Đặc sắc lễ hội cúng thần núi, cúng thần rừng của người Cơ Tu
(CLO) Lễ hội cúng thần núi, cúng thần rừng của người Cơ Tu - một trong lễ hội đặc sắc có từ lâu đời luôn được đồng bào Cơ Tu bảo tồn, gìn giữ.
Ngày 18/5, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện A Lưới, thành phố Huế đã tổ chức tái hiện lễ hội Tác Giảng Ka Coong, Tấc Giàng Xứ.
Buổi lễ tái hiện còn có sự tham gia của nhóm đồng bào dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi và sự tham dự của nhóm đồng bào dân tộc Ba Na, Xơ Đăng cũng đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
.jpg)
Lễ hội Tác Giảng Ka Coong (cúng thần núi) và lễ hội Tắc Giảng Xứ (cúng thần rừng) thực chất chỉ là một lễ hội. Điểm khác nhau là lễ hội Tắc Giảng Ka Coong được cúng trong phạm vi rộng, cho cả một xứ, một vùng đất, ở đó có thần bảo vệ làng bản gọi là Ca Neeh. Khi cúng phải có vật tế là con trâu, con dê và các lễ vật khác kèm theo và địa điểm cũng là ở sân của làng.
Lễ hội Tắc Giàng Xứ thường được tổ chức trong phạm vi hẹp, tại một cánh rừng hoặc ở một ngọn núi cụ thể. Vật tế là con dê, con heo kèm theo các lễ vật khác và địa điểm cúng là tại một ngọn núi, một cánh rừng.
Đối với dân tộc Cơ Tu, cả hai lễ hội Tác Giảng Ka Coong, Tấc Giàng Xứ đều là những lễ hội quan trọng và đặc sắc nhất, thường diễn ra sau 3 hoặc 5 năm khi thường xuyên diễn ra những điều bất lợi như mất mùa, còn cháu ốm đau, tai ương.
Lễ hội nhằm tạ ơn thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối đã cho con cháu, làng bản sản vật, cho con cháu có cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, sức khỏe bình an; cầu mong các Giàng, các vị thần linh tiếp tục phù hộ độ trì con cháu vào rừng săn bắt hái lượm an toàn, làng bản sung túc hơn, mùa màng bội thu hơn, cầu mong người và vật nuôi không ốm đau, bệnh tật.
Nghi thức của hai lễ hội đều giống nhau, gồm các nghi thức A Xa A Rah đu mập (nghi lễ tẩy rửa); nghi thức Lễ tắc du lạu (tạm dịch là cúng sạch); nghi thức đâm lễ vật và nghi thức cúng lễ vật đã chín.
Trong lễ hội, trưởng làng, trưởng họ mời đông đủ con cháu tập trung tại nhà trưởng làng, trưởng họ.
Đầu tiên, mọi người tiến hành nghi thức A Xa A Rah đu mập, nhằm tẩy những điều nhơ bẩn, ô uế, con cháu trong làng vô tình gây ra. Bởi theo quan niệm của người Cơ Tu, nếu không làm lễ tẩy rửa thì làng bản không được sạch sẽ, lễ hội không thành công, vì Giàng không chấp nhận.
Sau khi làm nghi thức tẩy rửa, 2 hoặc 3 ngày sau là phải làm lễ hội, để lâu con cháu sẽ vô tình làm nhơ bẩn lại thì Giàng cũng không chấp nhận.
Đối với nghi thức Lễ tắc du lạu (tạm dịch là cúng sạch), mọi người chuẩn bị mâm cỗ cúng sạch dành cho các vị Giàng thưởng thức, trưởng làng sẽ đọc lời khấn xin được các vị Giàng đón nhận.
Nghi thức đâm lễ vật (lễ vật chủ đạo của lễ hội là trâu đực hoặc dê đực), đây là linh vật chính con cháu làng bản người Cơ Tu dâng lên thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối. Cầu mong đầu linh vật ôm lấy cây nêu, che chở, bao bọc con cháu làng bản.

Trong nghi thức cúng lễ vật đã chín thì lễ vật được đặt trên Pa Ra linh thiêng kính dâng Giàng, trưởng làng, trưởng họ vừa đọc các lời cầu khấn, vừa mời các lễ vật cho các vị thần linh và ném A Nooi lên mái Pa ra. Theo quan niệm, nếu A Nooi mắc trên mái Pa Ra thì Giàng vui mừng đón nhận, mọi điều suôn sẻ, hạnh phúc, đủ đầy. Sau phần lễ, mọi người phấn khởi hòa cùng tiếng chiêng, khèn bè, tù và để chúc mừng buổi lễ thành công.
Lễ hội cúng thần núi, cúng thần rừng của người Cơ Tu một trong lễ hội đặc sắc có từ lâu đời luôn được đồng bào Cơ Tu bảo tồn, gìn giữ. Buổi lễ được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã góp phần giới thiệu văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cơ Tu đến với các dân tộc và đông đảo du khách tham quan.