(CLO) Phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) sáng nay (3/11), nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề giảm nghèo bền vững. Các đại biểu cho rằng, nghèo đói dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội, vì vậy toàn xã hội cần quan tâm hơn nữa tới công tác giảm nghèo với cách làm mới, thiết thực và hiệu quả hơn.
Theo nhiều đại biểu, Việt Nam được quốc tế đánh giá cao về công tác xóa đói giảm nghèo trong những năm vừa qua. Mặc dù, Nhà nước (NN) đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng chưa có những giải pháp căn cơ cụ thể và nguồn lực có hạn. Chính quyền cơ sở nói riêng và hệ thống chính trị nói chung ở một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo. Nhiều hộ nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của NN.
[caption id="attachment_58249" align="aligncenter" width="780"]
Đại biểu Lê Đình Khanh cho rằng cần phải đi sâu điều tra, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo đói của từng hộ thì mới có chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp và hiệu quả. (Ảnh nguồn: Internet)[/caption]
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng: Vấn đề cần quan tâm là đổi mới phương thức và cách làm của NN và các tổ chức chính trị, xã hội trong hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo; chống bình quân bao cấp để sao cho một số hộ không còn cảm thấy "may mắn", "phấn khởi" khi được đứng trong danh sách hộ nghèo.
Bên cạnh việc tập trung vốn, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH cho vùng khó khăn, cho các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo thì chính quyền cơ sở cần phải đi sâu sát để điều tra xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo đói của từng hộ, nhóm hộ thì mới có chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp và hiệu quả. Cần phải có chính sách riêng đối với từng nhóm đối tượng.
Đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên Huế) phân tích, chương trình đến năm 2030 đã đề ra 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cho các giai đoạn trong 15 năm tới rất toàn diện, rất cụ thể nhưng rất khó để thực hiện. Đại biểu đề nghị, Chính phủ đưa ra một chương trình hành động hoặc một chương trình quốc gia để Quốc hội xem xét để có thể cho hoạch định trong quá trình bàn thảo trong những ngày tới.
[caption id="attachment_58250" align="aligncenter" width="780"]
Đại biểu Phạm Văn Cường đề nghị chuyển đổi từ cơ chế hỗ trợ cho không sang hình thức hỗ trợ trực tiếp cho vay với lãi suất bằng 0. (Ảnh nguồn: Internet)[/caption]
Đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) đề nghị, rà soát lại một số vấn đề nội dung để có thể chuyển đổi từ cơ chế hỗ trợ cho không sang hình thức hỗ trợ trực tiếp cho vay với lãi suất bằng 0; như vậy sẽ có hiệu quả, tránh được những tồn tại khó khăn trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) thì cho rằng, mặc dù công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những thành tích lớn nhưng rõ ràng ngày càng trở nên khó khăn hơn khi đối tượng nghèo chủ yếu nằm ở vùng lõi nghèo và cả vùng nghèo. Thực tế cho thấy các chính sách giảm nghèo vừa qua đã phát huy tác dụng tốt, nhưng với tình hình hiện nay đã bộc lộ những hạn chế.
Do đó, cần thay đổi cách tiếp cận trong giảm nghèo từ cách giải quyết vấn đề tự túc, tự cấp, sinh kế đa dạng sang đầu tư phát triển với 2 trụ cột là phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển hàng hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tiếp đó là thay đổi cách tiếp cận để nâng cao năng lực tự chủ, tự vươn lên của người dân là một động lực quan trọng, giảm bớt tư tưởng ỷ lại của một số bộ phận người nghèo, chính sách giảm nghèo cần giảm bớt hỗ trợ, trợ cấp cho không và hỗ trợ gắn với các điều kiện cụ thể.
Ngoài ra cần thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, chú trọng hình thức đào tạo có chứng chỉ tay nghề kết hợp với công tác đào tạo khuyến nông. Chính sách giảm nghèo cần có những ưu tiên trọng tâm, trọng điểm, tập trung cả nguồn lực về tài chính nhân lực cho những vùng lõi nghèo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng biên giới đặc biệt khó khăn, những khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng.
Thanh Tân