Cứ 1 trong 3 nhà sẽ bị bỏ hoang ở Nhật Bản vào năm 2038
(CLO) Nhật Bản có thể chứng kiến 1/3 số nhà bị bỏ hoang vào năm 2038, đặt ra thách thức lớn cho các vùng nông thôn và chính sách tái thiết.
Ở thành phố nông thôn Uda thuộc tỉnh Nara, nhà lãnh đạo cộng đồng Yoshiji Misaki đang thực hiện một cuộc khảo sát nhằm thu thập dữ liệu về những căn nhà bị bỏ hoang, còn gọi là akiya. Hiện tại, gần 20% số nhà ở Uda đang rơi vào tình trạng này.
Một trong số đó là căn nhà từng thuộc sở hữu của một bác sĩ, người đã sinh sống và làm việc tại đây trước khi qua đời cách đây 25 năm. Ngôi nhà gần như để không kể từ đó.
Con trai của ông, Shigeaki Nakao – người hiện sống ở một khu vực khác của tỉnh Nara – cho biết gia đình không sử dụng lại căn nhà vì lý do riêng. Họ từng đến đây hai lần mỗi năm để viếng mộ tổ tiên, nhưng giờ đã ngưng. Gia đình hiện có ý định bán vì không còn ai muốn sử dụng nó nữa.
Ông Misaki, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thiết kế đô thị Uda, cho biết dân số thành phố đã giảm một nửa trong 60 năm qua. Xu hướng này phản ánh hiện tượng chung của Nhật Bản: người trẻ đổ về các thành phố lớn để tìm việc, để lại phía sau những thị trấn nông thôn già hóa và ngày càng thu hẹp.
.png)
Một số chuyên gia cảnh báo rằng nếu xu hướng này tiếp tục, số lượng akiya trên khắp Nhật Bản có thể tăng gấp đôi, đạt mức 23 triệu căn vào năm 2038, tức cứ 3 căn nhà thì có 1 căn bị bỏ hoang. Nhiều căn trong số đó đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ.
Hiện tại, Uda có khoảng 1.000 căn nhà bỏ hoang – tăng hơn 300 căn so với năm năm trước. Để đối phó, thành phố đang triển khai các chính sách thu hút cư dân mới đến sống và cải tạo akiya, trong đó có khoản trợ cấp lên tới 2 triệu yên (khoảng 14.000 USD) cho các hoạt động kinh doanh phục hồi nhà cửa.
Ông Takahito Suzuki – giám đốc thúc đẩy chính sách thành phố Uda – cho biết nếu một căn nhà được xác định là quá xuống cấp, chính quyền sẽ dán nhãn là “akiya nguy cơ” và có thể ra lệnh tháo dỡ. Dù vậy, chưa có quy định cụ thể nào từ Chính phủ về việc tái sử dụng akiya.
Một số địa phương như Uda đang mua lại những căn nhà này, cải tạo và đưa lên các ngân hàng akiya – nơi các tài sản bị bỏ hoang được niêm yết để giúp người dân dễ dàng tiếp cận và giao dịch.
Không chỉ người Nhật, nhiều người nước ngoài cũng bị hấp dẫn bởi giá nhà rẻ. Coline Emilie Aguirre, một nhiếp ảnh gia người Pháp, đã quyết định chuyển đến Uda sau khi thấy ảnh chụp một căn akiya giá 33.000 USD – chỉ bằng một nửa giá nhà mới trong khu vực.
Dù vậy, cô cảnh báo chi phí cải tạo có thể rất cao. Sau ba năm, Aguirre đã đầu tư khoảng 60.000 USD và dự kiến sẽ tiếp tục bỏ ra từng ấy trong ba năm tới. Cô hy vọng sẽ mở nhà khách tại đây sau khi cải tạo xong.
Tại thị trấn cổ Kitsuki ở tỉnh Oita, cư dân đang nỗ lực hồi sinh các căn akiya. Dân số ở đây đã giảm từ 34.000 xuống 26.000 trong hai thập kỷ, với 39% dân số trên 65 tuổi và khoảng 24% số nhà thuộc diện akiya.
Noriko Ogura, một cư dân Kitsuki, từng nghĩ đến việc phá bỏ nhà hàng gia đình 150 năm tuổi vì không ai muốn tiếp quản. Nhưng sau đó bà đã chuyển hướng, cải tạo lại nơi này thành không gian cộng đồng tổ chức sự kiện và lưu trú, giúp hồi sinh cả một khu phố.
Câu chuyện của Ogura truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Bà Kayoko Goto và mẹ bà – 92 tuổi – đã mở lại cửa hàng kem của gia đình sau 30 năm. Chủ nhà máy rượu sake Chika Nakano thì ấp ủ kế hoạch biến akiya thành các nhà khách phục vụ du lịch.
Chính quyền Kitsuki cũng hỗ trợ mạnh tay cho cư dân mới. Các gia đình chuyển đến và mua nhà có thể nhận trợ cấp đến 2 triệu yên, trong khi người muốn khởi nghiệp được hỗ trợ tới 1,8 triệu yên.