Đại biểu Quốc hội: Cần tăng thẩm quyền cho Tòa án khu vực
(CLO) Đại biểu Quốc hội kiến nghị điều chỉnh thẩm quyền giữa các cấp Tòa án; giảm thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh và tăng thẩm quyền cho Tòa án khu vực, bao gồm cả các vụ án hình sự có mức hình phạt cao.
Chiều nay (8/5), tiếp theo Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội làm việc tại tổ, tiếp tục thảo luận các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Thanh tra.
.jpg)
Xây dựng hệ thống Tòa án tinh, gọn, mạnh, hiệu quả
Tham gia đóng góp vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh - Đoàn Lào Cai nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, bỏ cấp trung gian, không tổ chức cấp huyện, tiến tới mô hình Tòa án theo khu vực.
"Việc sửa đổi lần này sẽ tạo hành lang pháp lý để xây dựng hệ thống Tòa án tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và sự phát triển mới của đất nước", ông Minh nhấn mạnh.
Đại biểu Hà Đức Minh cho biết, tại khoản 1 Điều 1 của dự án luật, đề nghị bổ sung quy định về tiêu chí thành lập, giải thể Tòa án nhân dân khu vực.
Ông Minh cho rằng, việc tổ chức Tòa án theo khu vực cần có căn cứ rõ ràng như số lượng vụ án trung bình hằng năm, dân số, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và các yếu tố liên quan khác. "Những tiêu chí này không chỉ giúp bảo đảm phân bổ nguồn lực hợp lý, mà còn ngăn ngừa việc tổ chức máy móc, hình thức, đồng thời tạo sự ổn định, đồng bộ trong hệ thống Tòa án, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp", đại biểu đoàn Lào Cai nêu.
Còn tại khoản 3 Điều 1 về sửa đổi, bổ sung Điều 46, đại biểu Hà Đức Minh đề nghị sửa đổi khoản 3a Điều 46 theo hướng bổ sung thẩm quyền phúc thẩm cả đối với vụ án hành chính.
Theo ông Minh, hiện nay, nhiều vụ án hành chính có tính chất phức tạp, liên quan đến quyền lợi công dân và doanh nghiệp, cần được xét xử ở cấp cao để bảo đảm tính khách quan, công bằng và bảo vệ quyền con người. Việc bổ sung này sẽ nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát và thống nhất áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử.
Đáng chú ý, tại thảo luận đại biểu Hà Đức Minh kiến nghị điều chỉnh thẩm quyền giữa các cấp Tòa án; giảm thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh và tăng thẩm quyền cho Tòa án khu vực, bao gồm cả các vụ án hình sự có mức hình phạt cao.
Đại biểu đoàn Lào Cai cho biết, hiện nay, đội ngũ Thẩm phán tại các Tòa án cấp huyện – sau này là Tòa án khu vực đã có nhiều người được bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp, đủ trình độ và năng lực xét xử những vụ án nghiêm trọng. "Việc phân cấp như vậy sẽ giảm tải cho Tòa án cấp tỉnh, nâng cao hiệu suất xử lý án và tạo điều kiện để người dân tiếp cận công lý ngay tại địa bàn cư trú. Trong trường hợp vụ án phức tạp, có thể biệt phái Thẩm phán cấp tỉnh xuống hỗ trợ xét xử", ông Minh nhấn mạnh.
.png)
Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao phải giải quyết vụ án trong thời hạn tối đa 6 tháng
Cũng tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước - đoàn Quảng Nam góp ý về sửa đổi, bổ sung Điều 1.
Ông Dương Văn Phước cho biết, tại khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 4 tổ chức và thẩm quyền thành lập, giải thể các Tòa án nhân dân.
Để đảm bảo hiệu quả hoạt động và phân bổ nguồn lực hợp lý đối với Tòa án nhân dân khu vực, Đại biểu đề xuất bổ sung một khoản quy định về tiêu chí để thành lập, giải thể Tòa án nhân dân khu vực đó là: Việc thành lập, giải thể Tòa án nhân dân khu vực phải dựa trên các tiêu chí cụ thể, bao gồm số lượng vụ án trung bình hàng năm, dân số khu vực, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, và các yếu tố liên quan khác, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết.
Góp ý tại khoản 6, Điều 1 dự thảo Luật quy định bổ sung Điều 49a về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Dương Văn Phước đề xuất thêm một khoản quy định “Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao phải hoàn thành việc xem xét và giải quyết vụ án trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày thụ lý, trừ trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định”. "Quy định như vậy nhằm tăng cường đảm bảo hiệu lực, hiệu quả tư pháp, tránh kéo dài thời gian xét xử các bản án, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp", ông Phước nói.
Tiếp tục góp ý tại khoản 25, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 128. Đại biểu đoàn Quảng Nam cho rằng, để tăng cường công tác đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động của Hội thẩm nhân dân trước khi tái bổ nhiệm cần bổ sung thêm một khoản vào điều này.
Cụ thể đó là: “Trước khi tái bổ nhiệm, Hội thẩm nhân dân phải được đánh giá về hiệu quả hoạt động, bao gồm mức độ tham gia xét xử, năng lực xét xử và việc tuân thủ thực hiện pháp luật, theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân khu vực”.