Cựu Tổng thống Mexico bị điều tra nhận hối lộ từ doanh nhân Israel
(CLO) Tổng chưởng lý Mexico, ông Alejandro Gertz Manero, tuyên bố cựu Tổng thống Enrique Peña Nieto đang bị điều tra vì cáo buộc đã nhận hàng triệu USD tiền hối lộ từ các doanh nhân Israel trong thời gian đương nhiệm.
Hai doanh nhân Avishai Neriah và Uri Ansbacher bị cáo buộc đã trả cho cựu tổng thống Peña Nieto 25 triệu USD để đổi lấy các hợp đồng an ninh mạng, trong đó có liên quan đến NSO Group, công ty nổi tiếng đứng sau phần mềm gián điệp Pegasus gây tranh cãi toàn cầu.
Số tiền này được cho là đã giúp các công ty an ninh mạng Israel giành được hợp đồng từ chính phủ Mexico và tiếp cận các thông tin nội bộ quan trọng trong suốt nhiệm kỳ 6 năm của ông Peña Nieto.

Tại buổi họp báo, ông Gertz Manero thừa nhận Mexico vẫn chưa có bằng chứng cụ thể, song cho biết giới chức sẽ mở cuộc điều tra chính thức. Ông nói: “Từ đầu nhiệm kỳ trước, đã có nhiều đơn tố cáo nhưng thiếu chứng cứ xác thực. Tuy nhiên, lần này đã phát hiện một số tài liệu cho thấy mối liên hệ giữa các công ty bán Pegasus và cựu tổng thống, bao gồm cả phản hồi từ chính ông ấy”.
Quan hệ giữa Mexico và Israel hiện vẫn căng thẳng, một phần vì lập trường của Mexico ủng hộ giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine, đồng thời lên án các hành động của Israel đối với người Palestine, điều khiến Israel không hài lòng.
Tình hình càng trở nên phức tạp khi Israel hiện là nơi trú ẩn của Tomás Zerón, cựu giám đốc Cơ quan Điều tra Hình sự Mexico, người bị truy nã vì cáo buộc hủy hoại chứng cứ và tra tấn nghi phạm trong vụ mất tích tập thể của 43 sinh viên trường sư phạm Ayotzinapa vào ngày 26/9/2014 tại bang Guerrero. Israel từ chối bắt giữ và dẫn độ Zerón dù Mexico đã ban hành lệnh truy nã từ năm 2019.
Cựu Tổng thống Peña Nieto đã bác bỏ mọi cáo buộc, coi đó là vô căn cứ và mang tính vu khống. Ông viết trên mạng xã hội X: “Tôi lấy làm tiếc khi phải đọc những bài viết hoàn toàn thiếu kiểm chứng báo chí, đưa ra những cáo buộc cẩu thả và ác ý. Thông tin về khoản hối lộ là hoàn toàn sai sự thật và không có bằng chứng”.