Đặc san "Hà Tĩnh - Người làm báo” kỷ niệm 25 năm ngày ra số đầu tiên
(CLO) Ngày 15/12, Hội Nhà báo Hà Tĩnh tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày ra số đầu tiên. Trong những năm qua đặc san “Hà Tĩnh - Người làm báo” đã trở thành công cụ tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, là diễn đàn nghiệp vụ quan trọng của những người làm báo.
Tạp chí (nay là đặc san) “Hà Tĩnh - Người làm báo” của Hội Nhà báo tỉnh ra số đầu tiên vào mùa xuân Ất Hợi 1995, với 32 trang, in 4 màu.
Ấn phẩm đã góp phần trao đổi nghiệp vụ báo chí, thông tin hoạt động khoa học báo chí; không ngừng nâng cao trình độ chính trị nghiệp vụ, kỹ năng cho người làm báo góp phần đổi mưới sự nghiệp báo chí; định hướng dư luận xã hội theo quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước.

Hội Nhà báo Hà Tĩnh tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm đặc san “Hà Tĩnh - Người làm báo” ra số đầu tiên. Ảnh: Nhất Đình
Sau 25 năm, đặc san “Hà Tĩnh - Người làm báo” đã xuất bản được trên 130 kỳ, có trên 5.200 tác phẩm báo chí được đăng tải, trở thành công cụ tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền và là diễn đàn nghiệp vụ quan trọng của những người làm báo trên địa bàn.
Những năm đầu, tuy chưa ổn định số kỳ phát hành và số trang in, song đặc san vẫn đạt số lượng phát hành đáng kể, từ 1.000 - 2.000 cuốn mỗi kỳ. Từ năm 2007, phát hành ổn định 6 số/năm. Tháng 10/2008, số trang tăng lên 40 trang in (số thường) và 80 trang (số xuân), lượng phát hành từ 2.500 đến 3.000 cuốn/số. Tới năm 2014, đặc san đã có sự đầu tư cơ bản, toàn diện về mọi mặt cả hình thức in ấn, nội dung chuyên đề, chuyên mục và nguồn kinh phí đầu tư.

Hội Nhà báo tỉnh tặng hoa tri ân các nhà báo có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đặc san “Hà Tĩnh - Người làm báo”. Ảnh: Nhất Đình
Trong thời gian tới, đặc san tiếp tục bám sát tôn chỉ, mục đích, nâng cao hơn nữa uy tín, chất lượng của ấn phẩm, mở rộng mạng lưới cộng tác viên. Đổi mới hình thức trình bày của đặc san từ trang bìa đến cấu trúc, đảm bảo tính hiện đại, vừa có nét đặc trưng phản ánh sắc thái riêng.
Chú trọng đầu tư chất lượng biên tập, coi trọng chất lượng in ấn và thời gian phát hành theo xu hướng chuyên nghiệp; tăng dần số lượng trang và số lượng phát hành theo lộ trình. Điện tử hóa đặc san nhằm quảng bá rộng hơn các tác phẩm báo chí, đồng thời đáp ứng yêu cầu tìm hiểu, tiếp cận tri thức mới của độc giả; quảng bá hình ảnh của tỉnh nhà nói chung và giới báo chí Hà Tĩnh nói riêng.