Báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2017 do Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày nêu rõ, năm nay, công tác phòng, chống, tham nhũng đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt. Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra 6 hạn chế, yếu kém. Đó là, ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; tình trạng việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ vẫn còn xảy ra; một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm. Một số văn bản, đề án quan trọng phục vụ cho công tác phòng, chống, tham nhũng nhưng chậm được ban hành; việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật vẫn còn chậm...
Ngày 6/11, Quốc hội làm việc tại hội trường
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống, tham nhũng trong thời gian tới, Chính phủ xác định, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đưa nội dung phòng, chống, tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng về phòng, chống, tham nhũng. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế- xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Hoàn chỉnh dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét; tổng kết và sửa đổi Luật Thanh tra.
Báo cáo thẩm tra về nội dung này của Ủy ban Tư pháp nêu rõ, Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ các mặt về công tác phòng, chống, tham nhũng; nêu những ưu điểm, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục. Năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống, tham nhũng và đạt được kết quả trên nhiều mặt, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Thể chế về phòng, chống, tham nhũng tiếp tục được hoàn thiện; bộ máy nhà nước ngày càng được kiện toàn, hoạt động minh bạch, công khai hơn...
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, Báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác phòng, chống, tham nhũng năm 2017 và chưa nêu được một số chuyển biến nổi bật của công tác này so với năm 2016; chưa chỉ ra được cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm tốt và nhất là cơ quan, đơn vị, địa phương nào chưa làm tốt công tác phòng, chống, tham nhũng; chưa đề ra giải pháp mang tính đột phá và lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế của công tác phòng, chống, tham nhũng đã tồn tại qua nhiều năm.
Về kê khai tài sản, thu nhập, số người đã kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn (1.113.422 người), nhưng chỉ xác minh đối với 78 người (giảm 81,4% so với năm 2016), kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm. Thực trạng trên cho thấy biện pháp phòng ngừa này còn hình thức, hiệu quả thấp…
Để khắc phục tình trạng này, Ủy ban Tư pháp đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần quy định một cách đầy đủ, toàn diện hơn về các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai không trung thực. Năm 2018, Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục chú trọng phòng, chống tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trong đó tập trung vào việc nhận diện, chỉ ra những biểu hiện cụ thể của loại hình tham nhũng này để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng lớn…
Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu đánh giá cao và bày tỏ sự đồng thuận về những kết quả đạt được trong năm vừa qua về công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đã bày tỏ sự băn khoăn đồng thời chỉ rõ những bất cập của công tác này như tỷ lệ án tham nhũng phải trả lại nhiều để điều tra bổ sung, tính tự phát hiện tham nhũng ở địa phương còn bất cập, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, vừa qua, chúng ta đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng, tạo niềm tin ở nhân dân, tuy nhiên, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm do cơ quan điều tra Trung ương xét xử. Trong khi đó, dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về tình hình tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý. “Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này, hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu “khép kín nội bộ”, “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”…, đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu câu hỏi.
Để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2018, một số đại biểu kiến nghị những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, như: hoàn thiện pháp luật; tăng cường năng lực các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, đào tạo kiến thức về đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân hàng cho cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường hiệu quả thanh tra, công khai minh bạch kết quả thanh tra, kiểm tra để Nhân dân giám sát; chế độ lương, chính sách đãi ngộ, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức…
PV