Giáo dục chính quy hay phi chính quy
Khái niệm GDTX được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Luật Giáo dục hiện hành đã chỉ rõ: Hệ thống giáo dục ban đầu: Bao gồm những thiết chế giáo dục chính quy như các cơ sở giáo dục: từ nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông các cấp, trường dạy nghề, đến trường cao đẳng và đại học. Và Hệ thống giáo dục tiếp tục: Bao gồm những thiết chế giáo dục không chính quy như Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, Trung tâm Học tập cộng đồng cấp xã, Trung tâm Ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng ngắn hạn.
Theo đó, tất cả các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường là các công ty, doanh nghiệp tư thục, là trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng. GDTX bao gồm giáo dục không chính quy và phi chính quy, nếu GD chính quy là GD trong nhà trường, tại các nhà trường chính quy và lấy văn bằng trong những thời hạn nhất đinh. Giáo dục không chính quy là giáo dục không dẫn tới bằng cấp, học nhiều độ tuổi khác nhau, vừa học vừa làm. (trong Luật Giáo dục hiện hành coi hình thức này cũng là không chính quy). Phi chính quy là học theo nhu cầu người học. Cần phải coi trọng điều đó để nâng cao nghiệp vụ, giỏi nghiệp vụ, tuyển dụng phải qua năng lực.
Nhà nước đã có chính sách phát triển giáo dục thường xuyên. Theo Điều 45 luật GD: Nội dung giáo dục thường xuyên được thể hiện trong các chương trình sau: “Chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học: cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; Chương trình đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ; Chương trình giáo dục để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.”
Việt Nam hiện nay có tới trên 60 triệu người lớn cần được những cơ hội và điều kiện học tập thường xuyên để nâng cao chất lượng cuộc sống, chuyển đổi nghề nghiệp… thích ứng với một thế giới biến đổi liên tục. Đó cũng là lý do nếu người dân hiểu không đúng bản chất của GDTX thì những quy định của luật về ngành GD nước ta sẽ rơi vào cảnh “mất thiêng” – không còn nhiều giá trị.
Mở rộng với nhiều đối tượng người học
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng học ở trung tâm GDTX là việc của học sinh, sinh viên và người làm công tác nghiên cứu. Việc học tập gần như đã “dừng lại” sau cánh cổng trường ĐH, trường nghề. Tuy nhiên GDTX không nhằm đến một đối tượng cụ thể nào mà dành cho tất cả mọi người. Với người lớn, là những người đi học (học viên) tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục tiếp tục, học theo những chương trình học tập không chính quy/GDTX. Việc học không chỉ dành riêng cho bồi dưỡng trình độ cho giáo viên, giảng viên, mà nhiều người khác rất cần phải học (người về hưu học để xóa mù tài chính, xóa mù công nghệ, xóa mù luật pháp,…). Việc giáo dục học tập của người lớn không để lấy bằng cấp, chủ yếu để phát triển bản thân và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc học của người lớn hiện nay thực sự được quan tâm đúng mức.
Các em học sinh học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Cần nhìn nhận rằng, việc học tập của người lớn chủ yếu là quá trình tự nỗ lực, nhưng không phải ai cũng có thể tự học, “người ta” phải biết là học ở đâu, học như nào và nhà nước cần có dịch vụ đó để cung ứng; cần có thầy hướng dẫn khi người học “lực bất tòng tâm”, có phương pháp học, có tài liệu và cách học của người lớn. Chương trình của người lớn cần có nội dung học tập đa dạng, linh hoạt, bổ sung những kiến thức để phục vụ cho công việc và cho cuộc sống, vốn không ngừng thay đổi. Với nhiều người lớn, việc học vẫn đang là một “cơn khát”.
Ngày 22 tháng 6/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong văn bản số 2574/GDĐT – VP về việc trả lời chất vấn ĐBQH tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XIV, bàn về giải pháp của ngành cải thiện dạy và học tại TT học tập cộng đồng - những điểm mới sửa đổi, bổ sung về GDTX trong dự thảo Luật Giáo dục được Bộ trưởng đề nghị bổ sung nội dung về chính sách phát triển GDTX nhằm thúc đẩy việc học tập của người lớn. Rõ ràng, việc tổ chức học tập cho người lớn cần phải có phương pháp, nội dung học tập phù hợp tâm sinh lý và nhu cầu học tập của người lớn. Người lớn nếu không học sẽ nhanh chóng lạc hậu, bị đào thải, như “đi thuyền trên dòng nước ngược”, không tiến ắt lùi. Hệ thống giáo dục người lớn, giáo dục không chính quy, giáo dục từ xa… dù dưới hình thức nào cũng là một phương tiện, cơ hội để học tập. Chúng ta cần nâng cao nhận thức cho người dân để mỗi cá nhân không ngừng học tập, nên tìm mọi cơ hội để được học tập thực sự phục vụ cho công việc cuộc sống chứ không chỉ học vì bằng cấp, học cho xong.
Là hạt nhân của xã hội học tập suốt đời (HTSĐ)
Việc coi GDTX là một hệ thống thành phần của hệ thống giáo dục quốc dân cũng được ghi trong Quyết định 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010”: “Xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập được dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết, liên thông của hai bộ phận cấu thành: Giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên của hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó giáo dục thường xuyên thực hiện các chương trình học tập nhằm tạo các điều kiện tốt nhất đáp ứng mọi yêu cầu học tập suốt đời, học tập liên tục của mọi người công dân sẽ là một bộ phận có chức năng quan trọng, làm tiền đề để xây dựng xã hội học tập”.
Nhìn lại vai trò GDTX, Luật Giáo dục tại Điều 44 quy định rõ: Giáo dục thường xuyên giúp mọi người vừa học vừa làm, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội. Theo đó, GDTX cần tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người, mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời; nâng cao công tác dạy nghề ngắn hạn cho HS; được phổ biến kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm cho người lớn trong sản xuất và cuộc sống. Đó cũng là nơi phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật đến với mọi người dân.
Có thể thấy, công tác GDTX của Bộ hiện nay là đào tạo liên tục, là học tập suốt đời. HTSĐ được hiểu là người dân được học liên tục, thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi. Do cuộc sống còn nhiều khó khăn cho nên người ta chỉ nhìn thấy mục tiêu trước mắt mà chưa có tầm nhìn xa là phải học, học thường xuyên để phát triển bản thân và thay đổi cuộc sống. Nếu mỗi cá nhân không ngừng học tập trong mỗi cuộc đời thì năng suất lao động không được liên tục nâng cao; chất lượng cuộc sống không được liên tục cải thiện. HTSĐ gắn liền cải thiện chất lượng cuộc sống. Bất kỳ cá nhân nào trong xã hội cảm thấy cần có kiến thức và kỹ năng để đạt được hoặc cải thiện giá trị nào đó trong cuộc sống đều có thể tham gia HTSĐ.
Như vậy, giáo dục không chỉ là học tập trên lớp, trong trường học, mà là mọi nơi mọi lúc. GDTX là học tập suốt đời. Học tập suốt đời là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân của các nước. Trước cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 hiện nay thì nhu cầu đó càng bức thiết hơn bao giờ hết. Để đáp ứng đòi hỏi của công việc, cuộc sống, của thế giới thì hàng ngày hàng giờ chúng ta vẫn phải không ngừng học, dù theo nhiều cách thức khác nhau - không phải chỉ "Nhà bác học không ngừng học” mà ngay cả một người bình thường cũng cần phải “học, học nữa, học mãi”.
Phương Vy