Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải BCQG lần thứ XII- năm 2017- Thuận Hữu đề nghị các thành viên Hội đồng Chung khảo phát huy tinh thần trách nhiệm, khách quan, công tâm và trí tuệ để chọn cho được những tác phẩm xuất sắc nhất để vinh danh. Ảnh: Nguyễn Mạnh
PV: Với cương vị là Trưởng Ban Thư ký Tổng hợp Giải, Phó Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo, ông có nhận xét như thế nào về mùa Giải năm nay? TS. Trần Bá Dung: Đánh giá chung về việc tham dự Giải năm nay là rất thành công, trước hết là về số đơn vị cấp Hội và số lượng tác phẩm tham dự. Các khâu chuẩn bị đã được Hội đồng Giải (thường trực là Ban Nghiệp vụ) tiến hành theo đúng Điều lệ Giải và đúng tiến độ, quy trình tổ chức Giải.
Ban Thư ký Tổng hợp Giải đã nhận được 1.846 tác phẩm (tăng 210 tác phẩm so với Giải lần thứ XI- năm 2016), trong đó có 1.735 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải theo quy định (tăng 186 tác phẩm so với năm 2016). Đây là con số cao nhất từ trước đến nay.
So với các mùa Giải trước, đây là năm có số cấp Hội tham dự nhiều nhất với 118 đơn vị, trong đó, đặc biệt lần đầu tiên có đủ 63/63 HNB tỉnh, thành phố có tác phẩm tham dự (năm 2016 có 59, năm 2015 có 61/63 Hội tham dự).
Điều này cho thấy sức hút của Giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực thật sự của các cấp HNB trong cả nước. Có 55 đơn vị Liên Chi hội (LCH), Chi hội trực thuộc tham gia (trong đó có 16 LCH, 39 Chi hội và còn 3 LCH không tham dự: LCH Biên phòng, LCH Bộ VH-TT-DL và LCH Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (2 năm liền không tham dự).
Theo đánh giá của Ban Thư ký Tổng hợp Giải và Ban Nghiệp vụ, công tác tổ chức thực hiện Giải ở các địa phương, các cấp Hội hầu hết được triển khai nền nếp, theo đúng Hướng dẫn, có sức thu hút hội viên.
Nhờ công tác chuẩn bị chuyên nghiệp, nên vòng chấm Sơ khảo năm nay được bắt đầu sớm hơn các năm trước, các thành viên có nhiều thời gian hơn để thẩm định tác phẩm (gần 1 tháng) Hội đồng Sơ khảo biểu quyết nhất trí chọn 150 tác phẩm trình Hội đồng Chung khảo.
TS. Trần Bá Dung- Trưởng Ban Thư ký Tổng hợp Giải, Phó Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải BCQG lần thứ XII - năm 2017 phát biểu tại phiên khai mạc HĐSK. Ảnh: Sơn Hải
PV: Số lượng tác phẩm dự Giải và số HNB địa phương tham dự cao nhất từ trước đến nay quả là một điều đáng mừng của Giải BCQG lần thứ XII. Tuy nhiên, số lượng đó có song hành cùng chất lượng không, thưa ông?
TS. Trần Bá Dung: Theo đánh giá của các Tiểu ban Hội đồng Sơ khảo (HĐSK), cùng với sự tham gia tích cực về số lượng, điều đáng mừng là chất lượng báo chí các địa phương đã ngày càng được nâng lên. Đây là điều mà Hội đồng Giải năm nào cũng đặt ra và mong muốn.
Kết thúc chấm sơ khảo, kết quả của 11 Tiểu ban cho thấy, mặt bằng chất lượng chung các tác phẩm dự Giải đồng đều hơn, nhất là sự vươn lên của các HNB tỉnh, thành phố.
Khối phát thanh và truyền hình, theo đánh giá của các Tiểu ban, khoảng cách về chất lượng giữa báo chí TƯ và địa phương ngày càng rút ngắn.
Nhiều đài địa phương có sự vượt trội, nhiều năm liền có tác phẩm PT-TH chất lượng tốt, như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Long,… hay một số tỉnh miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Lâm Đồng, Hà Giang, v.v…
Khối báo in, báo điện tử, các tiểu ban sơ khảo ghi nhận chất lượng ở top trên của các báo tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Thái Bình…
Đặc biệt, nhiều địa phương vùng khó khăn, miền núi lần đầu tiên đã có tác phẩm được chọn vào chung khảo, cho thấy sự tiến bộ về chất lượng.
Năm nay, Hội đồng Sơ khảo có quy định mới là thành viên HĐSK không chấm tác phẩm của cơ quan mà giám khảo đang công tác, nhằm tăng tính khách quan việc chấm, thẩm định, lựa chọn vào Chung khảo. Ảnh: Sơn Hải
PV: Có một điểm rất mới trong quy chế chấm Giải BCQG năm nay đã nhận được nhiều sự quan tâm của các thành viên HĐSK, đó là, giám khảo sẽ không cho điểm những tác phẩm dự thi của cơ quan mình đang công tác. Trên thực tế qua vòng chấm Sơ khảo điều này đã được phát huy hiệu quả ra sao, thưa ông?
TS. Trần Bá Dung: Đây là điểm mới trong Quy chế chấm Sơ khảo, nhằm tăng tính khách quan trong việc chấm, thẩm định, lựa chọn vào Chung khảo. Điều này xuất phát từ thông lệ trong các giải báo chí và các giải chuyên môn khác. Một vài băn khoăn đã được giải đáp ngay tại lễ khai mạc vòng Sơ khảo. Thành viên Sơ khảo chỉ không bầu chọn (biểu quyết), chấm điểm tác phẩm đó thôi, còn vẫn có quyền nhận xét, phát biểu ý kiến để mọi người tham khảo. Điều này được các Tiểu ban hoan nghênh và thực sự được thể hiện trong các biên bản chấm của các Tiểu ban.
PV: Vai trò, trách nhiệm của HĐSK là khá nặng nề, mỗi ý kiến cũng như quyết định của các thành viên Sơ khảo là cơ sở tham khảo quan trọng cho Hội đồng Chung khảo (HĐCK). Theo ông, tinh thần trách nhiệm đó đã được thể hiện như thế nào ở mùa Giải năm nay?
TS. Trần Bá Dung: Đúng thế. Mỗi ý kiến cũng như quyết định bỏ phiếu, chấm điểm của các thành viên Sơ khảo là căn cứ tham khảo quan trọng cho HĐCK. Các ý kiến đó được thể hiện trong biên bản chấm Sơ khảo và nhất là, mỗi tác phẩm được chọn vào Chung khảo đều phải có nhận xét riêng của Tiểu ban chấm tác phẩm đó. Nhận xét này là bắt buộc.
Tiểu ban thảo luận và đưa ra nhận xét chung nhất, không phải của riêng ai. Bên cạnh đó, một số thành viên còn có thêm nhận xét riêng, để làm phong phú các ý kiến thẩm định. Theo tôi, các thành viên và các Tiểu ban của HĐSK đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và cũng là vinh dự nghề nghiệp khi được tham gia Hội đồng.
PV: Như tiêu chí mà Hội đồng Giải BCQG luôn đặt ra: Chất lượng bao giờ cũng phải đặt lên vị trí hàng đầu- lựa chọn các tác phẩm báo chí xuất sắc nhất để vinh danh. Sứ mệnh và trách nhiệm này quả thật là nhiệm vụ không dễ dàng đối với những người giữ vai trò “cầm cân nảy mực” trong vòng chấm Chung khảo, thưa ông?
TS. Trần Bá Dung: Đối với HĐCK hay HĐSK thì chất lượng tác phẩm bao giờ cũng là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. HĐCK là các nhà báo giàu kinh nghiệm nghề báo, kinh nghiệm chấm giải, kinh nghiệm quản lý báo chí, có uy tín trong giới chuyên môn, đại diện cho các loại hình báo chí, các lĩnh vực báo chí ở TƯ và các địa phương,…
Mỗi thành viên HĐCK có thời gian nghiên cứu, thẩm định tác phẩm trước khi về họp chung và đều có sự thảo luận, cân nhắc kĩ lưỡng, trước khi lựa chọn các tác phẩm để xếp loại và trao giải.
Kết quả chấm, xếp thứ tự và bản nhận xét của HĐSK là căn cứ tham khảo quan trọng nhưng không phải là quyết định đối với HĐCK. Thực tế, trong các mùa Giải trước, có những tác phẩm được đánh giá khá cao ở Sơ khảo nhưng vào Chung khảo lại được xếp loại thấp, thậm chí có tác phẩm còn không được xếp loại sau khi cân nhắc nhiều yếu tố.
Điều này cho thấy cả trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và cả kinh nghiệm chấm giải, tầm nhìn, sự dày dạn của các thành viên HĐCK. Tôi cho rằng, mỗi kì họp chấm Chung khảo Giải BCQG là một trường học chất lượng cao về chuyên môn, nghiệp vụ báo chí.
Tiểu ban Sơ khảo thể loại: Phim tài liệu truyền hình (Báo hình) họp bàn cách thức, tiêu chí chấm Giải. Ảnh: TL
PV: Ở mùa Giải này, điều gì còn khiến ông trăn trở, đặc biệt là ở tiêu chí chất lượng tác phẩm? TS. Trần Bá Dung: Như tôi đã nói, năm nay, theo đánh giá của HĐSK, mặt bằng chất lượng đồng đều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn những trăn trở không phải chỉ riêng tôi, nhất là về chất lượng các tác phẩm.
Về báo in, còn nhiều bài trùng lặp đề tài, chưa có nhiều sáng tạo, đột phá. Nhóm bình luận, các tạp chí khối Đảng tham gia tương đối ít, còn thiếu dấu ấn, đặc biệt trong các bài chính luận. Một số bài chuyên luận chưa hay, tính bình luận không cao.
Thể loại ký báo chí còn ít, thiếu vắng phóng sự viết về văn hóa; Ảnh báo chí vẫn còn ít, chưa phản ánh đúng đời sống ảnh báo chí. Về phát thanh, chất lượng các tác phẩm TƯ và địa phương là đồng đều. Tuy nhiên, chưa có nhiều tác phẩm có tính phát hiện…
Về báo hình, nhiều tác phẩm thể hiện theo lối mòn; chưa che mặt, giấu tên; Có tác phẩm thể hiện bản đồ Việt Nam nhưng không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều tác phẩm, giữa chủ đề và đề tài không khớp nhau; đề tài lịch sử chưa tìm được cái mới. Khoảng cách giữa TƯ và địa phương vẫn còn lớn ở nhóm báo điện tử.
Băn khoăn lớn nhất là vẫn chưa có tác phẩm thực sự xuất sắc, nổi trội. Cách tiếp cận của nhiều tác phẩm vẫn còn khuôn sáo, lối mòn; Chủ đề người tốt việc tốt còn ít (có những tiểu ban không có tác phẩm)…
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Lành (Thực hiện)