COP26: Cơ hội tốt cuối cùng để nhân loại cứu lấy khí hậu và chính mình

Chủ nhật, 31/10/2021 15:43 PM - 0 Trả lời

(CLO) Từ hôm nay (31/10), COP26 - hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quan trọng nhất thế kỷ - sẽ diễn ra tại Glasgow, Scotland và kéo dài đến ngày 12/11. Liệu lịch sử sẽ được tạo ra hay không, khi đây được đánh giá như cơ hội tốt cuối cùng để nhân loại cứu lấy khí hậu trái đất và chính mình?

Cơ hội và thách thức

Canh bạc chưa bao giờ lớn hơn lúc này. Đối với hàng triệu người, liệu quốc gia của họ có bị nhấn chìm bởi nước biển hay không; liệu hỏa hoạn, lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy và động đất có tàn phá nhà cửa của họ hay không; và liệu tình trạng mất an ninh lương sẽ trở thành thảm họa hay không? Tất cả đều sẽ phụ thuộc vào kết quả của sự kiện vừa bắt đầu tại Glasgow.

cop26 co hoi tot cuoi cung de nhan loai cuu lay khi hau va chinh minh hinh 1

Người biểu tình tuần hành ở Dusseldorf, Đức, trong Cuộc đình công khí hậu tháng 9 năm 2021 - Ảnh: Getty

Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, được gọi là COP26, là một thời điểm quan trọng của thế giới chúng ta, sẽ đánh dấu số phận của các quốc gia ở mọi châu lục trên thế giới. Đây là một cuộc chạy đua để không phát thải và có thể là một bước ngoặt của nhân loại.

Được cho rằng là “vấn đề sống còn”; “cơ hội tốt nhất cuối cùng” hay “cuộc họp quan trọng nhất trong lịch sử loài người”, COP26 diễn ra chỉ vài tháng sau các báo cáo đáng lo ngại của Ủy ban liên chính phủ về sự biến đổi khí hậu của trái đất.

Cuộc họp năm nay mang tính biểu tượng, khi các quốc gia sẽ đưa ra các cam kết để xác định liệu Thỏa thuận Paris, được 196 quốc gia nhất trí tại COP21, có thể đạt được hay không. Mục tiêu cụ thể là hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2 độ C và theo đuổi mức dưới 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.

Với hơn 125 nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, sự kiện này báo hiệu một trong những cuộc gặp quan trọng và quyết định nhất trong lịch sử gần đây.

cop26 co hoi tot cuoi cung de nhan loai cuu lay khi hau va chinh minh hinh 2

Công viên năng lượng mặt trời Pavagada ở Karnataka, Ấn Độ: Cơ hội đầu tư trong lĩnh vực năng lượng xanh tại châu Á được dự đoán sẽ đạt 37 nghìn tỷ USD vào năm 2050 - Ảnh: Getty Images.

Cuộc chiến không chỉ của riêng ai

Cũng không doanh nghiệp nào nên bỏ qua sự kiện mang tính bước ngoặt này, bởi nó sẽ có thể quyết định sự tồn tại, ít nhất sự phát triển của họ. Trong cả giai đoạn trước và trong COP26, các cam kết và các cuộc đối thoại ở cấp độ quốc tế đã và sẽ sớm định hình một kỷ nguyên kinh doanh mới, mà khí hậu giờ sẽ trở thành trung tâm.

Chỉ riêng năm qua đã chứng kiến rất nhiều hành động vì khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các chính phủ trên khắp thế giới cũng đang tăng cường các chính sách khí hậu và đưa ra các bắt buộc liên quan đến khí hậu trong nền kinh tế.

Hơn 130 quốc gia đã hoặc đang xem xét mục tiêu giảm lượng phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này, trong khi Liên minh Châu Âu đã đưa ra các chính sách đầy tham vọng thông qua Thỏa thuận Xanh Châu Âu; qua đó sẽ thúc đẩy các tiêu chuẩn toàn cầu mới và mở đường cho một nền kinh tế trung tính carbon, tức không phát sinh thêm carbon.

Chỉ riêng quy mô thị trường trong lĩnh vực năng lượng xanh tại châu Á sẽ đạt 37 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Vào tháng 01/2020, BlackRock - công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, thông báo họ cũng đã chuyển chiến lược tài chính sang vấn đề biến đổi khí hậu.

Tháng trước, số lượng kỷ lục 587 nhà đầu tư với 46 nghìn tỷ USD tài sản đã thúc giục các chính phủ của mình nhanh chóng thực hiện các chính sách ưu tiên cho phép họ đầu tư hàng nghìn tỷ USD để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.

cop26 co hoi tot cuoi cung de nhan loai cuu lay khi hau va chinh minh hinh 3

Mọi người đi bộ qua một con phố bị hư hại sau trận lũ lụt nghiêm trọng ở Chenee, Bỉ, vào ngày 16 tháng 7 năm 2021 - Ảnh: Valentin Bianchi / AP

Kẻ tụt hậu sẽ trả giá

Không có gì nghi ngờ, COP26 đang tạo ra một sự chú ý đặc biệt với các doanh nghiệp, xác định vị trí của họ trên thị trường toàn cầu: trở thành những người dẫn đầu hay những kẻ tụt hậu. Những kẻ tụt hậu chắc chắn sẽ phải trả giá.

Hơn 950 công ty, bao gồm cả những tập đoàn lớn như Chanel và Nestle, đã đặt ra các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 để phù hợp với Thỏa thuận Paris. Ngoài ra, hơn 3000 tập đoàn lớn khác đăng ký chiến dịch “Race to Zero” của Liên Hợp Quốc, nhằm có thể sớm đạt được mục tiêu trước COP26.

Có một loạt hoạt động khác trong hệ thống tài chính toàn cầu để bắt kịp với Thỏa thuận Paris. Ủy ban ổn định tài chính Vương quốc Anh cho biết, họ sẽ thiết lập các yêu cầu tài chính liên quan đến khí hậu đối với các chủ sở hữu tài sản ở nước này.

Trong khi đó, Liên minh các Bộ trưởng Tài chính Hành động vì Khí hậu đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi để thích nghi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo đó, đại diện từ hơn 50 quốc gia đang làm việc để đảm bảo một quá trình chuyển đổi công bằng và phát triển bền vững trong nền kinh tế carbon thấp.

Mạng lưới Hệ thống Tài chính Xanh cũng đang mở rộng quy mô tài chính xanh thông qua một mạng lưới có sự tham gia của tới 83 ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát tài chính.

Như Liên Hợp Quốc đã chỉ ra: “Để đạt được các mục tiêu về khí hậu của nhân loại, mọi công ty, mọi tổ chức tài chính, mọi ngân hàng, nhà đầu tư… đều cần phải thay đổi”.

Nếu muốn phát triển trong tương lai, các doanh nghiệp phải đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về môi trường và thực hiện nhanh chóng các mục tiêu đó. COP26 tạo cơ hội duy nhất cho các quốc gia, các doanh nghiệp đánh giá lại các chính sách, thông lệ và thủ tục hiện tại của họ.

Thế giới đều đang theo dõi chặt chẽ COP26. Thất bại của chúng ta trong chống biến đổi khí hậu suốt nửa thế kỷ qua đã khiến chúng ta không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc cùng nhau chiến đấu để cứu lấy khí hậu trái đất và chính mình!

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế
Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế