Cuộc chiến đánh vào những lòng tham không đáy

Thứ năm, 17/12/2020 09:20 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày cuối năm, không ít người chạnh lòng trước cảnh cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng ra trước vành móng ngựa. Ở một phiên tòa khác, cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến không được chấp thuận cho hưởng án treo… Cuộc chiến phòng chống tham nhũng đang tăng tốc đánh vào những lòng tham không đáy.

1. Ngày 14/12, ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án tiêu cực xảy ra tại dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị đưa ra tòa.

Theo đó, ông Thăng và các đồng phạm bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) và 12 người khác bị cáo buộc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi.

Theo cáo trạng, bị cáo Đinh La Thăng với vai trò là người đứng đầu Bộ GTVT - cơ quan được giao quản lý tài sản, trong đó có quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Tháng 2/2012, khi Thủ tướng đồng ý chủ trương bán lại quyền thu phí cho doanh nghiệp khác để lấy tiền đầu tư hạ tầng, ông Thăng đã giới thiệu, tạo điều kiện để công ty của ông Hệ trúng đấu giá mua quyền thu phí, trong khi công ty của ông Hệ làm ăn thua lỗ, yếu kém năng lực tài chính…

Sự thật phũ phàng. Tác giả - Trần Hải Nam

Sự thật phũ phàng. Tác giả - Trần Hải Nam

Ngay trước đó, ngày 12/12, cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến cũng phải ra trước vành móng ngựa, bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo bản án phúc thẩm, đầu năm 2006, hơn 6.700 m2 đất quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM) được Quân chủng Hải quân chủ trương đưa vào làm kinh tế. Quá trình thực hiện, ông Hiến và đồng phạm đã chuyển đổi mục đích sử dụng ba khu đất trên thành đất kinh tế, trái với quy định. Ba khu đất đều bị mang góp vốn trái quy định, trái chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng. Hành vi của các bị cáo khiến Quân chủng Hải quân mất quyền sử dụng ba khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát ngân sách Nhà nước 939 tỷ đồng.

Liên quan tới ông Đinh La Thăng, sẽ là hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực dầu khí, giao thông. Liên quan tới ông Đinh Ngọc Hệ sẽ là hàng loạt các lùm xùm về BT, BOT, công sản…

2. “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu như vậy tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, sau khi thành lập Ban chỉ đạo (năm 2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác phòng chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.

Khẳng định việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, Tổng Bí thư nhấn mạnh vẫn phải làm và kiên quyết làm. “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người, và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”, ông khẳng định.

Và từ đó, không chỉ dư luận trong nước, mà quốc tế cũng đang chờ đợi Việt Nam sẽ khẩn trương điều tra và đưa ra xét xử hàng loạt vụ án tham nhũng liên quan tới nhiều lĩnh vực, từ trục lợi đất đai tới móc ngoặc “ăn cắp” tài nguyên đất nước, tiền bạc và niềm tin của người dân.

Đó là các vụ án liên quan tới Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hay các vấn đề liên quan tới tham nhũng, trục lợi tại Công ty nông nghiệp Sài Gòn, VN Pharma,…

3. Về chặng đường của cuộc chiến phòng chống tham nhũng, chính Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng phải thừa nhận là vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài. Và ông gọi đó là “chống giặc nội xâm”, phải cấp bách xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để “không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe để “không dám tham nhũng” và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”.

Để quan chức, cán bộ “không thể tham nhũng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ cần kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở trong công tác cán bộ, quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng chính sách, pháp luật để hạn chế sự tác động của “nhóm lợi ích”, “sân sau”,…

Để “không dám tham nhũng”, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thu hồi tài sản tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố;…

Để “không cần tham nhũng”, phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín;…

Về loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương cho biết đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có kiến thức, có kinh nghiệm, thủ đoạn đối phó, che giấu sai phạm, tiêu hủy chứng cứ..., gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Bên cạnh đó, cũng dễ thấy rằng đối tượng có khả năng tham nhũng ở nước ta đang rất… đông. GS - TSKH Lê Du Phong từng chỉ ra: Thống kê đầu năm 2018, số lượng công chức, viên chức Việt Nam khoảng 2,8 triệu người, trong khi Mỹ chỉ có 2,1 triệu người, trong khi dân số gấp 3,5 và diện tích gấp 30 lần. Bộ máy cồng kềnh ngoài việc kém hiệu quả, còn khiến Việt Nam không thể tăng thu nhập đáng kể cho công chức, viên chức, dẫn tới nhũng nhiễu tràn lan, khiến đất nước hư hụt các nguồn lực phát triển.

Câu chuyện lựa chọn con người, hiệu quả tinh giảm biên chế vẫn còn ở thì tương lai, thì với những bước tiến mạnh mẽ của cuộc chiến phòng chống tham nhũng hiện tại, đang đánh thẳng vào các cá nhân, tập thể ở các lĩnh vực lương cao, thưởng lớn mà còn trục lợi, đục khoét tài nguyên quốc gia và túi tiền của dân, đã cho tất cả kỳ vọng về sự đổi thay mà ở đó người có chức vụ, quyền hạn không thể, không dám và không cần tham nhũng.

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn