Công bố Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030
(CLO) Sáng 31/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, ngày 9/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 389/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ở Hà Nội sáng 31/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh thành tập trung thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như các quy hoạch khác của ngành đã được phê duyệt, cùng các chương trình đề án có tác động đến môi trường, sinh thái biển.
Căn cứ vào thực tế địa phương, các tỉnh thành rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các dự án đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; cập nhật nội dung quy hoạch tỉnh, thành phố đảm bảo tuân thủ các định hướng.

Hội nghị công bố Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong giai đoạn 2010 – 2020, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng trưởng 5,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần; kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trung bình khoảng 6,1%/năm.
Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,26 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 5,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,2 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba trên toàn thế giới (đứng sau Trung Quốc và Na Uy).
Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 4 triệu người dân, đặc biệt là đối với cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản ở 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, để thực hiện quy hoạch tốt việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chúng ta cần phải thực hiện việc quản lý tàu cá để tránh khai thác, đánh bắt thủy sản một cách bừa bãi, ở khu vực cấm, đồng thời phải tổ chức công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch này. Nếu không thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thì sẽ khó đảm bảo việc thực hiện quy hoạch bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả, qua đó góp phần đảm ngành thủy sản phát triển bền vững.