Cuộc thi trực tuyến 'Tìm hiểu kiến thức pháp luật trên Báo Quân đội nhân dân' lan tỏa sâu rộng, khẳng định hiệu quả giáo dục pháp luật trong kỷ nguyên số
(CLO) Cuộc thi đã và đang thúc đẩy nhiều cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội áp dụng những cách làm hay, sáng tạo để vận động cán bộ, chiến sĩ, học viên, sinh viên và nhân dân tích cực tham gia.
Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu kiến thức pháp luật trên Báo Quân đội nhân dân" (QĐND), do Báo QĐND phối hợp với Cục Pháp chế, Bộ Quốc phòng tổ chức từ năm 2023 đến nay, đang tiếp tục khẳng định vị thế là một sân chơi bổ ích và sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên không gian mạng.

Cuộc thi mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác tuyên truyền pháp luật. Đơn vị tiêu biểu như Sư đoàn 316 (Quân khu 2) đã phát huy cuộc thi một cách đặc biệt. Sư đoàn phối hợp với Báo QĐND và Cục Pháp chế, Bộ Quốc phòng, tổ chức thi tập trung theo từng cấp từ đại đội đến trung đoàn, tận dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ để tạo điều kiện thuận lợi và tăng tính cạnh tranh, thi đua.
Đại tá Lâm Dũng Tiến, Chính ủy Sư đoàn 316, khẳng định cuộc thi là hình thức giáo dục pháp luật thiết thực, sáng tạo, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng, giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao bản lĩnh chính trị và ý thức pháp luật. Nhờ cách làm đồng bộ, Sư đoàn 316 luôn là đơn vị dẫn đầu về số lượng và chất lượng tham gia cuộc thi qua các kỳ.
Tương tự, tại Đoàn An điều dưỡng 26 Nha Trang, lãnh đạo đơn vị đã quán triệt nghiêm túc và phát động toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động tham gia tích cực. Kết thúc cuộc thi năm 2024, Đoàn giành giải Ấn tượng tập thể và có 6 cá nhân đạt giải cao.
Đại úy QNCN Phạm Đăng Khoa, nhân viên lễ tân, cho biết cuộc thi là sân chơi bổ ích, giúp mọi người nâng cao nhận thức về các luật quan trọng như Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Biển Việt Nam, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống ma túy, từ đó áp dụng hiệu quả vào cuộc sống. Đoàn còn có sáng kiến phối hợp với các đơn vị chuyên ngành như Viện Kiểm sát Khu vực 53, Tòa án Khu vực 2 để biên soạn nội dung pháp luật phù hợp từng đối tượng, kèm tình huống minh họa và những buổi chia sẻ kinh nghiệm thực tế, mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao nhận thức và áp dụng pháp luật.
Học viện Hậu cần cũng tiếp tục phát động cuộc thi trong năm 2025, xác định đây là nội dung trọng điểm trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Học viện đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, với sự xung kích của Đoàn Thanh niên. Các mô hình "Tổ tư vấn pháp luật" và "Tủ sách pháp luật" được xây dựng trong các đơn vị, tạo không gian để quân nhân trao đổi, tìm hiểu luật và chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi.
Cuộc thi không chỉ giới hạn trong Quân đội mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng đến các cơ quan, ban, ngành, nhà trường và người dân cả nước. Nhiều trường đại học lớn như Đại học Vinh, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tích cực vận động sinh viên tham gia, thậm chí coi đây là một tiêu chí đánh giá rèn luyện, góp phần nâng cao chất lượng bài thi và số lượng người dự thi. Bước sang năm thứ ba, Ban tổ chức cuộc thi ghi nhận nhiều bài tự luận chất lượng cao.
Tuy nhiên, cũng có một số bài sao chép từ các trang mạng hoặc sử dụng phần mềm AI như Chat GPT, thiếu dấu ấn cá nhân. Ban tổ chức khuyến khích người dự thi phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm cao, liên hệ những câu chuyện thực tế liên quan đến bản thân để bài thi thêm ý nghĩa và đúng quy chế cuộc thi.