(CLO) Công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận” của GS. Phan Huy Lê là trường hợp duy nhất thuộc lĩnh vực sử học được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh lần V.
Công trình "Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận" gồm 9 chương, tập hợp nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu của GS Phan Huy Lê trong thời gian 10 năm kể từ 1998 (cả trong nước và ngoài nước).
[caption id="attachment_144768" align="aligncenter" width="600"]
GS Phan Huy Lê.[/caption]
Điểm đặc biệt nhất ở công trình này là cách tiếp cận đa tuyến và toàn diện, mở rộng cả về không gian và thời gian trong lịch sử Việt Nam. Chẳng hạn, trước đó, những công trình nghiên cứu khác thường nhìn nhận lịch sử văn hóa Việt Nam theo góc độ phát triển về lãnh thổ của người Việt đơn thuần. Do vậy, một phần lớn thông tin về lịch sử, văn hóa các vùng đất Nam Bộ, Nam Trung Bộ đã chưa được đề cập tới nhiều.
Ngược lại, theo cách tiếp cận của GS Phan Huy Lê, lịch sử Việt Nam bao gồm lịch sử và văn hóa các cộng đồng cư dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Điển hình, lịch sử cổ đại Việt Nam không chỉ có lịch sử của nhà nước Văn Lang, Âu Lạc mà bao gồm nhà nước Chăm Pa và nền văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Ốc Eo và nhà nước Phù Nam ở Nam Bộ.
Ngoài ra, công trình cũng tập trung phân tích nhiều giai đoạn có tính chất “bước ngoặt” trong lịch sử Việt Nam, chẳng hạn như giai đoạn nửa đầu thế kỷ X (thời điểm kết thúc thời kỳ Bắc thuộc để mở ra thời kỳ phong kiến độc lập đầu tiên của Việt Nam với sự đóng góp lần lượt của cha con Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền) hay giai đoạn cuối thế kỷ XIV tới cuối thế kỷ XIV (thời kỳ mô hình quân chủ tập quyền có nhiều thay đổi đặc biệt).
Theo GS.TS. Nguyễn Văn Kim, thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng chuyên ngành cấp Nhà nước, công trình đã trình bày những nhận thức toàn diện về lịch sử của cộng đồng dân cư, dân tộc và cộng đồng quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam ở tất cả các lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hóa,…Trong quá trình nghiên cứu, tác giả luôn đặt Lịch sử, Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Lịch sử khu vực và thế giới. Đặc biệt, công trình là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng cho việc biên soạn giáo trình, sách giáo khoa và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam 25 tập đang tiến hành hiện nay.
Đồng thời, lần đầu tiên có một công trình tổng kết khá toàn diện về Lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam, ý thức về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thống nhất đất nước và chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Điều này góp phần nhận diện một cách sâu sắc về Lịch sử, Văn hóa Thủ đô Thăng Long – Hà Nội từ thời Long Biên, Đại La, thời Lý – Trần đến thời Nguyễn.
Nhận định về ý nghĩa công trình, GS.TS. Nguyễn Chí Bền, thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp Nhà nước - Ủy viên phản biện cho rằng, ngoài nguồn giá trị cao trong công tác nghiên cứu khoa học, công trình còn góp phần bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước, khối đại đoàn kết dân tộc, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc bảo vệ chủ quyền dân tộc, tính thống nhất và đa dạng của văn hóa Việt Nam.
Đây cũng là công trình đặc biệt xuất sắc về nguồn tư liệu, xử lý tư liệu, phương pháp nghiên cứu, nội dung nghiên cứu đạt chuẩn mực quốc tế và được giới nghiên cứu quốc tế thừa nhận, đánh giá cao.
[caption id="attachment_144769" align="aligncenter" width="480"]
Công trình "Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận" của GS Phan Huy Lê.[/caption]
Ngoài "Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận", lĩnh vực khoa học – công nghệ còn có 8 công trình khác được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V. Ngoài ra, 7 công trình khác thuộc lĩnh vực này được nhận giải thưởng nhà nước, trong đó có công trình sử học Lịch sử tư tưởng Việt Nam của nhóm tác giả GS Nguyễn Tài Thư, Hà Văn Tấn, Phan Đại Doãn… Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tối 15/1.
P.V