Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí:

Đã đến lúc các cơ quan báo chí phải liên kết lại!

Thứ sáu, 06/11/2020 06:53 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 5/11, tại diễn đàn "Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí", một trong những nội dung quan trọng nhất được lãnh đạo các cơ quan quản lý, lãnh đạo các báo, đài đưa ra thảo luận là: Cần thành lập một liên minh bảo vệ bản quyền báo chí.

Diễn đàn "Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí" được tổ chức tại TP.HCM, với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, sự tham gia của lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Bản quyền tác giả và hơn 100 đại biểu từ các cơ quan báo chí, Sở TT&TT, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo trên cả nước.

Vi phạm tràn lan

Phát biểu về những khó khăn trong cuộc chiến bảo vệ bản quyền, ông Lê Xuân Trung, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho rằng, để đánh giá thực trạng vi phạm bản quyền rất khó bởi chưa có số liệu thống kê về thực trạng vi phạm cũng như kết quả xử lý vi phạm như thế nào. Hệ thống chế tài có cả 3 cơ chế: dân sự, hình sự, hành chính. Nhưng đến nay cũng không có số liệu báo cáo là thực thi ra sao, tăng hay giảm.

Nhà báo Lê Xuân Trung phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Thái An (TTO).

Nhà báo Lê Xuân Trung phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Thái An (TTO).

Cũng theo ông Lê Xuân Trung cũng cho biết hiện các báo lấy bài của nhau có thể ở dạng xin phép hoặc không xin phép, lấy toàn bộ, lấy một phần, hay chỉ lấy hình ảnh hoặc câu trích. Vậy vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục lấy bài của nhau hay không, nếu tiếp tục thì được gì, mất gì…

Còn Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức thì cho rằng diễn đàn là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với cơ quan báo chí khi chưa quan tâm, bảo vệ tài sản. Theo ông Nguyễn Minh Đức, trong 10, 20 năm trước, việc các bài báo được lấy lại là vinh dự thì nay nhận thức đã khác. Báo chí mất đi tài sản, lợi ích kinh tế, thương hiệu.

“Chúng tôi đối diện vấn đề này vài năm rồi. Có một trang thông tin điện tử đã lấy và sử dụng thông tin của báo Kinh Tế & Đô Thị mà không xin phép. Sau khi bị phát hiện, họ xin, đề xuất xin đền bù, đàm phán chấm dứt vi phạm. Cần nhận diện được vi phạm, kể cả cơ quan nhà nước cũng vi phạm, hội nghề nghiệp lấy thông tin tràn lan...”, ông Lê Minh Đức chia sẻ.

Tăng chế tài

Về giải pháp xử lý vi phạm, ông Đinh Đức Thọ, Tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp luật TP.HCM cho biết, báo hiện đã thành lập tổ bản quyền, có trách nhiệm phát hiện các cơ quan, tổ chức khác vi phạm quyền tác phẩm báo chí. Sau đó sử dụng một số biện pháp linh hoạt như: Gọi điện đề nghị gỡ, nếu không gỡ sẽ có công văn yêu cầu; nếu bên vi phạm "ngó lơ" thì sẽ gửi công văn đến cơ quan quản lý nhà nước đề nghị xử lý (kèm bằng chứng); nghiêm trọng hơn sẽ có biện pháp khởi kiện ra tòa.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Phương Mai/TTXVN.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Phương Mai/TTXVN.

Ngoài ra, ông Thọ đề nghị cần tăng mức xử phạt hành chính lên gấp 3 hoặc gấp 5 lần so với mức xử phạt hiện hành (mức phạt hiện cao nhất là 30 triệu đồng) thì sẽ có tính răn đe hơn đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đáng chú ý, theo Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm, diễn đàn được tổ chức nhằm trao đổi về vấn đề nhức nhối là nạn vi phạm quản quyền tác phẩm báo chí giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa báo chí và trang thông tin điện tử, giữa báo chí và không gian mạng xuyên quốc gia…

Về vấn đề xâm phạm bản quyền báo chí xuyên quốc gia, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, năm 2018, có tới 900 triệu USD tiền quảng cáo của các nhãn hàng trong nước được chuyển cho Facebook và Google.

“Nền tảng Facebook và Google là độc quyền lưỡng cực, cho phép xâm phạm bản quyền báo chí, họ vẫn chạy quảng cáo trên các trang xâm phạm bản quyền. Báo chí, truyền thông cần công khai các vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới…”, ông Lâm nói.

Liên kết lại

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, bảo vệ bản quyền các tác phẩm rất khó khăn, khó thì nên có một đầu mối. Việc hình thành một liên minh các cơ quan báo chí để bảo vệ tác quyền là việc phải làm.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chỉ đạo diễn đàn. Ảnh: Đồng Du (LĐO)

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chỉ đạo diễn đàn. Ảnh: Đồng Du (LĐO)

“Phải có 3 bên tham gia liên minh, báo chí, công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước. Với nguồn lực của từng tờ báo để đấu với các nền tảng về bản quyền sẽ không đấu lại, phải dùng vị thế cơ quan quản lý nhà nước. Một tờ báo, trang tổng hợp, website gọi đến xin gỡ, không gỡ một cú điện thoại của cục là gỡ ngay, không gỡ là bị chặn…

Việc phát hiện các xâm phạm bản quyền không phải là vấn đề khó, khó là phần xử lý, ai sẽ xử lý, cần phải am hiểu pháp luật để mà chứng minh yêu cầu gỡ bỏ, phải thành lập bộ phận chuyên nghiệp, có lương, phí để hoạt động…”, ông Lê Quang Tự Do phát biểu.

Đây cũng là ý kiến mà nhà báo Lê Xuân Trung đồng thuận. Theo ông Trung, trước tiên các báo cần chấm dứt lấy nội dung của nhau, ký kết tôn trọng và bảo vệ bản quyền của nhau. Đồng thời với việc tự nguyện, tự giác thực hiện của các cơ quan báo chí tham gia liên minh bảo vệ bản quyền báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan tư pháp “ra tay” thực thi nghiêm luật và các văn bản dưới luật về sở hữu trí tuệ và bản quyền báo chí.

Còn ông Lê Hồng Kỹ (sáng lập viên Trang VietnamBiz), khi nhiều cơ quan báo chí cho rằng trang thông tin điện tử vi phạm nhiều nhất về bản quyền tác phẩm báo chí, thì ông cũng chỉ ra rằng cơ quan mình đi mua và tái xuất bản, nhưng cũng là nạn nhân khi bị các trang khác copy lại.

Từ đó, ông Kỹ đặt vấn đề nên chăng các cơ quan báo chí nên liên minh với nhau bảo vệ bản quyền, đồng thời sẽ có bên thứ 3 kết nối giữa các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước nhằm phát hiện, xử lý bên vi phạm một cách thống nhất, hiệu quả.

Cam kết không vi phạm lẫn nhau

Phát biểu kết luận và chỉ đạo diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo nêu để giải quyết thực trạng trên thì trước hết các cơ quan báo chí trong nước phải liên kết với nhau thực hiện đúng quy định pháp luật về bản quyền tác phẩm báo chí. Khi thực hiện đúng thì cùng nhau đưa ra các biện pháp để xử lý vi phạm bản quyền xuyên quốc gia đến từ Google hoặc Facebook, trên cơ sở chia sẻ bằng hợp đồng lợi nhuận.

Ngoài ra, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các cơ quan báo chí muốn không để trang thông tin điện tử, mạng xã hội “ăn cắp” bản quyền thì chính bản thân các cơ quan báo chí phải mạnh mẽ cam kết không vi phạm lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau; kịp thời phát hiện, lưu vết, đối chiếu quy định pháp luật và gửi lên cơ quan quản lý nhà nước để xử lý vi phạm.

Phan Thương (Thanh Niên Online)

An Nhiên

Tin khác

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nghề báo
Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi'

Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi"

(CLO) Ngày 19/4, tại Tòa Nhà Trung Tâm Thông Tấn Quốc Gia, Hội Cựu Chiến binh Thông tấn xã Việt Nam cùng Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt truyền thống mang tên “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi”.

Nghề báo
MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Nghề báo
Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

(CLO) Ngày 19/4, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức phát động Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam mùa thứ 2 (VCA 2024). Giải thưởng năm nay có những điểm mới trong thể lệ dự thi, trong khâu tổ chức chấm giải và đặc biệt là có thêm hạng mục giải thưởng do cộng đồng bình chọn trực tuyến.

Nghề báo
Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo