Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV - năm 2019

Đã có những tác phẩm xứng tầm…

Chủ nhật, 21/06/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đánh giá về những tác phẩm đoạt giải năm nay, Hội đồng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia (GBCQG) đều nhận định rằng, đó là những tác phẩm xứng tầm, xứng đáng được bước trên thảm đỏ GBCQG lần thứ XIV- 2019.

Bài liên quan

Một mùa GBCQG nữa lại đến! Qua góc nhìn của những người cầm cân nảy mực, những tác phẩm tham dự GBCQG năm nay có nhiều điểm đặc sắc nhưng vẫn đòi hỏi cần có sự sáng tạo hơn, làm sao để ngày càng nhiều các tác phẩm đoạt GBCQG song hành được cả hai yếu tố, đó là đề tài giàu tính phát hiện và cách thể hiện giàu tính nghệ thuật... Dù vậy, những tác phẩm đoạt giải, Hội đồng chung khảo GBCQG đều nhận định rằng, đó là những tác phẩm xứng tầm, xứng đáng được bước trên thảm đỏ GBCQG lần thứ XIV- 2019.

Báo Công luận

Nhà báo Phan Quang - Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN, Ủy viên Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia 2019:

“Các tác phẩm tham dự Giải năm nay có nhiều đặc sắc”

Tôi tham gia Giải Báo chí Quốc gia từ đầu, và nếu kể cả tiền thân của nó là Giải Báo chí Toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam thì đến nay đã mấy chục năm, tôi thấy mỗi năm đều có những nét riêng biệt. Năm nào Giải cũng phản ánh được tình hình đất nước, của thành tựu báo chí từng năm, đồng thời cũng lộ ra những nhược điểm của báo chí ta năm đó.

Tôi thấy Giải Báo chí Quốc gia năm 2019 nhìn chung tốt, đặc sắc, thể hiện rõ ở mấy mặt:

Trước hết, nó phản ánh được những vấn đề lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quan tâm, cũng là những vấn đề đang đặt ra trước mắt dân tộc ta, nổi bật lên là con đường phát triển kinh tế cách nào cho có hiệu quả, hợp với khả năng, điều kiện nước ta và khớp với xu thế chung của toàn cầu.

Hai là, báo chí kiên trì chống tham nhũng, quyết liệt phê phán, ngăn chặn nhằm khắc phục hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ, đảng viên. Ba là, đấu tranh không khoan nhượng chống mọi hiện tượng tiêu cực trong xã hội bất kể xảy ra ở cấp nào, ngành nào.

Một cái bất ngờ nhưng đã tạo cơ hội và mở ra nhiều chủ đề nóng bỏng cho báo chí ta vừa qua là đại dịch Covid-19, cho dù sang đầu năm 2020 mới nổi cộm, vậy mà đây là dịp đủ cho mọi người nhìn thấy sức mạnh của báo chí Việt Nam, qua báo chí phản ánh ý chí kiên cường, quyết tâm của toàn dân ta “chống dịch như chống giặc”, đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ, làm thế giới kinh ngạc và nể phục ý chí người Việt Nam.

Về mặt nghiệp vụ, theo tôi, có hai nét nổi bật: Một là, báo điện tử đang vươn lên bắt kịp thời đại, phát huy thế mạnh phù hợp với xu thế thời đại của nó. Hai là GBCQG năm nay có nhiều tác phẩm thuộc mọi thể loại của báo chí địa phương vào chung kết, kể cả những nơi ta quen gọi là “xa xôi hẻo lánh” đều có tác phẩm xuất sắc. Như vậy là khoảng cách giữa báo chí cấp Trung ương và báo chí địa phương đang thu hẹp rõ.

Qua hơn 1.600 tác phẩm báo chí dự thi, nhìn chung đều đề cập những vấn đề nhân dân quan tâm; từ định hướng đó, thông qua các phóng sự, bút ký điều tra, các bài chính luận, chúng ta đã không ngại ngùng phanh phui, phê phán những khuyết điểm, những việc đáng ra cần làm nhanh làm tốt nhưng lại chưa làm, nói nhiều làm ít, cũng như một số mặt yếu đang tồn tại trong toàn xã hội, đặc biệt trong hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay.

Về nhược điểm, tôi nhất trí với sự đánh giá Hội đồng sơ khảo, và muốn nói rõ thêm mấy ý: Thế mạnh của báo chí từ xưa đến nay, bất luận dưới hình thức nào, đặc biệt đối với báo in, là xã luận, chuyên luận và bút ký.

Xã luận, chính luận là phương tiện chỉ rõ đường lối, là định hướng và cái thúc đẩy xã hội tiến lên, là vạch trần và bác bỏ những luận điệu sai trái của những thế lực xấu và cả những người tốt nhưng chưa thấu đáo trong cách nhìn thời cuộc.

Xã luận, chính luận là những cái đinh của báo chí. Bút ký, phóng sự thể hiện trực tiếp cuộc sống xã hội, phát hiện những nhân tố mới, biểu dương những gương tốt, phản ánh đúng thực chất của xã hội, không tô hồng, đánh bóng, cũng không khoét sâu những khuyết điểm, sai lầm nào đó ở một số ngành và địa phương để câu khách.

Thế nhưng, năm nay Giải chưa có nhiều bài thật xuất sắc về xã luận, chính luận cũng như bút ký. Một số bài xã luận, chuyên luận ngắn thì đơn giản quá. Một số bài dài thì gần như lặp lại các văn kiện của Đảng và Nhà nước.

Ông cha ta từng nói “văn hay chẳng nệ ngắn dài”. Ngắn mà gây được ấn tượng mạnh. Ngắn mà vẫn tạo nên tiếng vang. Dài thì có nhiều chi tiết thú vị đấy, công phu đấy, nhưng tôi xin hỏi bạn có chắc trong tình hình hiện nay, thời gian eo hẹp đối với tất cả mọi người, có bao độc giả chờ đọc một vấn đề cả nửa tháng ròng để biết hồi kết thúc? Dài, nhiều chi tiết, tốn nhiều công phu, chưa chắc đã có nhiều sức hấp dẫn.

Ngược lại, có bài bút ký ngắn nhưng nêu đúng vấn đề, nêu đúng lúc, và được viết ra với tất cả cái tâm, cái tài của người viết thì có khi lại tạo được nhiều tác động. Năm nào cũng có những nét riêng. Cái khác biệt, mới mẻ năm nay về mặt nội dung đó là đề cập đúng các vấn đề chính, về mặt kỹ thuật là sự phát triển mạnh của báo điện tử, và sức vươn lên của báo chí địa phương.

Báo Công luận

Nhà báo Hà Đăng - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân:

“Báo Trung ương vẫn nổi trội hơn báo địa phương”

Năm nay cái được là không ít tác phẩm dự thi có nội dung tốt, chất lượng khá, tác giả đầu tư công phu. Cái chưa được là còn nhiều tác phẩm tuy bám sát các vấn đề thời sự nhưng còn hạn chế về nghệ thuật thể hiện, cách viết chưa mấy đổi mới so với những năm trước.

Về báo in không có mấy khoảng cách giữa báo Trung ương và địa phương, một số tờ báo vốn xây dựng được thương hiệu, nay vẫn tiếp tục được phát huy. Nhưng nói cho công bằng, nếu nhìn chung các loại hình báo chí, từ báo in, báo điện tử, báo phát thanh truyền hình thì báo Trung ương vẫn nổi trội hơn báo địa phương.

Tuy vậy, trong khi chấm giải chẳng lẽ dồn hết phiếu cho báo Trung ương, cho nên tôi đã hết sức chú ý đến những tiến bộ đáng được giải của báo địa phương. Thực tế như báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên… có nhiều bài viết rất khá, báo Trung ương như báo Nhân dân, Quân đội nhân dân…

Báo Công luận

Nhà báo Lê Quốc Trung - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN, Ủy viên Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia 2019:

“Cần phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu của báo mạng”

Một trong những lợi thế của báo mạng là có khả năng phản ánh nhanh, kịp thời các sự kiện diễn ra trong đời sống xã hội. Nếu như báo in thường đợi sự kiện đến lúc kết thúc mới viết hoặc phải theo giờ in để lên trang thì báo mạng có thể đưa tin ngay khi sự kiện vừa diễn ra bất cứ vào thời gian nào, với những thông tin ban đầu, rồi sau đó, theo dòng diễn biến của sự kiện mà tiếp tục đưa tin, giúp bạn đọc cập nhật thông tin cho đến khi sự kiện kết thúc. Chính vì thế trên báo mạng nhiều đề tài, không phải chỉ với phóng sự mà ngay cả bài phản ánh, hay kéo dài nhiều kỳ.

Hơn nữa các bài phóng sự trên báo mạng thường có cảm giác dài, do việc trình bày nội dung có sự đan xen nhiều thông tin, nhiều loại hình báo chí, nhưng chính điều đó làm báo mạng thêm phong phú. Cần phát huy tốt những mặt mạnh trên của báo mạng.

Tuy nhiên, hiện nay cả báo in và báo mạng có hiện tượng kéo rất nhiều kỳ, 4-5 kỳ, thậm chí là hơn 5 kỳ. Thể loại phóng sự, phóng sự điều tra báo in tham dự giải rất ít khi có bài chỉ 1, 2 kỳ mà thường là 3, 4 kỳ trở lên. Gần đây cả bài phản ánh cũng kéo như vậy. Và các bài nhiều kỳ thì thường hay được giải hơn. Đó là một thực tế.

Bài nhiều kỳ quá có thể gây khó khăn, mất thời gian cho những độc giả muốn theo dõi. Nhưng đó cũng có thể là ý muốn của cơ quan báo chí  muốn độc giả theo dõi tương đối thường xuyên tờ báo của mình bằng cách sử dụng những tác phẩm nhiều kỳ, đặc biệt là những câu chuyện có sức hút. Thực tế có tâm lý độc giả hôm nay đọc xong chưa kết thúc thì người ta lại chờ xem ngày mai, ngày kia nữa, theo dõi tiếp xem như thế nào.

Đối với những tác phẩm báo chí, tác giả chọn đề tài lớn, có tính quy mô, tác giả muốn đi sâu vào nhiều khía cạnh khác nhau, muốn theo đuổi đề tài đến cùng, tác giả không thể viết trong 1, 2 kỳ mà phải viết dài hơn thì điều đó là bình thường và tạo ra được nhiều tác phẩm tốt.

Tuy nhiên, nếu ít kỳ, ngắn gọn, súc tích mà vẫn phản ánh được đầy đủ vấn đề thì chắc chắn sẽ thu hút bạn đọc hơn. Nhìn chung cách thể hiện đều có tính hai mặt, có ưu và nhược điểm nhưng quan trọng người làm báo phải sử dụng nó như thế nào cho hợp lý.

Báo Công luận

Đại tá, Nhà văn Phạm Khải - Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân, Ủy viên Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia 2019:

“Chọn được vấn đề hay, có tính phát hiện, nhưng cách thể hiện cũng cần nâng cao yếu tố nghệ thuật”

Theo cá nhân tôi đánh giá, Hội đồng Sơ khảo đã làm việc nghiêm túc, tuyển lựa tương đối kỹ. Đó là lý do để đa phần những tác phẩm giành điểm cao ở vòng sơ khảo, khi chuyển lên Hội đồng Chung khảo đều “trụ lại” ở những vị trí xứng đáng. Quan điểm, cách nhìn nhận giữa hai Hội đồng không “vênh” nhau nhiều, nếu không muốn nói là tương đối đồng nhất.

Một điều dễ thấy, không chỉ năm nay mà còn ở một số năm trước, đó là những bài được cả Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Chung khảo đánh giá cao thường rơi vào những bài có tính phát hiện; vấn đề được nhiều người quan tâm. Một số bài còn có tác động, hiệu quả xã hội lớn (như sau khi bài báo được phát hành, cơ quan điều tra vào cuộc, từ đó phanh phui ra nhiều hành vi phạm pháp, các ổ nhóm tội phạm…).

Tuy nhiên, theo tôi, những điều ấy cần nhưng chưa đủ. Công chúng đón nhận một tác phẩm, ngoài yếu tố có tính phát hiện, còn đòi hỏi tác phẩm đó có cách thể hiện giàu nghệ thuật nữa. Nghệ thuật ở đây không đơn thuần là viết theo kiểu “văn chương”, mà là viết sao cho vượt lên những số liệu khô khan, thể hiện sao cho sinh động.

