Đà Nẵng điều chỉnh giảm bảng giá đất: “Thả con săn sắt bắt con cá rô”
(CLO) Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận định, việc UBND Đà Nẵng điều chỉnh bảng giá đất đi xuống là một giải pháp thông minh, để kích thích thị trường hồi phục trở lại, nhất là giai đoạn hậu Covid-19.
Từ đầu năm tới nay, nhiều địa phương đã công bố bảng giá đất mới, áp dụng trong giai đoạn 2021 - 2024. Hầu hết, các địa phương điều chỉnh bảng giá đất mới, tăng từ 15% - 20%, so với 5 năm trước.
Trước sự điều chỉnh tăng, giá đất tại nhiều địa phương đang có xu hướng tăng theo. Bộ Xây dựng cũng thừa nhận rằng, sự tăng giá của bảng giá đất, đã làm giá đất bình quân tăng khoảng 5%.

Đà Nẵng là địa phương hiếm hoi điều chỉnh bảng giá đất giảm
Ngược lại với xu hướng tăng giá, Đà Nẵng là địa phương hiếm hoi điều chỉnh bảng giá đất đi xuống, mức giảm bình quân khoảng 10%, tùy thuộc vào từng loại đất.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận định, việc UBND Đà Nẵng điều chỉnh bảng giá đất đi xuống là giải pháp “thả con săn sắt bắt con cá rô”, để kích thích thị trường hồi phục trở lại, nhất là giai đoạn hậu Covid-19.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Đỗ Như Cường, Chủ tịch HĐQT ID Green cho rằng, trong 3 năm qua, thị trường bất động sản Đà Nẵng gần như “đóng băng”, do nhiều yếu tố, như dịch bệnh liên tục bùng phát, nhà đầu tư cá nhân mất niềm tin sau sự cố Cocobay Đà Nẵng đổ vỡ;...
Trích dẫn số liệu từ DKRA, Savills cho thấy, trong năm 2020, nguồn cung và khối lượng giao dịch của hầu hết các phân khúc bất động sản Đà Nẵng đều chạm “đáy”. Đơn cử, như phân khúc đất nền, nguồn cung giảm 97%, trong khi đó khối lượng giao dịch giảm tới 98% so với năm ngoái.
Tương tự, phân khúc tiềm năng nhất của Đà Nẵng là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, condotel cũng chạm “đáy” trong 5 năm qua. Gần như không có nguồn cung mới, cũng không phát sinh nhiều giao dịch trong năm 2020.
Trước diễn biến trầm lắng của thị trường, giá đất của Đà Nẵng có xu hướng hạ nhiệt trong 1 năm qua. Ví dụ, tại khu vực Nam Hòa Xuân, vào giai đoạn “hoàng kim” có mức giá 45 triệu - 50 triệu đồng/m2, thì nay có giá khoảng 40 triệu - 42 triệu đồng/m2.
“Chính vì vậy, việc Đà Nẵng điều chỉnh giá đất sẽ là một giải pháp để thu hút nhà đầu tư quay trở lại thị trường. Nếu đặt giá thuyết, Đà Nẵng điều chỉnh giá đất tăng, trong bối cảnh thị trường trầm lắng, giá đất vẫn sẽ tăng, nhưng là tăng ảo, giá trị không được bền vững”, vị chuyên gia này cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: Hiện tại, nhiều dự án tại Đà Nẵng đang vướng phải vấn đề pháp lý.
Ví dụ, nhiều dự án đã hoàn thiện, đủ điều kiện để cung cấp ra thị trường nhưng hiện đang bị rà soát lại, chưa được phép bán. Hoặc, một số dự án đang bước sang giai đoạn hoàn thiện, cũng bị khoanh vùng và phải dừng thi công. Điều này tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản Đà Nẵng và khiến nhiều người e dè, ngại đầu tư.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh bảng giá đất giảm, chỉ là một yếu tố hỗ trợ cho thị trường hồi phục. Việc bao giờ Đà Nẵng hồi phục, còn phải phụ thuộc vào dịch bệnh được kiểm soát, khơi thông hoạt động du lịch, trong và ngoài nước;....
“Hiện nay, bất động sản Đà Nẵng vẫn có rất nhiều tiềm năng để phát triển đặc biệt là các dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp nhờ vào các yếu tố tự nhiên như bãi biển đẹp, số lượng du khách đông đảo. Đà Nẵng cũng là thành phố trẻ, năng động, ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp rót vốn vào thị trường. Vì vậy, mảng chung cư, nhà ở và văn phòng tại đây cũng được đánh giá là vẫn có cơ hội phát triển bứt phá.”, vị chuyên gia này cho biết thêm.
Trước đó, UBND Đà Nẵng quyết định điều chỉnh tỷ lệ % giá đất thương mại - dịch vụ (TMDV) và sản xuất - kinh doanh (SXKD) so với giá đất ở cùng vị trí. Cụ thể: Giá đất TMDV điều chỉnh từ 80% thành 70% ; giá đất SXKD điều chỉnh từ 60% thành 50% (cùng giảm 10% so với hiện nay).
Về việc điều chỉnh tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất, giảm một số tỉ lệ sau: Tỷ lệ (%) để tính đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm trên địa bàn thành phố điều chỉnh giảm từ 2% xuống 1%; Tỷ lệ (%) áp dụng đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản điều chỉnh giảm từ 0,7% xuống 0,5%.