Đại diện một doanh nghiệp taxi cho rằng, việc giảm giá cước vận tải còn phụ thuộc vào những yếu tố khác ngoài giá xăng (Ảnh TL)
Sau khi tăng lên mức kỷ lục của năm vào ngày 6/10 với 22.347 đồng/lít xăng Ron 95 và 20.906 đồng/lít với xăng E5, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã liên tục giảm trong 4 kỳ điều hành sau đó của liên Bộ Công Thương - Tài Chính. Trong đó, ngày 6/12 là kỳ giảm mạnh nhất khi giảm hơn 1.500 đồng/lít xăng Ron 95.
Còn tính chung từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 23 đợt điều chỉnh, trong đó 6 lần tăng giá, 5 lần giảm và 12 lần giữ ổn định.
Tại Bến xe Mỹ Đình, dù là vé xe chất lượng cao hay vé thường, giá vé của nhà xe từ đầu năm đến nay vẫn không thay đổi.
Không chỉ xe khách liên tỉnh chưa giảm giá vé, ngay cả các hãng taxi trên địa bàn Hà Nội cũng chưa có kế hoạch giảm giá cước.
Lý giải về việc giá vé không giảm mặc dù giá xăng dầu đã giảm mạnh, nhiều lái xe cho biết để thực hiện điều này phải có chủ trương.
Đại diện một doanh nghiệp taxi cho rằng, việc giảm giá cước vận tải còn phụ thuộc vào những yếu tố khác ngoài giá xăng. Mặt khác, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 20 đợt điều chỉnh, trong đó 6 lần tăng giá, 2 lần giảm và 12 lần giữ ổn định. Tổng cộng, giá xăng đã tăng thêm hơn 1.000 đồng mỗi lít so với đầu năm.
“Ngày trước thì bảo xăng hạ thì giá hạ, xăng lên thì giá lên, nhưng bây giờ khó lắm. Trước đây lên xuống còn có thông báo, bây giờ thì vài hôm lại thấy lên, một vài tuần, một tháng lại thấy xuống. Ô tô mỗi lần điều chỉnh đồng hồ lại phải mất tiền, mất thời gian, mà có phải đến là làm được ngay đâu” - đại diện một doanh nghiệp taxi cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, lý do mà doanh nghiệp vận tải đưa ra là giá xăng không ổn định để biện minh cho việc không giảm giá cước là không đúng, bởi giá xăng tăng hay giảm phụ thuộc vào thị trường thế giới. Hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này chưa chặt chẽ, khiến các doanh nghiệp lợi dụng cơ chế thị trường để trục lợi.
“Cơ quan quản lý Nhà nước nước cần có quy định để mà định hướng, khuyến cáo doanh nghiệp khi có sự giảm giá nguyên liệu đầu vào quan trọng như vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội, điều chỉnh giá. Hiện nay nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc không kiểm tra, kiểm soát để trục lợi như vậy, tôi cho rằng không hợp lý” - ông Nguyễn Tiến Thỏa nói.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với giá xăng như hiện tại, giá cước taxi ước phải giảm từ 700 - 900 đồng/km mới hợp lý, do chi phí cho xăng dầu với taxi thường chiếm khoảng 35%.
Đức Minh