Công tác thi đua và khen thưởng ngày càng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

02/08/2021 20:40

(CLO) Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành đã và đang đi vào cuộc sống; đặc biệt, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội.

Thực hiện chương trình công tác năm 2021, chiều ngày 02/8/2021, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình tại phiên họp.

Trình bày Tờ trình Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ: Sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, mục tiêu sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng phù hợp với công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đảm bảo đồng bộ, phù hợp yêu cầu của thực tiễn.

Đồng thời, sửa đổi Luật sẽ đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng; khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để đơn giản hóa thủ tục hành chính đảm bảo kịp thời, minh bạch, công khai, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo Luật gồm có 100 điều (giảm 03 điều so với Luật hiện hành), đã sửa đổi và điều chỉnh 79 điều, đặt tên điều luật đối với 100 điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng theo Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị vào 04 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua.

Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Đưa ra một số ý kiến thẩm tra sơ bộ tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng để đảm bảo đáp ứng kịp thời việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới; dự kiến Luật sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, đảm bảo theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Tuy nhiên, Ủy ban thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu thêm một số chủ trương lớn về quan điểm xây dựng luật, cụ thể: Tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất; giảm bớt hình thức khen thưởng cấp nhà nước, nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng, bảo đảm chính xác, không trùng lắp, chồng chéo; tập trung hướng về cơ sở, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, quan tâm khen thưởng cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng,

Thường trực Ủy ban Xã hội và một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự án Luật này, bởi các nội dung dự kiến sửa đổi có liên quan đến một số Luật hiện hành như Luật Di sản văn hóa, Luật Cán bộ công chưc, Luật Viên chức, Luật Khoa học công nghệ , Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng…

Kết luận một số nội dung Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn những ý kiến góp ý sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu tham dự. Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục giải trình, làm rõ thêm một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật; cơ quan thẩm tra sẽ hoàn thiện các báo cáo, đảm bảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 8 tới đây.

Minh Diễn

    Nổi bật
        Mới nhất
        Công tác thi đua và khen thưởng ngày càng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO