Dạy học trực tuyến:

Còn nhiều chông gai!

Thứ năm, 26/03/2020 13:55 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hiện nay, việc học trực tuyến đang là phương pháp “cứu cánh” với ngành giáo dục nhằm duy trì việc học và hoàn thành chương trình năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.Theo đó, các chương trình đang được tính toán để tinh giản nội dung, đẩy mạnh học online, nhưng thực tế vẫn còn nhiều thử thách chông gai phía trước.

Còn nhiều khó khăn, thử thách

Theo cô Hoàng Hoa - giáo viên dạy văn của trường Marie Curie, Hà Nội điều quan trọng để tiết học trực tuyến trở nên hiệu quả là việc kết nối mạng Internet và các thiết bị hỗ trợ (loa, mic, thiết bị quay có camera) được chuẩn bị chu đáo. Nếu đường truyền mạng không ổn định, học sinh có thể liên tục bị “out” khỏi buổi học, ảnh hưởng đến việc theo dõi bài. Ngoài ra, học sinh không có mic hoặc mic không nói được thì sẽ không thể trả lời trực tiếp câu hỏi của giáo viên. Thêm nữa, là ý thức của các thành viên trong lớp học, khi buộc học sinh cần chủ động, tự giác hơn trong việc nghe giảng, ghi chép bài

Hiện tại nhiều địa phương thầy cô đang tích cực triển khai dạy học trực tuyến nhưng vì hình thức này mới áp dụng đại trà nên nhiều cô thầy còn rất bỡ ngỡ (ảnh minh họa – nguồn internet).

Hiện tại nhiều địa phương thầy cô đang tích cực triển khai dạy học trực tuyến nhưng vì hình thức này mới áp dụng đại trà nên nhiều cô thầy còn rất bỡ ngỡ (ảnh minh họa – nguồn internet).

Chia sẻ của cô Hoàng Hoa cho thấy, để đảm bảo chất lượng dạy học trực tuyến không chỉ phụ thuộc vào năng lực của giáo viên mà còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, mà điều này thì không phải ở đâu cũng đáp ứng được. Với các khu trung tâm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trong thời gian ngắn có thể khắc phục được, nhưng ở những vùng nông thôn, miền núi thì khó có thể triển khai đại trà chỉ trong một thời gian ngắn. Ngay tại huyện Thanh Oai, Hà Nội – một huyện ngoại thành đến nay vẫn có nhiều học sinh không đủ phương tiện để học online. Ông Đoàn Việt Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện chia sẻ, hiện học sinh khối 8 và khối 9 của huyện thực hiện việc học tập theo lịch học của Sở GD&ĐT Hà Nội nhưng chỉ có 68% học sinh có đủ điều kiện để theo học hình thức học tập trực tuyến. Học sinh ở vùng quê này đang thiếu máy tính, điện thoại thông minh. Nhiều gia đình khó khăn nên chưa thể trang bị được cho các em. Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai đã động viên các bậc phụ huynh tạo điều kiện trang bị máy tính, điện thoại cho học sinh theo học. Nhưng vẫn có 32% học sinh không đáp ứng được điều kiện về thiết bị và đường truyền Internet. Với những học sinh này, sau khi trở lại trường sẽ được bố trí dạy học tăng buổi.

Với vùng quê ngoại thành Hà Nội còn nhiều thử thách như vậy thì ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa việc dạy học trong giai đoạn dịch Covid-19 lại còn khó khăn hơn gấp bội. Đơn cử tại huyện Đồng Văn (Hà Giang) đến nay đa số học sinh vẫn chưa thể học trực tuyến. Bà Mua Thị Hồng Minh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đồng Văn chia sẻ, trong thời gian này Phòng đã tiến hành hướng dẫn học sinh ôn tập và tự học. Tổ chức giao bài tập cho học sinh để ôn luyện. Đối với các trường ở vùng thuận lợi thì việc giao và gửi bài tập thông qua thư điện tử, mạng xã hội. Còn đối với vùng đặc biệt khó khăn thì nhà trường và giáo viên photo bài tập, phối hợp với trưởng thôn xóm, các đoàn thể ở thôn để giao bài tập cho cha mẹ học sinh, hoặc học sinh. Các học sinh vùng có điều kiện kinh tế khá như ở thị trấn, khuyến khích học sinh tự học và tự làm bài tập. Nhưng với học sinh ở địa bàn vùng xa, vùng bản thì việc học rất khó triển khai vì địa bàn phức tạp, học sinh ở tản mát nên việc học qua truyền hình hay học online là không thể.

