Báo chí Việt Nam và cuộc đua Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức

Cuộc đua chẳng dễ dàng

Thứ hai, 21/06/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhìn thấy rõ nhiều cơ hội từ công cuộc chuyển đổi số và cũng khẳng định chắc chắn đó là xu hướng không thể khác, tuy nhiên, xét về tiềm lực nhiều mặt: nhân sự, con người và cả công nghệ, kinh tế, với nhiều tòa soạn, đây thực sự đang là vấn đề nan giải.

Bài liên quan

Nhà báo & Công luận gặp gỡ với một số phóng viên, biên tập viên trực tiếp tác nghiệp, thực hiện nhiệm vụ trong từng khâu sản xuất nội dung… để thấy công cuộc chuyển đổi số trong báo chí đang tác động tới công việc của họ như thế nào.

Nhà báo Nguyễn Việt Hà - Ban Chuyên đề, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam:

"Bản thân chúng tôi không ngừng chủ động bắt kịp với sự thay đổi"

Nhà báo Việt Hà (áo trắng thứ 2 từ phải sang) và các đồng nghiệp tác nghiệp.

Nhà báo Việt Hà (áo trắng thứ 2 từ phải sang) và các đồng nghiệp tác nghiệp.

Là một nhà báo đang công tác tại một cơ quan báo chí điện tử, việc trực tiếp làm việc với công nghệ là điều hiển nhiên và khá quen thuộc không chỉ với cá nhân tôi mà với nhiều đồng nghiệp của tôi. Vài năm trở lại đây, chuyển đổi số ngày càng phổ biến, nhất là với việc tăng cường sử dụng các công nghệ, giải pháp số trong tác nghiệp báo chí, bản thân chúng tôi cũng không ngừng chủ động tự hoàn thiện để bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng này. 

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu dùng giọng đọc số trong một số bài viết ở trang chủ của Báo (www.dangcongsan.vn), đặc biệt tăng cường sử dụng ở các bài báo trong trang tin Đại hội Đảng lần thứ XIII (https://daihoi13.dangcongsan.vn). Công nghệ tự động chuyển giọng nói sang file văn bản bước đầu được áp dụng trong một số cuộc Tọa đàm, Giao lưu trực tuyến phục vụ cho khâu đánh máy, ghi lại ý kiến của diễn giả tham gia (tất nhiên, vẫn cần ghi âm và biên tập lại cho trau chuốt, gãy gọn)…

Cá nhân tôi ý thức được rằng, sự bùng nổ của hàng loạt các ứng dụng thông tin đang tạo ra sự phân mảnh rõ rệt trong nhu cầu và thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng… Nếu như tờ báo nói chung và bản thân nhà báo nói riêng không thỏa mãn được nhu cầu đó, độc giả sẽ tìm ở nơi khác. Thực tế, hiện, người đọc có rất nhiều lựa chọn giữa cả một biển thông tin trên không gian mạng. Những bài báo long-form, mega-story, những mẩu tin infographic ngày càng nhiều hơn và đặt hầu hết các phóng viên, nhà báo vào thử thách phải không ngừng hoàn thiện và đổi mới bản thân, nâng cao trình độ và kỹ năng tác nghiệp hiện đại.

Chúng ta nhắc đến nhiều cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự thay đổi chóng mặt của công nghệ với các ứng dụng AI, thậm chí dùng AI tạo nên các sản phẩm báo chí cũng không còn là hiếm hoi (khá nhiều ở các nước phát triển trên thế giới, Việt Nam cũng đã và đang phát triển công nghệ này), nguy cơ “thất nghiệp” của nhà báo là con người đang rất cao.

Bởi thế, không thể đọ sức về mặt tốc độ thì chúng ta cũng phải cố gắng để trau dồi, làm dày vốn tri thức trong thông tin, mang các thông tin có tính định hướng, có chất lượng cao và hình thức truyền tải phong phú, kết hợp đầy đủ giữa ngôn từ, hình ảnh, các đoạn âm thanh, các chuỗi hình ảnh động, các video clip, các bảng biểu số liệu… để thu hút độc giả.

Hơn hết, để chiến thắng rất nhiều thông tin trôi nổi ở trên mạng internet, cần phải có bản sắc riêng, độc đáo trong thông tin nhưng phải có kiểm chứng, bảo đảm an toàn, đúng với tôn chỉ, mục đích và đạo đức hành nghề của tờ báo mình đang gắn bó, công tác.

Nhà báo Trần Văn Vương (bên phải) tác nghiệp tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nhà báo Trần Văn Vương (bên phải) tác nghiệp tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

ThS. Nhà báo Trần Văn Vương - Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện Báo Lao Động:

“Hướng tới tác phẩm chất lượng cao nhưng thời gian sản xuất ngắn hơn, nhanh hơn”

Có thể nhận thấy rằng, quá trình chuyển đổi số và hội nhập quốc tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức cho báo chí trên thế giới nói chung và báo chí ở nước ta nói riêng. Những yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển đổi số cũng đòi hỏi sự đổi mới trong cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động của các cơ quan báo chí.

Cần có chiến lược chuyển đổi số của nền báo chí ở tầm vĩ mô và trong từng cơ quan báo chí là điều được đặt ra. Những tiến bộ về mặt công nghệ khiến công chúng - người dùng có thể trở thành “nhà báo công dân”, người sản xuất tin tức.

Đồng thời, cùng với sự tiến bộ về công nghệ - sự hiện diện của tượng đài internet sừng sững đã khiến báo chí truyền thống thực sự bước vào cơn khủng hoảng doanh thu. Chính vì vậy, nhiều tờ báo đã thực hiện việc cắt giảm báo giấy để tập trung đầu tư trang thiết bị, nhân lực để hoạt động trên internet.

Một số cơ quan báo chí đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí. Đồng thời có những cơ quan đã áp dụng việc thu phí người đọc báo điện tử như ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Khi những ông lớn như Google và Facebook thu được nguồn lợi khổng lồ từ quảng cáo trực tuyến, các tờ báo điện tử đang có xu hướng đa dạng hóa nguồn thu của mình hơn. Và chuyển đổi số đang mở ra những cơ hội để thực hiện việc tái cấu trúc, đa dạng hóa nguồn thu của cơ quan báo chí, vượt qua sự khủng hoảng về kinh tế báo chí...

Rõ ràng, dưới áp lực của chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cũng phải chuyển động, đổi mới, thậm chí phải lột xác thì mới tồn tại được. Dù có làm biện pháp gì đi nữa mà không cải tiến, không nâng cao chất lượng thì khó có thể tồn tại. Chúng ta phải nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, đặc biệt là phải có bản sắc riêng thì mới có nguồn thu.

Với sức ép của chuyển đổi số rõ ràng PV phải chịu những áp lực và phải có sự thay đổi trong công việc để phục vụ các nội dung này. Trong việc lấy báo điện tử làm trung tâm, tiến độ và áp lực công việc ngày càng được tăng lên khi cuộc cạnh tranh giữa các báo điện tử và với cả mạng xã hội ngày càng khốc liệt. Điều đó đòi hỏi PV ngoài kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, nghề nghiệp còn phải có sự nhanh nhạy, nắm bắt công nghệ, nắm bắt kịp thời được xu hướng và dự báo xu hướng công chúng để sản xuất nội dung cho kịp thời.

Bên cạnh đó, phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật để có thể tối ưu sản phẩm của mình trên các nền tảng mạng xã hội. Rõ ràng, PV bị áp lực hơn nhiều, nếu như trước kia có thời gian nghiên cứu, dành nhiều thời gian hơn cho tác phẩm của mình để sản xuất những bản tin text và ảnh tĩnh thì nay PV phải có sự chuyển đổi để sản xuất được những tác phẩm có tính nghe nhìn cao hơn.

Đồng thời, PV phải hướng tới tác phẩm có chất lượng cao nhưng thời gian sản xuất phải ngắn hơn, nhanh hơn. Điều này quả là áp lực và thách thức lớn. Tuy vậy, việc này cũng mở ra cho PV những cơ hội trong việc nâng cao trình độ, bắt kịp với xu thế chung.

Nhà báo Vũ Xuân Cường trong lần phỏng vấn Giáo sư Vũ Khiêu.

Nhà báo Vũ Xuân Cường trong lần phỏng vấn Giáo sư Vũ Khiêu.

Nhà báo Vũ Xuân Cường – Phó Phòng phóng viên báo Tin tức – TTXVN:

"Phối hợp thành nhóm phóng viên tương ứng với sở trường từng người"

Ở góc độ cá nhân thì chuyển đổi số là xu thế bắt buộc với báo chí do nhu cầu bạn đọc thay đổi. Nhiều bạn trẻ giờ chỉ thích đọc báo qua điện thoại. Hơn nữa công nghệ và ứng dụng thông tin thay đổi hằng ngày để truyền tải thông tin tới bạn đọc, nhất là thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm định hoặc theo một góc nhìn nào đó. Do đó, báo chí hiện nay cũng phải thay đổi, dễ thấy nhất là tất cả các cơ quan báo chí đều có phiên bản điện tử. Ngoài ra, phiên bản điện tử cũng đã tích hợp theo hình thức multimedia, một hình thức có nhiều người xem, theo dõi.

Trên thực tế, hiện nay nhiều cơ quan báo chí với công nghệ hiện đại đã đưa ra các hình thức tương tác với bạn đọc rất đa dạng, phong phú. Về mặt nghiệp vụ, phóng viên, biên tập viên thực hiện theo yêu cầu của công việc cũng phải năng động và linh hoạt hơn nhiều so với trước. Từ đó quá trình tác nghiệp cũng hiệu quả hơn, nhất là các sản phẩm tích hợp đa phương tiện.

Với Báo Tin tức chúng tôi, phóng viên thực hiện đa-zi-năng hơn trước gồm viết, quay video, dẫn thử nghiệm hiện trường để đáp ứng xu thế mới cho ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu bạn đọc là phóng sự ảnh, clip bên cạnh các bài viết phản ánh, phân tích tổng hợp, phóng sự...

Rõ ràng là, đối với phóng viên thì tiếp cận đa phương tiện sẽ khó khăn bởi làm 3 trong 1 đòi hỏi những kỹ năng nhất định, vừa thu thập tư liệu viết, vừa quay, vừa chụp ảnh. Sức ép công việc là không nhỏ. Cho nên giải pháp của chúng tôi là thực hiện theo xu hướng phối hợp thành nhóm phóng viên tương ứng với sở trường từng người...

Le Biet o vung trieu cuong

Nhà báo Lê Biết - Trưởng Phòng Văn nghệ và Giải trí, Đài PT&TH Phú Yên:

“Quy trình tạo ra tác phẩm báo chí được rút ngắn tối đa”

Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung, báo chí hiện đại nói riêng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của báo chí và yêu cầu bắt buộc đối với các toà soạn, các đài phát thanh truyền hình, cơ quan báo chí nói chung và cả bản thân các nhà báo.

Thực tế cho thấy, báo chí Việt Nam những năm gần đây đã dần bắt nhịp theo xu hướng phát triển của báo chí thế giới. Tuy nhiên vẫn còn nhiều cơ quan báo chí chậm bắt nhịp xu hướng công nghệ số và vì vậy yếu thế trong việc thu hút độc giả và phát triển.

Với các nhà báo, theo tôi việc chuyển đổi số trong báo chí giúp nhà báo dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, nắm bắt các nguồn thông tin xảy ra trong đời sống xã hội để từ đó triển khai các đề tài báo chí.

Đồng thời, với việc ứng dụng công nghệ số, từ một thông tin, một vấn đề, nhà báo có thể tạo ra những sản phẩm báo chí khác nhau, phát hành trên nhiều hạ tầng, đáp ứng tối đa nhu cầu tiếp cận thông tin của độc giả. Thông tin được chuyển tải một cách nhanh nhất. Quy trình tạo ra tác phẩm báo chí cũng được rút ngắn tối đa cả không gian và thời gian. Đồng thời, nhà báo cũng có những điều kiện thuận lợi để nắm bắt xu hướng làm báo hiện đại của thế giới thông qua internet...

Nếu nhà báo không nắm được công nghệ thì sẽ bị tụt hậu và khó có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đối với nhà báo ở các tỉnh lẻ, bản thân tôi cũng như nhiều nhà báo, cách duy nhất là tự đào tạo, tự nghiên cứu để tiếp cận với công nghệ số. Đồng thời, bản thân tôi cũng tranh thủ tối đa các chương trình tập huấn, chuyển giao công nghệ làm báo hiện đại để có thể tự đổi mới mình.

Bên cạnh đó là tự đầu tư (hoặc cơ quan đầu tư) các thiết bị công nghệ hiện đại và tự học hỏi, nghiên cứu để làm chủ thiết bị nhằm phục vụ có hiệu quả trong việc sản xuất các tác phẩm báo chí.

Bản thân tôi cũng như các nhà báo ở các Đài PTTH hiện nay phần lớn đều biết sử dụng và làm chủ các thiết bị làm báo số, như phần cứng máy ghi âm, máy ảnh, máy quay, thiết bị ghi hình chuyên dụng và các chương trình biên tập xử lý âm thanh, hình ảnh, đồ họa nói chung. Bên cạnh đó, bản thân cũng không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để có thể đáp ứng yêu cầu của độc giả cũng như xu hướng chuyển tải thông tin của báo chí trên các nền tảng công nghệ số.

Báo Công luận

Nhà báo Hoàng Minh Trí – báo Công an Nhân dân:

"Hình ảnh, video phải quay chụp nhiều hơn để có thể “nấu nướng” thành nhiều món"

Theo hiểu biết của tôi, có lẽ không ít người đang có nhầm lẫn nào đó về khái niệm Chuyển đổi số dẫn đến việc lúng túng. Ví dụ như trước đây, khái niệm Tin học hóa chẳng hạn, thế là một phong trào mua máy vi tính, máy in bày lên bàn làm việc trong nhiều cơ quan Nhà nước. Nhưng sự đồng bộ hóa dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu… thì nằm im.

Quay lại câu chuyện Chuyển đổi số trong báo chí, cũng có nét tương đồng. Đó là đưa các bài báo trên giấy lên website điện tử. Cũng có thể nói một số tờ điện tử khác thì khá mạnh trong đồ họa, có tương tác qua lại với độc giả, đó là một bước đi mạnh. Nhưng tựu trung, còn thiếu hụt tìm hiểu về độc giả, họ là ai, đang xem gì, tối ưu hóa nội dung vùng miền theo địa danh…

Những điều này Google, Facebook đã làm rất tốt, mặc dù đây là phép so sánh rất ngớ ngẩn của tôi. Và phóng viên vẫn tiếp tục làm việc theo những cách truyền thống, không có gì nổi bật trong vòng 10 năm qua để bước chân vào thế giới số một cách thực sự.

Thách thức xảy ra với tòa soạn cần thay đổi, xây dựng bộ đọc dữ liệu thông minh hơn, mạnh hơn. Khi ấy phóng viên sẽ có cơ hội phát triển tác nghiệp trên một nền tảng hiện đại, và sớm thích nghi. Tôi cho là vậy.

Tôi là một người đam mê công nghệ, cũng có một số kiến thức nhất định về xu hướng công nghệ và ứng dụng của nó. Bây giờ chúng ta có người thầy giáo vĩ đại đó là mạng Internet, để có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm rất nhanh từ khắp nơi trên thế giới. Tôi luôn cố gắng đọc, xem, tham khảo, thực hành từ những bài học trên mạng để tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân trong tác nghiệp. Việc sản xuất tin bài, tự biên tập cho phù hợp trên từng nền tảng báo giấy hay điện tử được xác lập ngay khi bắt tay vào việc.

Ví dụ ngay hình ảnh, video phải quay chụp nhiều hơn để có thể “nấu nướng” thành nhiều món, cái nào cho báo giấy, cái nào cho phiên bản online, cái nào cho nền tảng mạng xã hội. Chữ nghĩa có thể kéo dài rút ngắn được, nhưng hình ảnh thì không. 

Chuyển đổi số mở ra rất nhiều cơ hội cho báo chí và cũng là xu hướng không thể khác. Tuy nhiên, xét về tiềm lực nhiều mặt: nhân sự, con người và cả công nghệ, kinh tế, với nhiều tòa soạn ở Việt Nam, thực sự đang là vấn đề nan giải, thậm chí “muốn cũng khó đạt được”?

An Vinh

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo