Đời sống

Cựu đại sứ Phạm Quốc Bảo: Cuộc sống hậu chiến và nỗi trăn trở với những mất mát vô giá

Phương Thảo 28/07/2025 06:19

(CLO) - Trong dòng chảy lịch sử, hình ảnh người lính Cụ Hồ - những con người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, luôn là nguồn cảm hứng bất tận. Ông Phạm Quốc Bảo, cựu chiến binh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria, cũng là một nhân chứng sống, đã kể lại hành trình từ những năm tháng khoác áo lính đến cuộc sống hậu chiến nhiều trăn trở, với những cống hiến thầm lặng vẫn tiếp nối cho đến hôm nay.

770-202507272207211.jpeg
Ông Phạm Quốc Bảo, cựu chiến binh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria. Ảnh: Phương Thảo.

Từ người lính chiến đấu đến Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria

Bước vào tuổi 18 đôi mươi, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt tại chiến trường miền Nam, ông Phạm Quốc Bảo cũng như bao thanh niên khác đã lên đường nhập ngũ ngay sau khi học xong lớp 10.

Thời điểm đó, ông cùng các đồng đội đã trải qua quá trình huấn luyện tại Hòa Bình, ông đã được học 10 lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam và rèn luyện các kỹ năng chiến đấu như xạ kích, ném lựu đạn hay đánh tăng. Kết thúc khóa huấn luyện, ông hành quân bộ gần 4 tháng để vào chiến trường Bình Định. Sau đó, ông được biên chế vào Trung đoàn 22 của Sư đoàn 3 Sao Vàng, hoạt động chủ yếu tại Nam Quảng Ngãi và Bắc Bình Định.

Những năm tháng ở chiến trường đã để lại trong ông nhiều dấu ấn sâu sắc không thể phai mờ. Năm 1968, ông bị thương trong trận Hà Thanh và được đưa ra miền Bắc điều trị suốt hai năm. Sau đó, ông được cử sang Liên Xô du học ngành luật từ năm 1970 và trở về nước vào năm 1978, bắt đầu công tác tại Văn phòng Quốc hội. Ông gắn bó với nơi đây cho đến khi nghỉ hưu vào cuối năm 2009, sau khi hoàn thành nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria kiêm nhiệm Bắc Macedonia.

770-202507272207212.jpeg
Người lính Phạm Quốc Bảo thời điểm tham gia chiến đấu. Ảnh: NVCC.

Nỗi lòng những người lính thời hậu chiến

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc vào năm 1975, ông Bảo vẫn đang học tập tại Liên Xô và trở về nước 3 năm sau đó, vào năm 1978. Những năm đầu hậu chiến là giai đoạn vô cùng khó khăn, gắn liền với chế độ bao cấp, thời kỳ mà cả đất nước phải gồng mình khắc phục hậu quả của chiến tranh.

Hồi tưởng lại, ông tâm sự đến cả gạo, thực phẩm, dầu đun bếp hay một mớ rau cũng phải mua bằng tem phiếu. Mỗi cán bộ, công nhân viên chức được phân phối 13kg gạo mỗi tháng, trong khi trẻ em, bộ đội hay công nhân được quy định định lượng khác nhau. Thời điểm đó, hàng hóa trở nên khan hiếm, cuộc sống chắt bóp từng chút một, một thực tế khắc nghiệt mà thế hệ sau khó hình dung được.

Dẫu đã trở lại với cuộc sống hòa bình, nhưng những mất mát và ký ức chiến tranh vẫn luôn là nỗi day dứt khôn nguôi trong tâm trí ông. Ông Bảo thẳng thắn chia sẻ: “Với người lính, ra trận là phải chấp nhận, một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực. Trở về được là may mắn, còn sự hy sinh là một thiệt thòi không gì có thể bù đắp.”

770-202507272207213.jpeg
Buổi họp mặt Cựu chiến binh Trung đoàn 22 Anh hùng (24/4/2025). Ảnh: NVCC.