Khó khắc phục được một sớm một chiều

Hiện nay các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh đang cố gắng tìm cách khắc phục khó khăn để tổ chức dạy học tốt. Nhằm đảm bảo việc dạy học trực tuyến đến tới tất cả học sinh, nhiều nơi đang tìm cách vận động tài trợ của các “mạnh thường quân”. Đơn cử như thầy Dương Đình Thọ - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu, Kỳ Anh, Hà Tĩnh lên mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ mua điện thoại thông minh tặng học sinh nghèo. Sau vài ngày kêu gọi, những học sinh của trường thuộc diện nghèo đã được các nhà hảo tâm mua tặng điện thoại và tài khoản 3G để học tập.

Chia sẻ về những thách thức trong dạy học trực tuyến, thầy Thọ cho rằng, trước hết đây là công nghệ mới với thầy và trò nên tất cả chưa quen. Nhất là việc học trò chưa thích ứng với  cách học này. Để làm quen các em học sinh cần có thời gian. Trường Nguyễn Thị Bích Châu đã tổ chức dạy trực tuyến được 3 tuần nên bắt đầu các em có sự quen dần nhưng phải để thành nền nếp phải có thêm thời gian. Một thách thức nữa đối với dạy học trực tuyến chính là phương tiện dạy và học. Đa phần vùng quê huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh nơi thầy Thọ dạy học là vùng quê còn nghèo, để học sinh đủ phương tiện học như máy tính, điện thoại, mạng  internet cần sự cố gắng của phụ huynh. Hiện không phải nhà nào cũng dùng wifi, các em học chủ yếu dùng 3G của điện thoại di động. Trong khi tỷ lệ học sinh có điện thoại thông minh chưa được 100%. Học qua điện thoại có những hạn chế như máy nhỏ, ảnh hưởng đến việc theo dõi bài giảng. Do đó, việc học tập bằng điện thoại cũng chỉ là biện pháp khắc phục nhất thời còn về lâu dài thì phải có những phương tiện hiện đại hơn mới đảm bảo được chất lượng.

Ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, do điều kiện không tổ chức dạy học trực tuyến nên đã huy động thầy cô và cán bộ thôn bản đến tận nhà giao bài tập cho học sinh (ảnh T.L).

Ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, do điều kiện không tổ chức dạy học trực tuyến nên đã huy động thầy cô và cán bộ thôn bản đến tận nhà giao bài tập cho học sinh (ảnh T.L).

Một hạn chế nữa của việc dạy trực tuyến chính là cách dạy của giáo viên chưa quen. Mặc dù được tập huấn phần mềm, làm chủ được công nghệ nhưng để thực hiện tiết dạy một cách trọn vẹn thì chưa đạt. Một tiết dạy bình thường trên lớp cô thầy chỉ cần 45 phút nhưng cùng tiết dạy đó để dạy trực tuyến cho thỏa mãn các yêu cầu thì nay mất cả hai tiết học. Tuy nhiên, những điều đó có thể khắc phục được. Ngoài ra, muốn dạy tốt thì đòi hỏi nội quy, kỷ luật tốt. Nhiều em còn rất ồn, bật mic dẫn tới ảnh hưởng đến các em khác. Thầy cô giáo còn ra bài tập nhiều nên dần dần rút kinh nghiệm, tinh giản dần và có điều chỉnh.

Cũng liên quan đến dạy học từ xa, theo Giáo sư Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, hiện tỉnh đang sử dụng kênh truyền hình của địa phương. Đây là kênh thông dụng vì nhà nào cũng có ti vi. Nhưng có khó khăn là thời gian khung phát sóng dành cho việc dạy không được nhiều. Vì còn nhiều chương trình khác về kinh tế, xã hội. Hiện dạy trên truyền hình cũng mới tổ chức ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Còn về dạy học trên internet thì tại thành phố và các địa bàn có điều kiện các nhà trường đã chủ động. Nhưng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh có những bản làng chưa có điện, internet nên phải dùng lực lượng giáo viên bám bản ở các điểm trường để chuyển tải những nhiệm vụ từ hiệu trưởng về cho học sinh.

Để dạy từ xa, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn với bậc tiểu học và trung học. Trước hết, phần kiến thức mang tính chất thông báo, tái hiện thì hướng dẫn học sinh tự học thông qua các phương tiện trên internet, mạng xã hội. Giáo viên hướng dẫn học sinh, giao nhiệm vụ cho học sinh tự học. Dạy trực tuyến thì những phần kiến thức khó, nâng cao trong chương trình phải lược bỏ, chỉ giữ lại phần kiến thức cốt lõi. Trong một môn học phần kiến thức giao nhau tổ chức thành một chủ đề để tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong nhiều môn học có phần kiến thức giao nhau thì tổ chức xây dựng thành chủ đề gọn lại theo hướng tinh giản mà vẫn đảm bảo kiến thức cơ bản, cốt lõi để học sinh có cái nền học lên cấp học khác. Đặc biệt, đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 11 phải đảm bảo được kiến thức cơ bản thì mới lên lớp trên học được. Hiện Nghệ An xác định ở bậc tiểu học chủ động tăng cường giảm tải còn dạy trực tuyến chưa hiệu quả. Chỉ bước đầu hình thành cho các em ý thức, cách thức tiếp cận công nghệ này. 

Vừa qua, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo khẩn trương công bố đề thi minh họa, sớm ban hành quy định về dạy học qua internet, truyền hình. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ rà soát để tinh giản nội dung môn học; khẩn trương xây dựng và công bố đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 phù hợp việc tinh giản nội dung, làm cơ sở cho thầy trò yên tâm, ôn luyện. Việc xây dựng, thẩm định các bài giảng điện tử từ các nội dung chương trình sau khi đã tinh giản, sẽ được Bộ GD&ĐT chỉ đạo sát sao để không “buông lỏng” chất lượng. Trong những ngày tới, Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm phối hợp hỗ trợ miễn phí nền tảng công nghệ cho phương thức dạy học online, dạy học qua truyền hình cho các địa phương, các nhà trường. Bộ GD&ĐT cũng sẽ tổ chức họp trực tuyến với 63 sở GD&ĐT ngay trong tuần này để thống nhất triển khai thực hiện tinh giản nội dung dạy học, triển khai dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, đảm bảo đồng bộ và hiệu quả.

Minh Triết

Tin khác

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

(CLO) Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Nhi Trung ương đã tiếp nhận bé trai 11 tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng vết thương hở cổ tay và bàn tay hai bên do tai nạn sinh hoạt, may mắn trước đó trẻ đã được sơ cứu ban đầu đúng cách và kịp thời.

Giáo dục
Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

(CLO) Quảng Nam vừa phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn điều hành hoạt động của trường CĐ Y tế Quảng Nam, sau khi hiệu trưởng trường này bị khởi tố.

Giáo dục
Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

(CLO) Ngày hội việc làm - USSH Job Fair 2024 là hoạt động thường niên do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM phối hợp cùng các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm giới thiệu các cơ hội việc làm, thực tập đến sinh viên.

Giáo dục
Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

(CLO) Trên đường đi học về, em T. (học sinh lớp 7) bất ngờ bị 1 nhóm thanh niên dùng ghế nhựa, mũ bảo hiểm tấn công gây thương tích.

Giáo dục
Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

(CLO) Bà Đỗ Thị Huyền Trang (giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) bị tố lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn nạn nhân lại là các đồng nghiệp của bà Trang.

Giáo dục