Công ty Quang Trung sẽ tính toán đến các vấn đề pháp lý để bảo vệ quyền lợi
(CLO) Ông Nguyễn Tăng Cường khẳng định, đến nay hợp đồng chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn có hiệu lực vì 2 bên chưa ký thanh lý, doanh nghiệp sẽ tính toán đến các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng này.
Siêu máy bơm nằm chờ
Những ngày qua, người dân TP HCM quan tâm đến việc lùm xùm giải quyết hợp đồng thuê máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh khi Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung) đã có văn bản yêu cầu TP HCM có câu trả lời về vấn đề này. Trong trường hợp xấu nhất, TP HCM có thể sẽ phải bị phạt và bồi thường đến 87 tỷ đồng trong việc giải quyết Hợp đồng này.

Vị trí siêu máy bơm (trong vòng tròn đỏ) được lắp đặt để chống ngập cho khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Lê Giang.
Bài liên quan
Trung tâm quản lý hạ tầng giải thích việc chấm dứt thuê siêu máy bơm chống ngập
Tập đoàn Quang Trung đề nghị TP HCM sớm giải quyết việc dừng thuê siêu máy bơm chống ngập
Chấm dứt thuê siêu máy bơm, TP.HCM đối diện nguy cơ gì?
Những năm trước, đường Nguyễn Hữu Cảnh, nối quận Bình Thạnh với quận 1 thường xuyên ngập nặng mỗi khi mưa lớn, đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên TP HCM đã ký Hợp đồng số 44/HĐKT-TTCN ngày 19/4/2018 với Công ty Quang Trung để thuê máy bơm chống ngập sau một thời gian thử nghiệm hiệu quả.
Tháng 10/2019, đường Nguyễn Hữu Cảnh được khởi công, nâng nâng lên từ 0,5 -1,2m và lắp đặt hệ thống thoát nước mới với vốn đầu tư 473 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào thông xe ngày 30/4/2021. Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM (Trung tâm) đánh giá việc nâng cấp đã giải quyết được tình trạng ngập úng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.
UBND TP HCM sau đó chỉ đạo Trung tâm tiến hành đàm phán chấm dứt hợp đồng thuê siêu máy bơm chống ngập với Công ty Quang Trung theo hướng đề nghị không bồi thường, không bị phạt theo Khoản 14.3 Điều 14 của Hợp đồng số 44.
Nằm tại góc bờ sông Sài Gòn cạnh khu đô thị Saigon Pearl sang trọng, khoảng đất rộng vài trăm m2 - nơi lắp đặt “siêu máy bơm” chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh dường như bị người dân xung quanh lãng quên. Phải mất vài lượt hỏi thăm bảo vệ và người bán hàng rong, chúng tôi mới tìm được đến nơi chiếc máy bơm có công suất lên đến 97.000 m3/giờ được lắp đặt chống ngập cho con đường dài gần 3km.

Siêu máy bơm được lắp đặt trong hầm kín, đang phải dừng hoạt động nhiều tháng nay. Ảnh: Lê Giang.
Chiếc máy bơm khổng lồ được đặt vừa vặn trong khu hầm kín có mái che diện tích khoảng 160m2, xung quanh phía trên cây cối rậm rạp. Anh Nguyễn Minh Tâm - kỹ sư được Công ty Quang Trung cắt cử làm việc tại trạm bơm chia sẻ, mình không nắm được việc giải quyết thuê chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện nay ra sao nhưng mỗi ngày đều phải kiểm tra, bảo dưỡng máy bơm, thiết bị định kỳ để luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động.
Theo anh Tâm, đây là chiếc siêu máy bơm duy nhất, công suất lớn nhất ở Việt Nam được doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo dành cho việc chống ngập đặc thù tại đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nhiều tháng không hoạt động nhưng tất cả thiết bị máy móc đều phải bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ chứ không để lâm vào tình trạng bị “bỏ rơi”.
“Dù thời gian dài không chống ngập nhưng lúc nào cũng phải sẵn sàng, đặc biệt là khi trời mưa thì phải túc trực để vận hành khi có lệnh hoạt động chống ngập”, anh Tâm nói.
Công ty Quang Trung sẽ tính toán đến vấn đề pháp lý
Trao đổi với phóng viên Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Tăng Cường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Quang Trung cho rằng, trong thời gian hoạt động chống ngập, siêu máy bơm được nhiều sở ngành, liên hiệp Hội khoa học đánh giá về kinh tế kỹ thuật là hiệu quả.

