Còn nợ gần 200 tỷ cổ tức từ 2017, Quốc Cường Gia Lai (QCG) lấy đâu tiền trả 2.800 tỷ trong vụ Vạn Thịnh Phát?
(CLO) CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) chỉ còn 28 tỷ tiền mặt trên BCTC nhưng bị buộc phải trả lại 2.800 tỷ đồng trong vụ Vạn Thịnh Phát. Trong khi công ty còn nợ cổ tức từ tận năm 2017.
Quốc Cường Gia Lai (QCG) phải trả 2.800 tỷ cho Vạn Thịnh Phát, cổ phiếu vẫn 'cháy hàng'
Một thông tin được chú ý nhiều trong phiên toà xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát đã được đưa ra đó là Quốc Cường Gia Lai (QCG) bị buộc phải hoàn trả số tiền 2.882,8 tỷ đồng.
Trước đó, trong ĐHĐCĐ thường niên 2023, đại diện Quốc Cường Gia Lai, CEO Nguyễn Thị Như Loan đã giải trình một số vấn đề liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Trong đó, QCG cho biết Sunny Island đã giao hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích 65 ha tại dự án Phước Kiển cho ngân hàng mà không có sự đồng ý bằng văn bản hoặc uỷ quyền của công ty.

Vẫn còn nợ gần 200 tỷ đồng cổ tức từ năm 2017, tiền mặt chỉ còn 28 tỷ đồng, Quốc Cường Gia Lai lấy tiền đâu trả 2.800 tỷ trong vụ Vạn Thịnh Phát? (Ảnh TL)
Bài liên quan
Quốc Cường Gia Lai (QCG) kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu bị cắt giao dịch ký quỹ
Lợi nhuận giảm 93%, đến năm 2025 Quốc Cường Gia Lai (QCG) mới trả cổ tức năm 2021
Dù thông tin về việc Quốc Cường Gia Lai phải trả lại hơn 2,800 tỷ đồng sẽ gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của công ty thế nhưng cổ phiếu QCG vẫn tăng kịch trần trong phiên cuối tuần trước.
Cụ thể, tại phiên giao dịch ngày 12/4, mã QCG bất ngờ được khớp lệnh tới 1,4 triệu cổ phiếu. Thị giá cổ phiếu QCG đã tăng lên 14.400 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất kể từ tháng 9/2023 trở lại đây.
Tiền mặt chỉ còn 28 tỷ đồng, nợ cổ tức từ 2017, QCG "xoay" đâu ra tiền trả 2.800 tỷ?
Điều được nhiều cổ đông quan tâm lúc này đó là Quốc Cường Gia Lai sẽ lấy đâu ra nguồn tiền để trả lại 2.800 tỷ đồng theo phán quyết của HĐXX. Trong khi trên bảng cân đối kế toán tại cuối năm 2023, QCG đang có tổng tài sản 9.567 tỷ đồng, trong đó chỉ có 28 tỷ đồng tiền mặt và không ghi nhận khoản tiền gửi đáng kể nào tại ngân hàng.
Phần lớn tài sản của Quốc Cường Gia Lai đang "đọng" lại ở chỉ tiêu Hàng tồn kho lên tới 7.036 tỷ đồng. Trong đó chỉ có 29 tỷ đồng là nguyên vật liệu xây dựng nhưng có đến 6.532 tỷ đồng ghi nhận ở Bất động sản dở dang.
Phần bất động sản này được thuyết minh liên quan đến Dự án Khu dân cư Phước Kiển, Dự án Lavida, Dự án Central Premium, Dự án Marina Đà Nẵng và một số dự án khác.
Trong giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng như hiện tại thì việc xử lý tài sản để lấy tiền hoàn trả 2.800 tỷ đồng là việc tương đối khó khăn cho QCG.
Ngoài ra, QCG cũng đang có 442 tỷ đồng phải thu ngắn hạn. Trong đó chỉ có 285 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng. Công ty cũng đang cho vay 23 tỷ đồng. Đây đều là những nguồn nhỏ, không "thấm tháp" gì so với số tiền 2.800 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, QCG cũng đang ghi nhận khoản phải trả ngắn hạn lên tới 4.275 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải trả đối với Sunny Island là 2.882,8 tỷ đồng như đã nêu trên.
Ngoài ra QCG còn đang ghi nhận khoản nợ cổ tức 195 tỷ đồng. Đây là khoản cổ tức còn phải trả cho cổ đông theo nghị quyết ĐHDDCĐ thường niên từ tận năm... 2017.
4 năm liền kinh doanh lao dốc, dòng tiền QCG liên tục âm
Tính từ năm 2020 trở lại đây, hoạt động kinh doanh của QCG liên tục có dấu hiệu giảm sút cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Từ mức 1.868 tỷ đồng tại năm 2020, doanh thu công ty đã giảm còn 432 tỷ đồng trong năm 2023 vừa qua, tương đương giảm tới hơn 4 lần.
Lãi sau thuế của đơn vị cũng liên tục sụt giảm, từ 102 tỷ đồng tại năm 2020, giảm xuống lần lượt 84 tỷ và 44 tỷ tại năm 2021 và 2022. Đỉnh điểm tại năm 2023 vừa qua QCG chỉ báo lãi vỏn vẹn 5 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh sụt giảm đã khiến cho công ty liên tục gặp khó về dòng tiền và âm dòng tiền kinh doanh tới 3 trong 4 năm. Duy nhất chỉ có năm 2021 do có khoản phải thu lấy được 314 tỷ đồng đã giúp dòng tiền kinh doanh của QCG dương 47 tỷ đồng.
Còn tại năm 2020, 2022 và 2023, Quốc Cường Gia Lai liên tục âm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh với lần lượt 43 tỷ, 121 tỷ và 33 tỷ đồng.