Con sông vẫn chảy, chiếc lá sẽ vẫn xanh!

Thứ năm, 13/02/2020 11:02 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy/ Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh” - nói như thi sĩ tài năng Lưu Quang Vũ - niềm tin, sự bình tĩnh, lạc quan sẽ là những ngọn lửa dẫn ta vượt qua mây đen, bão giông. Và, sau cơn mưa, nhất định, trời sẽ sáng.

6 người được điều trị khỏi bệnh, nghiên cứu thành công kit thử nhanh chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) chỉ trong 70 phút, là quốc gia thứ 3 nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona, thực hiện thành công chuyến bay đặc biệt đưa công dân trở về từ tâm dịch Vũ Hán… Những dòng tin quý giá ấy thực sự đã là những ngọn lửa sưởi ấm trái tim hàng triệu người dân Việt trong những ngày “bão táp Corona” này. 

TS Lê Quang Hoà cùng đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm tại Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

TS Lê Quang Hoà cùng đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm tại Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

1. Ngày 23/1/2020 (ngày 29 tháng Chạp) với người Việt Nam - là ngày nghỉ ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Nhưng mọi dự định cho cái Tết cổ truyền của các y bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy bỗng thay đổi đột ngột trước thông tin: hai bệnh nhân người Trung Quốc nhập viện đêm trước, xét nghiệm đã chính thức khẳng định dương tính với virus Corona. Chỉ một ngày sau đó, một việc gần như chưa từng có thông lệ xảy đến vào đúng ngày 30 Tết: Việt Nam chính thức kích hoạt trung tâm khẩn cấp y tế. Cũng trong đêm giao thừa, Bệnh viện E (Hà Nội) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận những trường hợp nghi nhiễm virus Corona. WHO ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Ngày 1/2, Việt Nam công bố dịch. Ngày 12/2, số liệu từ Bộ Y tế cho biết Việt Nam có 15 người dương tính với nCoV. Còn trên toàn thế giới, cũng tính đến 12/2, tổng số ca tử vong do 2019-nCoV là 1.363 ca và 60.062 ca nhiễm - những con số không ngừng gia tăng. Học sinh cả nước nghỉ học. Những diễn biến dồn dập ấy, những con số nhiều ám ảnh ấy… khiến nỗi sợ hãi, lo lắng bao trùm. Nhiều đường phố, trung tâm thương mại thường ngày đông đúc là thế, giờ vắng tanh. Những kệ hàng siêu thị trống trơn vì nhiều người đua nhau mua đồ tích trữ… Khẩu trang, nước rửa tay khô, xịt sát khuẩn… cháy hàng. Nhiều người hoảng hốt khi bỗng sáng mai ngủ dậy thấy cổ họng mình rát, mũi sụt sùi, cúm mùa,  virus Corona trở thành những ranh giới khó phân định… Nhiều quảng cáo: dịch vụ xét nghiệm nhanh nCoV xuất hiện trên mạng xã hội với cái giá trên trời và chất lượng chẳng ai kiểm định nổi… Nỗi lo lắng, sợ hãi ấy càng lớn khi tới tận thời điểm này, chưa có một thông tin chính thức nào có thể khẳng định: Bao giờ đại dịch nCoV mới chấm dứt?

Các bác sỹ trên chuyến bay đặc biệt từ Vũ Hán.

Các bác sỹ trên chuyến bay đặc biệt từ Vũ Hán.

2. Nỗi sợ hãi ấy, xét đến cùng là hết sức thường tình. Nói như ông Swee - chuyên gia y tế toàn cầu về hệ thống y tế, các chính sách y tế và hiện đang làm việc tại Đại học Oxford - các đợt dịch bệnh luôn khiến con người hoảng loạn và sợ hãi. Từ sự “tiếp tay” của mạng xã hội, nỗi sợ hãi ấy ngày càng lớn. Nhưng ông Swee cũng nhấn mạnh: “Sợ hãi là điều đương nhiên nhưng tin tưởng là điều cần thiết, thiếu đi sự bình tĩnh, sẵn sàng đối diện thì nguy cơ sẽ càng lớn hơn”. Quan điểm ấy của ông Swee nhận được nhiều sự đồng tình.

Nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng, trong bối cảnh này, chúng ta nên thực hiện phương châm “Bình tĩnh sống”. “Bình tĩnh sống” không có nghĩa là thờ ơ, mà chính là thái độ giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, sáng suốt để không hoảng loạn, mắc sai lầm. Trong thời điểm này là việc phải có sự hiểu biết đủ - đúng - kịp thời về bản chất dịch bệnh Corona để có cách phòng chống chuẩn. Không ai biết khi nào dịch qua đi, nhưng đừng đánh mất hy vọng, đừng đánh mất niềm tin và sự lạc quan. Hy vọng, niềm tin, sự lạc quan chính là “lá chắn Corona” hiệu quả nhất trong thời điểm này.

Nhiều người sẽ lớn tiếng mà rằng, nói thì dễ, làm mới khó. Dịch bệnh diễn biến ngày càng nhanh, khó lường, phức tạp đến thế, thông tin ngổn ngang, nhiều chiều như ma trận thế, giá cả thị trường đang viện vào dịch bệnh, cấm biên gia tăng chóng mặt từng ngày… hỏi làm sao mà hy vọng, lạc quan cho được.

3. Tâm trạng ấy, tâm lý ấy là có thể hiểu được. Sự lo lắng, như đã nói, là lẽ thường tình, đương nhiên. Nhưng cũng như đã nói, đừng để sự lo lắng lấn át mọi tri giác, nhãn quan của bạn. Hãy cố gắng tạo cho mình sự bình tâm, dù chỉ là chút ít, để có thể nhận diện chân xác nhất bản chất của sự việc. Không thể phủ nhận, đến thời điểm này, con số người chết và số người nhiễm nCoV vẫn không ngừng tăng lên. 

Chúng ta cập nhật những con số người mắc bệnh và được chữa khỏi mỗi ngày không phải để chủ quan, để thấy dịch bệnh vẫn đang là “vấn đề rất khẩn cấp”, nhưng mặt khác cũng cho thấy Việt Nam chúng ta, đến thời điểm này, cũng chưa đến mức quá hoang mang, thậm chí chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hy vọng khi mà khả năng điều trị khỏi của ta đang đạt tỷ lệ cao. Sự kiên trì, chủ động theo sát diễn biến người bệnh, cộng với trí tuệ, tinh thần tận tâm và sáng tạo của các y bác sĩ  Việt Nam đã được WHO đánh giá cao.

Chưa hết, dù Việt Nam được cho là đã sở hữu kinh nghiệm dạn dày trong nhiều “trận chiến” dịch bệnh lớn trước đây… nhưng bạn bè quốc tế và ngay cả chính chúng ta cũng không thể ngờ, Việt Nam đã là quốc gia thứ 3, chỉ một thời gian rất ngắn sau khi “đụng dịch” đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus Corona mới trong phòng thí nghiệm, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Chỉ sau đó ít ngày, các nhà khoa học đã chế tạo thành công bộ công cụ phát hiện nhanh chủng virus Corona mới cho kết quả trong vòng 70 phút thay vì ba tiếng như phương pháp thử thông thường... Những “chiến tích” khiến nhiều quốc gia có nền khoa học tiên tiến phải ngạc nhiên, thán phục.

Điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm - khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc bệnh nhân Corona.

Điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm - khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc bệnh nhân Corona.