Kỹ sư của Công ty Quang Trung kiểm tra, bảo dưỡng siêu máy bơm trong thời gian chờ việc giải quyết hợp đồng với TP HCM. Ảnh: Lê Giang.
Thời điểm đầu làm máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh rất vất vả vì xảy ra tình trạng cố tình làm tắc cống, để nước không chảy về trạm bơm. Lúc đó doanh nghiệp phải đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc mới có thể làm tiếp và thành công. Sau đó thành phố đã có chủ trương nhân rộng mô hình này.
Theo ông Tăng Cường, đường Nguyễn Hữu Cảnh được nâng cấp nhưng trong thời gian đầu không có trận mưa nào vũ lượng đủ lớn để đánh giá hiệu quả nhưng các đơn vị quản lý tuyên bố hết ngập. Vài tháng nay xuất hiện mưa lớn, đường Nguyễn Hữu Cảnh đã bị ngập trở lại, ngập liên tục mấy trận liền, đặc biệt là một số con hẻm ngập sâu hơn trước.
“Đường Nguyễn Hữu Cảnh đến nay đã nâng cấp rồi, dù sao cũng không thể “gỡ” đi được nên các đơn vị quản lý đặt vấn đề phải “gỡ” máy bơm đi. Tôi bảo, nếu gỡ máy bơm đi thì các anh sẽ bị phạt và bồi thường hơn 80 tỷ đồng. Nếu vụ việc được đưa ra tòa phán quyết thì chắc chắn sẽ phải có người phải chịu trách nhiệm”, ông Nguyễn Tăng Cường kể.
Lãnh đạo Công ty Quang Trung chia sẻ tiếp, với thiện chí nên doanh nghiệp đặt vấn đề TP HCM còn nhiều ngập nặng, doanh nghiệp mong muốn chuyển máy bơm đi chống ngập chỗ khác thì được cam kết sẽ chuyển sang đường Nguyên Văn Quá hoặc Nguyễn Huy Ích.
Ông Tăng Cường cho biết, đường Nguyễn Văn Quá đã được đầu tư hơn 160 tỷ đồng thay cống lớn rồi nhưng vẫn ngập nặng hơn. Đường Phan Huy Ích thì dự án chống ngập đã kéo dài nhiều năm nhưng không có tiền triển khai, trở thành dự án treo.

Công ty Quang Trung mong muốn và đề xuất di chuyển siêu máy bơm đến khu vực ngập nặng khác thay vì chấm dứt hợp đồng. Ảnh tư liệu.
“Nếu xã hội hóa thì tôi bỏ tiền ra đầu tư. Chúng tôi đã cam kết nếu không hết ngập thì không thanh toán tiền. Trước mắt giải quyết cho người dân hết ngập, điều đó là quá tốt tại sao không làm”, ông chủ siêu máy bơm nói.
Tổng giám đốc Công ty Quang Trung khẳng định luôn thiện chí hợp tác, chỉ muốn đưa siêu máy bơm đi phục vụ chống ngập địa điểm khác và được Trung tâm cam kết trình Sở xây dựng và UBND TP HCM. Thế nhưng đến nay đã hơn 4 tháng sau thời điểm 2 bên ký thỏa thuận vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Ông Cường khẳng định, Công ty Quang Trung buộc phải có 1 văn bản (văn bản ngày 29/11 - PV) để rạch ròi việc cam kết giữa Công ty với cơ quan phụ trách hợp đồng của TP HCM. Nếu quá thời hạn 10/12 mà TP không có câu trả lời thì có nghĩa thỏa thuận ngày 20/7/2022 với Trung tâm sẽ không còn giá trị nữa.
“Công ty sẽ thực hiện Điều 14 của Hợp đồng số 44 bằng những biện pháp pháp lý. Chúng tôi đã thực hiện hết trách nhiệm của mình, với công tác chống ngập của TP, nên đến giờ sẽ phải xử lý bằng quy định pháp luật để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Tăng Cường nói.
Phóng viên đặt vấn đề, thỏa thuận ngày 20/7/2022 có thể hiểu “khi chấm dứt hợp đồng thì phía TP HCM sẽ không bị phạt hay bồi thường hợp đồng. Trung tâm chỉ có trách nhiệm đề xuất Sở Xây dựng và UBND TP về đề xuất của Công ty Quang Trung. Còn việc UBND TP phê duyệt đề xuất hay không thì Trung tâm không chịu trách nhiệm. Và thời điểm này thì Hợp đồng số 44 đã được thỏa thuận chấm dứt” hay không?
Điều này, ông Cường khẳng định hợp đồng không thể hiểu theo cách đó, mà phải được hiểu theo cách, Công ty Quang Trung chỉ chấp thuận chấp dứt Hợp đồng số 44 mà TP HCM sẽ không bị phạt và bồi thường sau khi đề xuất của Công ty Quang Trung (đưa máy bơm đến chống ngập chỗ khác) được TP HCM phê duyệt. Lúc này thì thỏa thuận ngày 20/7/2022 mới có giá trị.
“Đến nay Hợp đồng số 44 vẫn có hiệu lực vì 2 bên chưa ký thanh lý. Sau buổi đàm phán ngày 20/7/2022 đến nay, chúng tôi không nhận được thông tin phản hồi gì nên làm sao thanh lý”, ông Tăng Cường nói.