Tin tức

Đại biểu Quốc hội đề nghị loại nhà thầu kém, chống trục lợi chỉ định thầu

Hoàng Minh 24/05/2025 06:43

(CLO) Chiều ngày 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật quan trọng, gồm: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, nội dung liên quan đến lựa chọn và chỉ định nhà thầu tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Góp ý về Luật Đấu thầu, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho rằng việc sửa đổi là cần thiết, nhằm tăng tính chủ động cho các tổ chức, doanh nghiệp trong mua sắm công. Tuy nhiên, ông lưu ý quy định mới cần thống nhất với Điều 23 về chỉ định thầu trong dự thảo luật, nếu không sẽ tạo ra xung đột trong thực tiễn thực hiện. Đại biểu kiến nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chí định tính, định lượng trong lựa chọn nhà thầu để giảm thiểu tình trạng giao thoa phương thức lựa chọn không cần thiết.

Ông Thông cũng đề xuất bổ sung quy định xử lý nghiêm các nhà thầu chào giá thấp bất thường, có năng lực yếu, không đảm bảo chất lượng công trình, đồng thời loại bỏ các nhà thầu lợi dụng chỉ định thầu để trục lợi.

2.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Hòa phát biểu về Luật đấu thầu. Ảnh: TTXVN

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đồng tình với quy định trao quyền cho chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu phù hợp theo quy mô, tính chất từng gói thầu, nhưng nhấn mạnh cần kiểm soát chặt chẽ yếu tố năng lực và kinh nghiệm.

Ông Hòa phản ánh tình trạng tại một số địa phương, một nhà thầu duy nhất liên tục trúng thầu hàng chục dự án trong nhiều năm dù quy trình đấu thầu vẫn được tổ chức. Vì vậy, cần buộc địa phương chịu trách nhiệm về chất lượng công trình khi xảy ra hiện tượng chỉ định thầu tràn lan, thiếu minh bạch.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP.HCM) chỉ rõ bất cập khi áp dụng chỉ định thầu trong các gói thầu quy mô nhỏ (dưới 1 tỷ đồng) hoặc mua sắm dưới 500 triệu đồng, do thời gian đấu thầu kéo dài 3–4 tháng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án cấp bách. Ông đề nghị luật nên cho phép chỉ định thầu với các gói có thời gian thực hiện dưới 4 tháng để đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng cần quy định rõ ràng các trường hợp chỉ định thầu nhằm bảo vệ bí mật nhà nước, phục vụ yêu cầu cấp bách, khẩn cấp hoặc các dự án có tính đặc thù trong nghiên cứu, sản xuất mà chỉ có một đơn vị cung cấp phù hợp trên thị trường. Theo bà, những quy định này nếu không kiểm soát chặt sẽ phát sinh yêu cầu thẩm định phức tạp, nên cần bổ sung rõ trách nhiệm thẩm định và quyết định phê duyệt.

3.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Lưu Bá Mạc phát biểu đề nghị cơ quan soạn nghiên cứu quy định chỉ định thầu đối với các gói thầu mang tính đặc thù liên quan đến văn hóa, thể thao, du lịch Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) nêu vấn đề thực tiễn trong tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch – lĩnh vực có tính đặc thù cao, gắn với sáng tạo, bối cảnh riêng biệt từng địa phương.

Ông Mạc cho rằng việc đấu thầu công khai, rộng rãi hiện nay không phù hợp, thậm chí gây cản trở cho chất lượng chương trình nếu đơn vị trúng thầu không đáp ứng được yêu cầu nội dung, ý tưởng đã được duyệt. Vì vậy, ông kiến nghị luật cần cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với các sự kiện đặc thù này, để đảm bảo hiệu quả và sáng tạo nghệ thuật.

Các ý kiến cho thấy, việc sửa đổi luật cần vừa đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, minh bạch, vừa linh hoạt trong các trường hợp đặc thù, khẩn cấp. Đồng thời, phải có chế tài mạnh mẽ để ngăn chặn lợi dụng chỉ định thầu, nâng cao chất lượng và trách nhiệm trong đầu tư công.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đại biểu Quốc hội đề nghị loại nhà thầu kém, chống trục lợi chỉ định thầu
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO