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi.
Việc tham gia bảo hiểm y tế của đối tượng học sinh, sinh viên chưa bảo đảm linh hoạt, chưa bảo đảm quyền lợi đối với trường hợp học sinh, sinh viên cao hơn khi so sánh với mức đóng của họ khi tham gia với tư cách là thành viên hộ gia đình.

Còn nhiều chính sách chưa phù hợp trong hưởng chế độ bảo hiểm y tế với người tham gia (ảnh minh họa - nguồn Internet).
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng đã được sửa đổi trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội khóa XV thông quan tại kỳ họp thứ 7 (Luật số 41/QH15) đặt ra yêu cầu Luật Bảo hiểm y tế cần sửa đổi đồng bộ.
Về phạm vi được hưởng của bảo hiểm y tế: Một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định theo độ tuổi không phù hợp với yêu cầu về chuyên môn như quy định cho thanh toán điều trị: lác, tật khúc xạ đối với trẻ em dưới 6 tuổi, nhưng hầu hết trẻ em dưới 6 tuổi thì không có chỉ định về chuyên môn cho điều trị các bệnh tật này, trong khi trẻ em từ 6 đến 18 tuổi mới là đối tượng chính và phù hợp với yêu cầu về độ tuổi đủ điều kiện can thiệp và hiệu quả can thiệp so với trẻ dưới 6 tuổi.
Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến: Luật quy định việc đăng ký cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu theo địa giới hành chính là phù hợp nhưng chưa tạo điều kiện để người dân có thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại tất các các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn trong nội tỉnh.
Bộ Y tế cũng chỉ ra, hiện người bệnh chưa được tự đi khám và điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo ở tuyến trên trong khi cơ sở tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn và đều phải chuyển tuyến.
Một số bệnh mãn tính chưa được đưa về y tế cơ sở để quản lý và cấp thuốc tương đương của tuyến trên, từ đó làm hạn chế đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và phát sinh thủ tục chuyển tuyến không cần thiết.
Luật chỉ quy định thông tuyến huyện toàn quốc đối với bệnh viện huyện, mà không đề cập đến các loại hình cơ sở khám, chữa bệnh trong cùng tuyến huyện như trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh xá quân đội, công an, bệnh xá quân dân y.
Đồng thời, người bệnh đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương cũng không được khám bệnh, chữa bệnh thông tuyến tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã.
Việc thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đến tuyến tỉnh với tỷ lệ chi trả điều trị nội trú 100% chi phí theo phạm vi mức hưởng tạo sự bất cập làm tăng số lượt khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến trên, nhất là nội trú tuyến tỉnh, giảm số lượt khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã.
Bên cạnh đó, Luật khám chữa bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 mới ban hành năm 2023 quy định 3 cấp chuyên môn kỹ thuật thay cho 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Do vậy, cần sửa đổi, điều chỉnh các nội dung liên quan để đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh nhằm bảo đảm quản lý bảo hiểm y tế, quy định mức hưởng bảo hiểm y tế phù hợp, kế thừa đồng bộ với các quy định hiện hành.