Nói đến đây tôi lại nhớ, cách đây mươi mười lăm năm, những bài báo đoạt giải của các tác giả Nguyễn Như Phong, Xuân Ba, Hồ Quang Lợi…; mặc dù tác phẩm gây ấn tượng cả về vấn đề đặt ra, nhưng cách thể hiện vẫn rất hấp dẫn, sinh động; các đối tượng độc giả, ai đọc cũng thấy dễ “vào”, dễ “tiếp nhận”… Những tác phẩm ấy sau này được chính các tác giả nói trên tuyển chọn in thành sách, giờ đọc lại vẫn thấy tươi tắn, có dư âm.

Tôi mong muốn làm sao ngày càng nhiều các tác phẩm đoạt giải Báo chí Quốc gia song hành được cả hai yếu tố, là đề tài giàu tính phát hiện và cách thể hiện giàu tính nghệ thuật. Làm sao để việc trao giải không chỉ đơn thuần là vinh danh một tác phẩm có ý nghĩa xã hội cao, thành tích xuất sắc, như vinh danh một người lính đã hoàn thành xong nghĩa vụ của mình…

Báo Công luận

Nhà báo Trần Gia Thái - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Tổng Giám đốc đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, ủy viên Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia 2019:

“Báo chí Thủ đô cần chắt lọc đề tài, khai thác sâu và đầu tư công phu hơn”

Đã nhiều năm làm giám khảo Giải Báo chí Quốc gia, tôi có cảm giác năm nay không khí chung là các tác phẩm dự thi chưa thực sự hấp dẫn, cuốn hút. Trình độ các tác phẩm ở báo chí địa phương, các bộ, ngành, vùng miền, với báo chí Trung ương được đánh giá là xích lại gần nhau hơn… Nhưng xét tổng thể theo tôi, để lấp đầy khoảng cách, thu hẹp dần sự chênh lệch là vấn đề vẫn cần phải quan tâm nhiều. Trao đổi với nhau về chất lượng tác phẩm dự thi mùa giải này, các Giám khảo Chung khảo đều cho là khó tìm được tác phẩm độc đáo, ấn tượng.

Xem xét kỹ các tác phẩm Truyền hình thuộc các thể loại được hội đồng sơ khảo lựa chọn đưa lên, tôi nhận thấy thiếu vắng các tác phẩm kỳ khu, dụng công, gây chú ý về kỹ năng và nghệ thuật thể hiện. Ở một số tác phẩm, hình như điểm số cao là chấm cho đề tài, chủ đề, chứ chưa hẳn cho nội dung và hình thức.

Đa phần các tác phẩm chưa được các tác giả đầu tư chất xám với hàm lượng cao, đặc biệt là sự chăm chút cho hình ảnh từ lựa chọn bối cảnh đến sử dụng khuôn hình, cỡ cảnh, góc độ máy quay, đến âm thanh, ánh sáng, tiếng động... Có không ít các tác phẩm sử dụng khuôn hình của tin tức phóng sự cho phim tài liệu. Trong khi phim tài liệu đòi hỏi cao về đặc trưng của ngôn ngữ Điện ảnh, Truyền hình.

Cố nhà báo lão thành Hữu Thọ nhiều lần trao đổi với chúng tôi khi chấm điểm các tác phẩm, ông hay nói “Cậu thấy bài này thế nào, tớ không thấy có tí mồ hôi nào...”. Điều này rất đúng, không đổ mồ hôi, sôi nước mắt, không lao tâm khổ tứ thì làm sao có tác phẩm hay. Trước đây, bỏ phiếu giải A cho một tác phẩm nào đó tôi rất vui và hoàn toàn yên tâm, còn năm nay chọn rồi mà vẫn còn lăn tăn, do dự.

Tác phẩm Truyền hình ở các đài lớn như Đài VTV, Công an, Quân đội có chất lượng cao và ổn định, khi chấm yên tâm hơn, nhưng sản phẩm ở đài địa phương thì trồi sụt, có năm thì khá, năm thì lại tụt dốc. Đài Nghệ An vẫn giữ được phong độ, một số đài ở vùng cao phía bắc Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang cũng có nhiều cố gắng. Báo chí Hà Nội, trước đây luôn ở tốp đầu những đơn vị dự thi có số lượng nhiều, và chất lượng tốt, thứ bậc cao. Song nhiều năm nay thì thưa thớt và chìm vắng ...

Báo Công luận

Nhà báo Huỳnh Quốc Hoàng - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam - Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ:

“Ứng dụng công nghệ 4.0 để báo địa phương bắt kịp báo Trung ương”

Có lẽ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên số lượng tác phẩm năm nay đạt chất lượng còn không nhiều. Chưa có tác phẩm đột phá, kể cả những đề tài nhạy cảm, đòi hỏi độ khó, có nhiều tin bài nhưng nói chung là chỉ tập trung nói về thành tích mà ít đi sâu vào hơi thở cuộc sống và nhiều khía cạnh khác.

Năm nay ở địa bàn tỉnh Cần Thơ, có 2 tác phẩm được lọt vào chung kết để chấm, gồm một tác phẩm về truyền hình và một tác phẩm báo in. Trong đó tác phẩm truyền hình nói về người thầy giáo cũng khá ấn tượng, mặc dù đã thất bại nhiều lần trong công tác giảng dạy, nhưng sau đó bằng sự cố gắng nỗ lực, tìm tòi nghiên cứu ông đã thu hút được nhiều học sinh, sinh viên đến học tập.

Tuy nhiên, báo chí Trung ương và địa phương vẫn có những khoảng cách, ở các báo địa phương, sự kiện diễn ra ở cơ sở thì họ làm nổi bật vấn đề ở địa phương mình, còn báo Trung ương họ có thể tham gia ở tất cả các địa phương khác. Nhưng ở chính các báo địa phương này cũng có sự chênh lệnh, có địa phương có thể hoàn thành tốt công tác tuyên truyền ở địa phương mình nhưng so với địa phương khác thì còn kém xa.

Các địa phương có các sự kiện, kinh tế văn hóa xã hội khác nhau, ví dụ có địa phương có hoạt động này, có địa phương không. Ngoài ra, tay nghề của mỗi địa phương khác nhau. Với việc ứng dụng công nghệ 4.0 phương tiện cũng có sự khác nhau, chênh lệnh.

Như các cơ quan báo chí ở Cần Thơ phải tự chủ tài chính, luôn phải lo trả tiền lương, nhuận bút cho anh em, việc đầu tư mới các trang thiết bị hiện đại để mình đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng bị hạn chế. Vì công nghệ cũng góp phần làm cho chất lượng báo chí hay, sống động, thu hút được người xem. Như không có tiền đầu tư flycam thì không có những tác phẩm đặc sắc từ trên cao, thể hiện sự hùng vĩ của địa phương đó.

Nhìn chung không có phương tiện khoa học kỹ thuật giúp đỡ, hỗ trợ nên báo địa phương khó có thể theo kịp báo Trung ương.

Để dần khắc phục những yếu kém và nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo, phóng viên. Một trong những giải pháp là sắp tới Hội Nhà báo Thành phố Cần Thơ sẽ phối hợp với các đơn vị mở các lớp bồi dưỡng, không chỉ cho hội viên Cần Thơ mà còn cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long theo sự thống nhất chung của các tỉnh.

Thường các lớp sẽ tập trung tại Cần Thơ, riêng Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ cũng sẽ mở 2 lớp với kinh phí của địa phương. Tất cả nhằm nâng cao tay nghề cho phóng viên, phấn đấu có nhiều tác phẩm tham gia các giải của Cần Thơ, đồng thời tham gia giải ở cụm khu vực và sau đó sẽ được lựa chọn để tham gia Giải Báo chí Quốc gia.

Lê Tâm – Kim Anh (Ghi)

Tin khác

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Nghề báo
Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

(CLO) Ngày 19/4, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức phát động Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam mùa thứ 2 (VCA 2024). Giải thưởng năm nay có những điểm mới trong thể lệ dự thi, trong khâu tổ chức chấm giải và đặc biệt là có thêm hạng mục giải thưởng do cộng đồng bình chọn trực tuyến.

Nghề báo
Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo
Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo