Cung ứng hàng hóa mùa dịch tại TP.HCM: Bài học về kịch bản và kho dự trữ thực phẩm!

Thứ năm, 22/07/2021 10:26 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nhằm đáp ứng được cả hai tiêu chí chống dịch và đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm trong mùa dịch, các địa phương và cả TP.HCM nên xây dựng kịch bản về việc cung ứng hàng hóa và phải có bằng được nguồn hàng hóa dự trữ.

Hàng loạt giải pháp nhằm cung ứng hàng hóa mùa dịch

Tính từ đầu đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, cho tới trưa 20/7, cả nước có tổng cộng 56.530 ca dương tính với Covid-19. Trong đó, TP.HCM đang là “tâm điểm” của đợt dịch lần này, với 35.984 ca nhiễm, chiếm 36% tổng số ca nhiễm bệnh.

Cung ứng hàng hóa phục vụ người dân TP.HCM đến ngày 20/7 mới tạm ổn định.

Cung ứng hàng hóa phục vụ người dân TP.HCM đến ngày 20/7 mới tạm ổn định.

Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16, yêu cầu TP.HCM và 19 tỉnh thành phố phía Nam giãn cách xã hội.

Thực hiện Chỉ thị 16, UBND TP.HCM đã có quyết định đóng cửa gần hết các chợ dân sinh. Điều này đã vô tình tạo ra một áp lực rất lớn tới công tác cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân TP.HCM và các địa phương còn lại.

Trước tình trạng này, Chính phủ, cùng nhiều Bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, mục đích chính là đảm bảo an ninh lương thực, cung ứng đủ hàng hóa cho người dân và các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Ví dụ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các Tổ công tác Đặc biệt, có nhiệm vụ điều phối hàng hóa, đưa các sản phẩm thiết yếu tới các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, người chịu trách nhiệm của Tổ công tác này là một Thứ trưởng.

Về phía địa phương, TP.HCM đã thành lập các cửa hàng lưu động bán các mặt hàng thiết yếu, đồng thời, phối hợp với các sàn thương mại điện tử, các kênh phân phối hàng hóa để mở chợ online, phục vụ nhu cầu của người dân.

Giới chuyên gia nhận định, các giải pháp do Chính phủ, và các Bộ, ngành ban hành trong thời gian qua về cơ bản đã mang lại tín hiệu tích cực trong công tác cung ứng hàng hóa tại TP.HCM và các địa phương có dịch. Tuy nhiên, vẫn cần phải được rút kinh nghiệm tại các địa phương khác.

Nhiều bất cập trong cung ứng hàng hóa tại TP.HCM

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Phải thừa nhận rằng, đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã để lại hậu quả rất lớn tới kinh tế và đời sống - xã hội tại Việt Nam.

Đặc biệt, “tâm điểm” của đợt dịch này là TP.HCM, cùng 19 tỉnh, thành phố phía Nam khác. Khu vực này, hiện là nơi tập trung nhiều dân cư nhất, với khoảng 40 triệu người, riêng TP.HCM là khoảng 10 triệu người. Do đó, khi TP.HCM vừa thực hiện các giải pháp chống dịch, vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa cho 10 triệu người là điều vô cùng khó khăn.

Ví dụ, có trường hợp, xe chở hàng hóa thiết yếu, rau củ quả từ các tỉnh vào TP.HCM, lái xe phải xuất trình 2 giấy thông hành, một là của bên y tế, một là của giao thông. Nếu không đủ 2 giấy thông hành, lái xe phải quay đầu lại về nơi xuất phát.

Cung ứng hàng hóa phục vụ người dân TP.HCM đến ngày 20.7 mới tạm ổn định.

Cung ứng hàng hóa phục vụ người dân TP.HCM đến ngày 20.7 mới tạm ổn định.

Bên cạnh đó, việc TP.HCM đóng cửa hàng loạt các chợ dân sinh một cách đột ngột mà không có sự chuẩn bị từ trước, trong đó 3 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố cũng phải đóng cửa là sai lầm cơ bản trong kinh tế thương mại.

Theo ông Phú, đáng nhẽ, trước khi có quyết định “cấm chợ”, nhất là chợ đầu mối, TP.HCM phải có kịch bản dự trữ hàng hóa trung và dài hạn, để đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa cho 10 triệu dân thành phố.

Song, vì không có kịch bản sẵn, nên TP.HCM lựa chọn cách “cấm chợ” đột ngột. Từ đó, nhu cầu mua sắm hàng hóa đồ dồn hết về siêu thị.

Ông Phú đánh giá: Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại chỉ mới đảm nhiệm 20% doanh số bán lẻ, phục vụ được 10% hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu. 90% nhóm hàng này là do các chợ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini đảm nhiệm.

Do cung không đủ cầu, từ đó dẫn tới hàng hóa đôi lúc đôi nơi bị thiếu một cách giả tạo, mua bán bị đứt đoạn phiền hà, giá cả nhiều mặt hàng có những thời điểm tăng đột biến.

Chợ đầu mối Bình Điền là nơi cung cấp tới 30% lương thực, thực phẩm cho TP.HCM, giờ lại đóng cửa, thì chẳng khác gì mất đi cái dạ dày. Do đó, mở lại chợ là giải pháp cần nhất lúc này”, ông Phú thẳng thắn chia sẻ.

Ngoài 2 bất cập trên, TP.HCM đang thiếu “nhạc trưởng”, chỉ huy các đơn vị trực thuộc phối hợp việc cung ứng hàng hóa.

Theo ông Phú, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp đều có các tổ công tác riêng để điều phối thị trường. Nhưng các tổ công tác này chỉ làm hoạt động trong nhiệm vụ của họ được giao. Do đó, sự gắn kết dường như không có.

Vì vậy, đáng lẽ, Chính phủ, hoặc TP.HCM phải đứng ra thành lập Bộ chỉ huy tiền phương cung ứng hàng hóa, phải có “nhạc trưởng”, “tư lệnh” ngành mới chỉ đạo nhất quán được các ngành giao thông, công thương, nông nghiệp.

Trước đây, vào thời chiến, chúng tôi phải lập mặt trận cung ứng hàng hóa, có bộ chỉ huy thống nhất. Ông tư lệnh phải ăn nằm với dân, xử lý từng phút, từng giờ, chứ không phải chờ có công văn mới được thực thi. Nếu áp dụng trong giai đoạn này, nếu cứ chờ công văn, rồi họp bàn giải pháp, thì người dân thiếu lương thực, mà nông sản cũng hỏng hết”, ông Phú nói.

Bài học cho các địa phương khác

Qua 1 tuần thực hiện Chỉ thị 16, ông Phú nêu ra 3 bài học trong công tác cung ứng, điều tiết hàng hóa tại TP.HCM, và đây chính là bài học cho các địa phương còn lại.

Thứ nhất, việc tổ chức nguồn hàng cho hệ thống phân phối phải đảm bảo liên tục, không bị đứt gãy bởi những trở ngại trong công tác chống dịch. Để làm được điều này, các địa phương cần tạo ra “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Việc này cần có sự phối hợp của các ngành giao thông vận tải, các địa phương cung ứng hàng cho thành phố, công an, y tế quản lý thị trường, chắc chắn phải có một tổ chức chỉ huy thống nhất để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh hằng ngày hằng giờ.

Có như vậy hàng hóa đến thành phố sẽ không bị đứt đoạn, tạo ra tâm lý ổn định khi mua hàng của người tiêu dùng và giá cả sẽ không có những đột biến lớn”, ông Phú nói.

Thứ hai là vấn đề lưu thông. Với sức mua và khối lượng tiêu thụ lớn hằng ngày, hệ thống bán lẻ nói chung phải có cơ số dự trữ hàng hóa nhất định, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Trong đó, các địa phương phải có kịch bản về việc dự trữ hàng hóa trong 2 - 3 tháng, và tự chủ dòng vốn.

