Cơn “sốt” đất nền ở Thạch Thất, Hà Nội: Dự án “đắp chiếu”, tiền “chôn” theo đất

Thứ sáu, 03/04/2020 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chỉ cần có thông tin về một đại gia bất động sản sắp triển khai dự án, hay bất ngờ thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng của địa phương bị “lộ” thì ngay lập tức giá đất sẽ tăng “phi mã”.

Nhiều đối tượng còn tạo các kịch bản giả, xây dựng các thông tin sai sự thật, chủ động tiếp cận nhà đầu tư bằng nhiều tình huống, thậm chí thuê nhiều người tung thông tin, lũng loạn thị trường…

“Sóng ảo” gây sốt thị trường

Những ngày qua, rất nhiều nhà đầu tư ùn ùn kéo nhau về khu vực thôn Trúc Động, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (gần khu công nghệ cao Hòa Lạc), tìm kiếm cơ hội đầu tư khi nghe “phong thanh” ở đây sắp triển khai dự án của một tập đoàn bất động sản lớn. Đây là cơn “sốt” đất gây bất ngờ nhất trong mùa dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, khi thị trường bất động sản đang một màu ảm đạm tại tất cả các phân khúc, bao gồm cả đất nền. Nhiều người khi nghe tin đã vội chạy đến xem đất, tìm kiếm cơ hội đầu cơ, lướt sóng, trong đó có không ít “cò” cũng tìm kiếm cơ hội trong tâm lý đám đông “sốt” đất.

Thông tin dự án được đối tượng

Thông tin dự án được đối tượng "cò đất" cung cấp.

Có mặt tại khu vực, chúng tôi nhận thấy hằng ngày có rất đông người dân đến xem đất, nhưng qua quan sát, có không ít trong số này là “cò đất”. Dẫn chúng tôi đi xem các lô đất, một “cò” tên Giang rất hào hứng cho biết, tại đây sắp tới sẽ có hai khu đô thị được xây dựng, chủ đầu tư là một trong những doanh nghiệp chuyên về bất động sản lớn nhất Việt Nam hiện nay. Trong đó, một là khu đất rộng hơn 200ha, ngay sát khu công nghệ cao Hòa Lạc, mà khu vực này lại nằm sát lối đi vào khu đô thị mới sắp được triển khai. Khu đô thị thứ hai nằm giáp với huyện Quốc Oai, cách đại lộ Thăng Long khoảng 500m, gần đường từ đại lộ đi vào trung tâm huyện Thạch Thất. Để chứng minh thông tin đã cung cấp, “cò đất” này đưa chúng tôi xem một sơ đồ vị trí đề xuất thực hiện dự án, sơ đồ thể hiện vị trí 47 lô đất ở đâu khi khu đô thị được hình thành.

Qua quan sát của PV, mặc dù có nhiều người đến xem, quan tâm về các lô đất, tìm hiểu dự án, nhưng có rất nhiều “cò đất” cũng luân phiên giả làm nhà đầu tư để tung các thông tin về dự án. Nhiều “cò” khi giả làm nhà đầu tư còn khẳng định, mấy hôm trước vừa mua một lô đất, chỉ trong vài ngày bán “lướt sóng” đã lãi ngay vài triệu đồng trên một mét vuông, cho nên hằng ngày ở đây tìm kiếm thêm mối khác. Mặt khác, các cò đất cũng làm nhà đầu tư thêm yên tâm khi khẳng định, các lô đất này thuộc khu đất giãn dân, cho nên tất cả đều đã được cấp sổ đỏ, bảo đảm an toàn khi giao dịch. Để bán hay để đầu tư ở trong tương lai cũng đều phù hợp. Bởi lẽ, các lô đất ở đây đều có diện tích từ 100m2 đến 200m2 tùy vị trí mà có giá từ 12 triệu đến 16 triệu mỗi mét vuông. 

Nhà đầu tư về lướt sóng.

Nhà đầu tư về lướt sóng.

Qua tìm hiểu, được biết, khu đất này được phân lô chia cho người dân vào hơn 10 năm về trước. Tuy nhiên hiện các lô đất này vẫn chưa được sử dụng, người dân vẫn bỏ hoang hoặc chỉ xây tường thấp làm ranh giới. Ngay cả một số người dân có lô đất ở đây cũng ngỡ ngàng khi biết thông tin “sốt” đất, và cũng chưa nắm được về việc sẽ có dự án nào ở đây thông qua các kênh chính thống.

Thế nhưng, qua những kênh thông tin trên mạng xã hội, nhiều “cò” đất lại phối hợp cùng nhau, tạo ra những luồng thông tin giả về dự án. Nhiều “cò” còn đăng thông tin, âm thầm chạy quảng cáo cho các bài viết của mình để được nhiều người quan tâm, tạo ra sức hút đầu tư. Nhiều nhà đầu tư dù “bán tín, bán nghi” nhưng cũng ùn ùn kéo đến xem lô đất sẽ tăng giá chóng mặt khi có dự án lớn sắp được triển khai. Một người dân ở khu vực cho biết, đúng là nhiều ngày qua có tình trạng người dân, nhà đầu tư bất động sản về để mua bán, giao dịch đất nền. Việc “sốt” đất là do người dân “rỉ tai” nhau về thông tin “nghe nói có tập đoàn lớn vừa xin chủ trương đầu tư khu đô thị” chứ chưa có thông tin xác thực. Theo các chuyên gia, việc đầu tư theo tâm lý đám đông như vậy rất nguy hiểm, mua theo tin đồn, giá sẽ do các “cò” đất khống chế, khi cơn “sốt” qua đi, nhà đầu tư sẽ thiệt hại nặng nề. Nhiều đối tượng để tạo được “sóng” còn tự bịa ra các tin đồn, làm các thông tin giả, quy hoạch giả, thậm chí cắt, ghép để làm giả cả văn bản của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố… Sau khi có thông tin, các đối tượng sẽ thuê người giả làm nhà đầu tư tìm hiểu thị trường, khiến thị trường sôi động, nhốn nháo, qua đó các nhà đầu tư không chuyên nghiệp sẽ tin tưởng mà xuống tiền.

 Ông Nguyễn Đình Nghi - Phó Chủ tịch xã Đồng Trúc cho biết, giá đất tăng đột biến ở đây hoàn toàn do dân môi giới “thổi giá”, người dân cần hết sức cẩn trọng với những thông tin về dự án mới tại các khu vực. Nhất là hiện nay, xã Đồng Trúc chưa nhận được bất cứ văn bản nào của TP. hay của huyện nói về việc có dự án sắp được triển khai tại khu vực này, trong khi đó trên mạng lại tràn ngập thông tin, điều này có thể sẽ mang đến những rủi ro về tài chính cho người mua. 

Nguy cơ mất trắng

Theo đánh giá từ các chuyên gia, mua đất nền không phải là xu hướng đầu tư về lâu dài trên thị trường bất động sản, mà chỉ đang là dạng đầu cơ, lướt sóng, kiếm lợi, gây tác động tiêu cực cho thị trường. Với dạng đầu tư “nghe tin đồn” này là hiện tượng đã lặp lại của nhiều vụ việc, nhiều nhà đầu tư đã ăn “quả đắng” khi đầu tư theo xu thế đám đông. Với một số dự án, khi doanh nghiệp mới chỉ đề xuất xin chủ trương đầu tư, nhưng những thông tin như vậy cũng sẽ bị lợi dụng để “tung hỏa mù”, gây lũng loạn thị trường. Việc xin đầu tư mới chỉ từ phía của doanh nghiệp, nếu việc này không được duyệt, hoặc doanh nghiệp bất ngờ không đầu tư nữa ngay cả khi được duyệt, thậm chí dự án kéo dài nhiều năm không triển khai được thì lúc đó nhà đầu tư liệu có cầm cự được? Nhất là với tình hình dịch bệnh đang hoành hành, các dự án đầu tư sẽ đình trệ chưa biết đến lúc nào. Việc đầu tư vào đất nền, cho các dự án “bánh vẽ” trong tương lai hiện nay chính là hành vi  “chôn tiền”, khi nhà đầu tư sẽ đối diện với khả năng tồn đọng vốn, do chịu ảnh hưởng với sóng thị trường, sốt đất ảo. Cùng với đó là các rủi ro khi lướt sóng là các vấn đề về pháp lý, đất có tranh chấp, giá trị bảo đảm không cao. Đã có nhiều vụ việc, khi dự án đất nền phân lô bán xong, qua cơn sốt liền trở về tình trạng bỏ hoang, khiến một lượng vốn lớn bị “chôn” theo đất mà không biết đến khi nào mới lấy lại được. 

Những giao dịch ngầm vẫn đã và đang diễn ra hết sức nhộn nhịp tại khu đất giãn dân Quan Giai.

