Cúm A/H5N1: Các nguồn gây bệnh nhiều và khó nắm bắt
(CLO) Cúm A/H5N1 là một phân nhóm virus cúm A, có thể lây nhiễm từ các loài chim, gia cầm và động vật khác, lây sang cho người và gây tử vong. Đây là một chủng cúm độc lực cao, vì thế việc phòng tránh bệnh phải cảnh giác, không được chủ quan.
Mới đây, vụ việc nam bệnh nhân (21 tuổi) ở Khánh Hòa đã tử vong vì mắc cúm A/H5N1 chỉ sau 12 ngày xuất hiện các triệu chứng đã nhận nhiều sự quan tâm của dư luận. Điều tra dịch tễ cho thấy, nam sinh có thói quen đi bẫy chim vào dịp cuối tuần vì vậy, ngành chức năng nghi vấn nguồn lây bệnh cho bệnh nhân từ chim hoang dã. Qua nhiều trường hợp có thể thấy, nguồn lây bệnh A/H5N1 nhiều và khá khó kiểm soát.

Có nhiều nguồn gây bệnh cúm A/H5N1 nguy hiểm.
Về nguyên nhân gây bệnh, theo BS. Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, nguồn lây có thể là chim nước di trú, mà hầu hết là các loài vịt, là ổ chứa tự nhiên của vi rút cúm gia cầm. Tuy nhiên, loài động vật hoang dã này thường có đề kháng với nhiễm vi rút, có nghĩa là chúng mang vi rút mà không bị bệnh.
Trong khi đó, các gia cầm nuôi đặc biệt cảm thụ với vi rút cúm A/H5N1. Tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với loài chim nước di cư là nguyên nhân phổ biến của dịch. Những chợ chim sống cũng đóng vai trò quan trọng làm lan truyền dịch.
"Hiện chưa có bằng chứng cho thấy bệnh lây từ người sang người. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại vi rút có thể biến đổi để lây từ người sang người" - bác sĩ Thiệu thông tin thêm.
Ngoài ra, điều kiện thuận lợi phát triển vi rút cúm do người sống gần các loại gia cầm nuôi và lợn. Với các loại thịt gia cầm chưa chế biến chín, vẫn còn sống, tái cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm H5N1 vì mầm bệnh (nếu có) chưa bị tiêu diệt. Đặc biệt lưu ý nguy cơ khi ăn các loại chim trời đặc sản, vì người dân chuộng cách chế biến tái cho "ngọt, bổ".
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, người dân thực hiện các biện pháp sau:
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
PV