Nhiều địa phương quá chú trọng vào vấn đề vốn để xây dựng kho dự trữ. Nhưng theo tôi, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội cho người dân, thì bất cứ giá nào cũng phải làm. Bởi, phòng còn hơn chống. An sinh xã hội tốt, thì chi phí khắc phục sẽ giảm rất nhiều”, ông Phú nói.

Bài học thứ ba là bài học về công tác quản lý thị trường trong khi có dịch. Theo ông Phú, các lực lượng công an kinh tế, công an giao thông quản lý thị trường tài chính giá cả cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc tổ chức kiểm tra kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đầu cơ tăng giá lợi dụng khi có dịch để kiếm chác lợi nhuận một cách phi pháp.

Nói tóm lại, khi xuất hiện dịch bệnh, ông Phú cho rằng, các địa phương cần phải thực hiện 4 yếu tố chính là khơi thông nguồn hàng, tổ chức lại hệ thống phân phối, tăng cường dự trữ hàng hóa, kiểm soát quản lý thị trường. 

Làm được những vấn đề trên chắc chắn các địa phương có dịch sẽ làm tốt nhiệm vụ vừa phát triển kinh tế phục vụ đời sống nhân dân và chống dịch, đúng như sự chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác chống dịch Covid-19 ở nước ta”, ông Phú nói.

Việt Vũ

Bình Luận

Tin khác

Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác cát sỏi 6,63 ha

Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác cát sỏi 6,63 ha

(CLO) UBND tỉnh Quảng Nam vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án khai thác cát, sỏi, cuội làm vật liệu xây dựng tại mỏ cát, sỏi BTM8-ĐC (thôn Thanh Trước, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My).

Thị trường - Doanh nghiệp
Viettel tặng miễn phí điện thoại 4G cho khách hàng 2G

Viettel tặng miễn phí điện thoại 4G cho khách hàng 2G

(CLO) Ngày 17/4/2024, Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết, nhằm hỗ trợ người dân sớm chuyển đổi lên 4G trước thời điểm dừng công nghệ 2G (dự kiến vào tháng 9/2024) nhường tần số cho các công nghệ mới, Viettel triển khai nhiều phương án hỗ trợ khách hàng có nhu cầu nâng cấp dịch vụ.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nhật Bản: Tâm trạng kinh doanh tụt dốc khi đồng yên yếu gây áp lực lên các hộ gia đình

Nhật Bản: Tâm trạng kinh doanh tụt dốc khi đồng yên yếu gây áp lực lên các hộ gia đình

(CLO) Niềm tin kinh doanh tại các công ty sản xuất và dịch vụ lớn của Nhật Bản giảm trong tháng 4 so với tháng trước, do áp lực chi phí sinh hoạt và điều kiện kinh tế không ổn định ở thị trường chủ đạo Trung Quốc.

Thị trường - Doanh nghiệp
FPT Retail (FRT) mục tiêu doanh thu 37.300 tỷ đồng, động lực tăng trưởng từ Long Châu và chuỗi tiêm chủng vaccine

FPT Retail (FRT) mục tiêu doanh thu 37.300 tỷ đồng, động lực tăng trưởng từ Long Châu và chuỗi tiêm chủng vaccine

(CLO) CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (Mã FRT) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024. Đặt mục tiêu doanh thu 37.300 tỷ đồng, lãi trước thuế 125 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng đến từ chuỗi Long Châu và tiêm chủng vaccine.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá xăng RON 95 tăng mạnh, vượt 25.000 đồng/lít

Giá xăng RON 95 tăng mạnh, vượt 25.000 đồng/lít

(CLO) Từ 15h ngày hôm nay (17/4), mỗi lít xăng tăng 380-410 đồng, các mặt hàng dầu (trừ mazut) hạ 170-180 đồng tùy loại.

Thị trường - Doanh nghiệp