Những giao dịch ngầm vẫn đã và đang diễn ra hết sức nhộn nhịp tại khu đất giãn dân Quan Giai.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, những thông tin sốt đất vừa qua chỉ là của các đối tượng đầu cơ tung ra, tạo sóng để đẩy giá lên cao trục lợi khi thị trường bất động sản ảm đạm. Đây chỉ là chiêu trò làm giá, bởi việc đầu tư cần phải tính toán dựa trên giá trị của dự án thực sự được đầu tư. Khi dự án được đầu tư tạo ra hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, hạ tầng xã hội… thì lúc đó giá đất mới tăng là hợp lý. Còn khi mới chỉ có “thông tin”, giá đất tăng từ 2% đến 3% là hợp lý, nhưng nếu tăng “phi mã” bất thường khi chưa có thông tin gì khẳng định, xác thực thì là tăng ảo. Giá đất khu vực sốt ảo sẽ nhanh chóng tụt trở lại giá trị thật, thậm chí còn bị hạ đến mức giá trước khi có tin đồn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, khi tạo ra các tin đồn, chính các đối tượng đầu cơ, nhà đầu tư cũng đã khiến cho dự án khó thực hiện được. Một khi giá đất “nhảy múa” bị làm giá, khả năng các doanh nghiệp sẽ bỏ cuộc dù đã nghiên cứu và lập quy hoạch, có kế hoạch thực hiện dự án. Nhiều địa phương khác như: Vân Đồn, Phú Quốc, Nha Trang…cũng đã xảy ra tình trạng tương tự, chính quyền địa phương đã phải can thiệp bằng các biện pháp quản lý hành chính Nhà nước, ra những sắc lệnh cấm mua, bán, chuyển nhượng đất đai…

Hiện nay các dự án “bánh vẽ” vẫn tràn ngập thông tin trên mạng xã hội, các đối tượng môi giới, đầu cơ vẫn tung tin giả, đánh vào yếu tố tâm lý của nhà đầu tư. Điều này cho thấy, những thông tin về quy hoạch vẫn chưa thực sự được tuyên truyền rộng rãi, cũng như chính quyền địa phương chưa phản ứng nhanh chóng, có những cảnh báo kịp thời. Khi nhà đầu tư “mù tịt” về thông tin dự án, tình trạng quy hoạch, cơ sở pháp lý thì cũng là “miếng mồi” ngon cho các đối tượng tạo ra cơn “sốt đất”.

Gia Hân – Thế Anh

Tags:

Tin khác

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

(CLO) Ngày 28/3, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua 2 nghị quyết về danh mục các dự án cần thu hồi đất và danh mục dự án thu hồi đất để chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có việc thu hồi đất cho 2 dự án khu đô thị cao cấp Tu Bông và Đầm Môn.

Bất động sản
Kỳ vọng vào sự trở lại dòng khách quốc tế để đánh thức thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Kỳ vọng vào sự trở lại dòng khách quốc tế để đánh thức thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

(CLO) Trong năm 2023, hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng tại phần lớn các quốc gia trên thế giới gần như đã khôi phục về mức trước đại dịch. Riêng tại Việt Nam, thị trường vẫn đang chờ đợi sự trở lại của dòng khách quốc tế, hứa hẹn có sự tăng trưởng trong năm 2024.

Bất động sản
Đà Nẵng Times Square: Chủ đầu tư nợ như “chúa Chổm”, dự án bị cầm cố ở ngân hàng

Đà Nẵng Times Square: Chủ đầu tư nợ như “chúa Chổm”, dự án bị cầm cố ở ngân hàng

(CLO) Trước khi được chuyển đổi từ condotel thành chung cư, trước khi được phép huy động vốn, Đà Nẵng Times Square của chủ đầu tư ngập nợ Kim Long Nam bị Đầu tư Phương Trang cầm cố ở ngân hàng.

Bất động sản
Thị trường đất nền bắt đầu đi vào guồng quay của chu kỳ phát triển mới

Thị trường đất nền bắt đầu đi vào guồng quay của chu kỳ phát triển mới

(CLO) Nhiều số liệu nghiên cứu thị trường cho thấy, nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm đất nền đang giữ nhịp tăng khá tốt, đặc biệt là sau giai đoạn Tết Nguyên đán. Đó là những dấu hiệu tích cực báo hiệu thị trường đất nền đang bắt đầu bắt nhịp với sự phát triển trong chu kỳ mới.

Bất động sản
Long An sử dụng 1.000ha đất để phát triển nhà ở xã hội

Long An sử dụng 1.000ha đất để phát triển nhà ở xã hội

(CLO) Theo mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Long An dự kiến sẽ sử dụng 127 khu đất với tổng diện tích hơn 1.000ha để xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH).

Bất động sản