Trong thời bình, điều khiến ông trăn trở nhất là về hàng nghìn liệt sĩ chưa rõ danh tính hoặc chưa được xác nhận thông tin. Nhiều liệt sĩ hy sinh trong những trận đánh bị bom B52 đánh tan xác, hoặc nằm lại nơi rừng sâu theo kiểu “thiên táng”, thi thể dần được cây rừng ôm lấy theo thời gian, khiến việc tìm kiếm hài cốt hay xác minh danh tính vô cùng gian nan.

Ông nhắc đến trường hợp đầy thương tâm của liệt sĩ Đặng Thành Tuấn, người hy sinh từ tháng 8 năm 1966 nhưng suốt nhiều năm sau, gia đình vẫn không thể hoàn tất thủ tục công nhận liệt sĩ do thiếu “giấy báo tử có dấu đỏ”, trong khi mẹ liệt sĩ sống ở vùng địch hậu. Nhờ sự kiên trì của ông Bảo cùng sự hỗ trợ của ông Lâm Hùng Tiên - người giúp tìm kiếm tư liệu và hướng dẫn làm đơn, thì hồ sơ mới được gửi đến các cấp cao nhất.

Phải đến tháng 9 năm 2023, trường hợp của ông Tuấn mới được chính thức công nhận là liệt sĩ. Ông Bảo còn kể thêm một chi tiết xúc động, trước khi gửi đơn, ông đặt lá đơn lên bàn thờ, thắp nén nhang và chọn ngày lành tháng tốt để gửi, như một cách gắn bó tâm linh trong hành trình tưởng niệm và công nhận người đã khuất.

Sau khi nghỉ hưu, ông Bảo dành trọn tâm huyết sưu tầm tư liệu, viết lại lịch sử Trung đoàn 22 - đơn vị ông từng chiến đấu trong thời tuổi trẻ. Ông đã tỉ mỉ chỉnh sửa từng trang bản thảo, mong ghi lại trung thực nhất những năm tháng hào hùng. Hơn cả một cuốn sách, đó còn là hành trình ông gửi gắm tâm nguyện lớn là đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng cho trung đoàn, nơi biết bao đồng đội đã ngã xuống.

Ông tự mình thu thập tư liệu từ Thư viện Quân đội, tra cứu tài liệu từ trong nước đến cả nguồn nước ngoài, kể cả hồ sơ mật của Mỹ. Đến tháng 9/2020, trong niềm xúc động vỡ òa của các cựu chiến binh, Trung đoàn 22 vinh dự được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

770-202507272207214.jpeg
Sau nghỉ hưu, ông Bảo tham gia biên soạn nhiều cuốn sách. Ảnh: Phương Thảo

Với ông Bảo, cách tri ân sâu sắc nhất mà thế hệ trẻ có thể gửi đến thế hệ cha ông đi trước chính là góp phần xây dựng một đất nước ngày càng hùng cường, vững mạnh. Ông nhấn mạnh: “Việc giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc và giải quyết các xung đột bằng con đường hòa bình, đối thoại là điều vô cùng quan trọng trong thời đại hôm nay”.

Bằng tất cả tâm huyết của một người từng đi qua chiến tranh và hòa bình, ông Bảo gửi gắm đến thế hệ trẻ những lời nhắn nhủ chân thành: “Hãy không ngừng học tập, rèn luyện bản thân để thích nghi với thời đại công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo đang thay đổi từng ngày.”

770-202507272207215.jpeg
Ông Bảo chia sẻ về cuốn sách “Trung đoàn 22 – Sư đoàn 3 – Sao vàng”. Ảnh: Phương Thảo.

Câu chuyện của ông Bảo không chỉ là hồi ức của một người lính, mà còn là lời nhắc nhở đầy cảm động về sự hy sinh lặng thầm của lớp người đi trước và trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị mà họ đã đánh đổi bằng cả máu xương để giành lấy.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cựu đại sứ Phạm Quốc Bảo: Cuộc sống hậu chiến và nỗi trăn trở với những mất mát vô giá
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO