Đại biểu Quốc hội: Nhiều vụ bạo hành trẻ em có sự dung túng, tiếp tay bởi chính những người ruột thịt

Thứ ba, 14/06/2022 17:45 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho biết, nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, cha mẹ ly hôn, ly thân, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ. Đáng lên án, nhiều vụ bạo hành nhưng có sự dung túng, tiếp tay bởi chính những người ruột thịt các em.

Theo đó, chiều nay (14/6), tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Bạo hành trẻ em do chính những người thân gây ra chiếm tới 75%

Góp ý vào vấn đề phòng chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã nêu 5 nội dung đóng góp cho dự thảo Luật.

Thứ nhất, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, thời gian qua số vụ bạo hành trẻ, số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Năm 2021, theo thống kê của Bộ Công an, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, hầu hết do chính người thân trong gia đình gây ra. Con số này cũng trùng khớp với thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em. Trong tổng số cuộc gọi liên quan đến bạo hành trẻ em thì do chính những người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 75 %.

"Nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, cha mẹ ly hôn, ly thân, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ. Đáng lên án là nhiều vụ bạo hành nhưng có sự dung túng, tiếp tay bởi chính những người ruột thịt các em. Nhiều em đã phải chịu những nỗi đau chằng chịt cả trên cơ thể và trong tâm hồn. Thương tâm hơn, nhiều em vì bạo hành mà đã vĩnh viễn mất đi cuộc sống", đại biểu nói.

dai bieu quoc hoi nhieu vu bao hanh tre em co su dung tung tiep tay boi chinh nhung nguoi ruot thit hinh 1

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên thảo luận.

Thứ hai, đặc điểm của bạo lực gia đình xảy ra đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình, do đó rất khó phát hiện. Hơn thế nữa, nạn nhân bị bạo hành lại là trẻ em nên khó có khả năng phản ánh, phản ứng, dẫn đến thời gian qua xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, bị bạo hành trong một thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi các em đã được đưa đến viện trong tình trạng đã tử vong hoặc nguy kịch đến tính mạng.

"Ví dụ hai vụ bạo hành gần đây gây chấn động như vụ bạo hành bé gái 8 tuổi ở TPHCM được đưa đến viện trong tình trạng đã tử vong, vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội được đưa đến viện trong tình trạng có 39 chiếc đinh găm vào đầu", đại biểu Nguyễn Thị Thủy lấy ví dụ và phân tích, một trong những nguyên nhân quan trọng đó là do pháp luật còn thiếu hoàn thiện, chưa thật sự phù hợp, nhất là còn thiếu những quy định để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Bạo hành trẻ em cũng tiến hành hòa giải là chưa phù hợp

Thứ ba, theo đại biểu Đoàn Bắc Kạn, phòng, chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật này, vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật trẻ em. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải tính toán mức độ điều chỉnh phù hợp để phù hợp với nhiệm vụ của từng luật để có thêm công cụ bảo vệ hiệu quả trẻ em trong môi trường gia đình, nhưng tránh sự chồng lấn, sự mâu thuẫn giữa hai luật này.

Thứ tư, về biện pháp hòa giải vụ việc bạo lực gia đình. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, tại Điều 21 dự thảo luật quy định biện pháp hòa giải không chỉ được áp dụng đối với các tranh chấp, các mâu thuẫn trong gia đình như luật hiện hành, mà còn được áp dụng cả đối với các vụ việc bạo lực gia đình. Đại biểu cho rằng, trong nhiều trường hợp việc bổ sung như dự thảo luật là cần thiết, tuy nhiên, đối với trường hợp bạo hành trẻ em cũng tiến hành hòa giải là chưa phù hợp vì đây là những đối tượng đặc biệt cần phải có sự bảo vệ đặc biệt.

Đại biểu đề nghị sửa lại quy định này theo hướng: Đối với trường hợp bạo hành trẻ em mà đến mức phải xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính cần áp dụng biện pháp tương xứng. Trường hợp mà chưa đến mức hình sự hoặc chưa đến mức hành chính thì cần phải áp dụng biện pháp góp ý, phê bình quy định tại Điều 23 của dự thảo luật để kịp thời cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn chủ trì để kịp thời ngăn ngừa bạo lực trẻ em tiếp diễn mà không nên cho hòa giải đối với trường hợp này…

dai bieu quoc hoi nhieu vu bao hanh tre em co su dung tung tiep tay boi chinh nhung nguoi ruot thit hinh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị dự án luật rất công phu, nghiêm túc, việc tổng kết thực tiễn và nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài được tiến hành kĩ lưỡng với nhiều thông tin phong phú.

Thứ năm, về biện pháp cấm tiếp xúc. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, tại Điều 33 dự thảo luật quy định Chủ tịch UBND cấp xã có quyền ra lệnh áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong trường hợp bạo lực với người lớn. Còn trẻ em áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo Luật Trẻ em. Qua rà soát Luật Trẻ em không thấy có biện pháp cấm tiếp xúc, tuy nhiên, trong Luật Trẻ em có biện pháp tạm thời cách ly trẻ khỏi gia đình và điều kiện để được áp dụng biện pháp này thì Luật Trẻ em quy định là chỉ trong trường hợp trẻ em bị bạo hành bởi chính cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ. Cũng theo Luật Trẻ em cũng định nghĩa rất rõ người chăm sóc trẻ em gồm 3 trường hợp: Người giám hộ, người được giao chăm sóc thay thế và người được giao trách nhiệm phối hợp với cha mẹ chăm sóc trẻ.

"Như vậy, đối chiếu với những trường hợp trẻ em bị bạo hành trong thời gian vừa qua do các đối tượng là chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ gây ra thì vừa không thuộc trường hợp được áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, vừa không được áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ theo Luật Trẻ em. Đây là một khoảng trống của pháp luật cần phải rà soát để bổ sung ngay trong Luật này để kịp thời bảo vệ trẻ em", bà Thủy nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, một tiếng kêu cứu của trẻ em, dù bất cứ nơi đâu cũng đều thuộc trách nhiệm của tất cả chúng ta và để việc vào cuộc không bao giờ muộn, trước hết pháp luật phải rõ ràng về trách nhiệm và đầy đủ các biện pháp khả thi và các biện pháp bảo vệ trẻ em cần được quy định mức độ cao hơn và sớm hơn. Do đó, đại biểu kiến nghị 3 giải pháp:

Một là, kiến nghị rà soát để khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và trong Luật trẻ em. 

Thứ hai, kiến nghị bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Thứ ba, kiến nghị đối với biện pháp cấm tiếp xúc, đề nghị áp dụng cả đối với trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian chờ Chủ tịch UBND xã, cấp xã lập hồ sơ để đề nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ khỏi gia đình.

Cần phải có sự đột phá trong các giải pháp bảo vệ, hỗ trợ trẻ em

dai bieu quoc hoi nhieu vu bao hanh tre em co su dung tung tiep tay boi chinh nhung nguoi ruot thit hinh 3

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Tranh luận tại thảo luận, bày tỏ tán thành với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, khoản 2, Điều 4 của dự thảo Luật quy định: Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa đủ, chưa bao quát phản ánh hết các thực tế về bạo lực gia đình. Nêu thực tiễn về nhiều vụ việc đau lòng khi chính cha ruột, bố dượng, mẹ kế, người yêu của những người đã ly hôn gây ra cho con riêng của vợ, của chồng hoặc con, của người yêu, đại biểu cho rằng cần phải điều chỉnh hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều 4 cũng được áp dụng đối với thành viên trong gia đình của những người đã ly hôn.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng quy định người sống với nhau như vợ chồng tại khoản 2, Điều 4 cũng cần phải xem xét lại cho phù hợp với thực tế hiện nay tại Việt Nam. Theo đó, để đảm bảo công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đại biểu cho rằng khoản 2, Điều 4 cần phải điều chỉnh lại là hành vi bạo lực quy định tại Khoản 1 điều này còn được áp dụng đối với những người chung sống với nhau khi họ xác định có sự liên kết, gắn bó và trách nhiệm với nhau.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần phải có sự đột phá trong các giải pháp để có thể bảo vệ, hỗ trợ trẻ em một cách đặc thù, không chỉ đưa ra những quy định chung chung.

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Lập Tổ công tác xây dựng Đề án đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

Lập Tổ công tác xây dựng Đề án đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

(CLO) Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi vừa ký Quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án “Xây dựng Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao".

Tin tức
Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng "chỉ khi nào công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp lại thì mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế".

Tin tức
Quận Hoàng Mai lựa chọn được nhà thầu các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng

Quận Hoàng Mai lựa chọn được nhà thầu các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng

(CLO) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 5 gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị của các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng.

Tin tức
Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

(CLO) Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Thành phố.

Tin tức
Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

(CLO) Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của trung ương, tỷ lệ này là trên 90%.

Tin tức