Còn nữa, kịch bản đối phó với dịch bệnh của quốc gia đã được Chính phủ xây dựng, ban hành khẩn trương  và thực hiện khẩn trương, quyết liệt, hết tâm hết sức. Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã liên tục có những cuộc họp khẩn cấp, không kể giờ giấc, đêm ngày cùng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh. Rất nhiều những quyết định, chỉ đạo kịp thời xác đáng đã được đưa ra. Mới đây nhất, làm ấm lòng trái tim những người Việt và khiến bạn bè quốc tế phải thốt lên lời cảm phục khi Việt Nam chúng ta đã thực hiện thành công chuyến bay đặc biệt vào chính tâm dịch Vũ Hán vừa viện trợ cho chính phủ, nhân dân Trung Quốc một số trang thiết bị y tế vừa đưa 29 người Việt trở về Tổ quốc.

Về phần các bộ ngành, trong đó có Bộ Y tế - cơ quan chủ đạo trong cuộc chiến này - đã liên tiếp có những chỉ đạo kịp thời. Mới đây nhất, Bộ Y tế đã trao đổi, thống nhất với Bộ Công thương về các phương án sản xuất khẩu trang phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh nCoV; thành lập các đội thường trực hỗ trợ chuyên môn cho tỉnh Vĩnh Phúc phòng chống dịch bệnh nCoV... Trên hết, làm xúc động nhiều trái tim là hình ảnh của những người nhân viên y tế đang ngày đêm trực tiếp chống dịch với những vết hằn của đồ bảo hộ, găng tay…

Về phần các địa phương cũng đã chủ động khẩn trương có những kịch bản ứng phó cho riêng mình, nhiều nơi thậm chí đã nhanh chóng xây dựng các bệnh viện dã chiến...

Báo chí, truyền thông, thậm chí cả mạng xã hội, sau những ngày đầu choáng ngợp, bấn loạn bởi vô số những tin tức thất thiệt về dịch bệnh… đã đang dần trở lại với nhịp thông tin vốn có. Nhiều tờ báo chính thống đã kịp chứng tỏ phải mang tới những thông tin minh bạch - chuẩn xác - đầy đủ - rõ ràng xác thực tới cộng đồng. Nhiều nhà báo cũng đã cho thấy “việc mình cần phải làm” khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Rồi nữa, những “sân si”, tính toán thiệt hơn, những cơ hội, mưu toan của việc “găm hàng” buôn bán khẩu trang… với giá cắt cổ đã dần nhường chỗ cho những tấm lòng thiện nguyện, sẵn sàng biết nhường nhịn sẻ chia. Đã có những điểm, những nơi phát khẩu trang miễn phí, đã có những “tút” được chia sẻ và những đoàn người nối nhau lẳng lặng đi hiến máu trước thông tin lượng máu dự trữ đang dần cạn trong thời điểm dịch bệnh…

Chừng ấy, chưa nhiều, nhưng hoàn toàn có thể xem đó là những thành quả bước đầu, là “trái ngọt” của những nỗ lực, của những tâm sức không mệt mỏi vì cộng đồng, là cơ sở để chúng ta nuôi cho mình những niềm lạc quan, dù có thể còn rất nhỏ bé, nhưng vô giá, trong cuộc chiến cam go chống lại dịch bệnh, gieo cho chúng ta niềm tin rằng những điều tử tế nhất định còn tồn tại và sẽ còn được nhân lên trong xã hội chúng ta đang sống. 

“Tôi có sự lạc quan nhất định về Việt Nam và các nước khác” - tôi nghĩ không phải vô cớ mà Tiến sĩ William Schaffner - Giáo sư về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Vanderbilt  thốt lên nhận định ấy. Cho dù cuộc chiến với nCoV sẽ còn là cuộc chiến nhiều cam go nhưng tất cả sẽ chỉ là thử thách nếu trong ta có niềm tin và hy vọng…

“Dù đục, dù trong, con sông vẫn chảy/ Dù cao, dù thấp, cây lá vẫn xanh”. Nhìn từ chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam luôn được biết đến với tinh thần kiên cường và lạc quan hiếm có. Và hãy tin, ngày mai, nhất định, trời sẽ lại sáng!

Hồng Hà

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn