(congluan.vn) – Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung đã được thể hiện trong Báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần khẳng định rõ hơn về vai trò của Quốc hội và đại biểu Quốc hội được quy định trong luật.
Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội thành 16 điều tương ứng với 3 chức năng của Quốc hội là lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đã được ghi nhận tại Điều 69 và Điều 70 của Hiến pháp.
Đại biểu Đỗ Văn Đương phát biểu tại nghị trường - Ảnh: Ngọc Thắng/Thanh niên
Cho rằng chức năng bảo hiến của Quốc hội trong luật chỉ được đề cập rất mờ nhạt, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị, Luật Tổ chức Quốc hội cần quy định rõ chức năng bảo hiến của hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, Quốc hội giữ trọng trách quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước, tuy nhiên những quyết định này chưa được thể hiện một cách rõ nét, chưa phát huy được thế mạnh, vai trò là cơ quan dân cử. Đặc biệt là quyết định phân bổ ngân sách nhà nước. Trong những năm qua việc quyết định ngân sách và phân bổ ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định còn mang tính chung chung, hình thức.
"Luật Tổ chức Quốc hội cần đổi mới về thẩm quyền phân bổ ngân sách của Quốc hội để khẳng định rõ vai trò của Quốc hội - cơ quan đại diện của nhân dân và trở thành chủ nhân thực sự phân bổ đồng tiền do người dân đóng góp" - Đại biểu Huỳnh Nghĩa ý kiến.
Cũng theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, việc phân bổ ngân sách hàng năm phải được bàn bạc trên cơ sở kèm theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh được những ưu tiên trong phát triển kinh tế. Thảo luận về ngân sách phải gắn với thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Đồng thời phải tăng cường năng lực của Quốc trong việc thẩm tra về ngân sách, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội phải mang tính định hướng chỉ ra cho đại biểu Quốc hội thấy rõ sự cần thiết về các khoản chi ngân sách trong từng lĩnh vực.
Bàn về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng quy định trong dự thảo luật về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội còn chung chung, gần giống với tiêu chuẩn của cán bộ công chức. Đại biểu đề xuất cần bổ sung quy định đại biểu Quốc hội phải trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích nhân dân để khi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước phải trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc để quyết định.
Đại biểu cũng cho rằng quy định về trình độ năng lực của đại biểu Quốc hội vẫn chưa cụ thể và đề nghị cần ghi rõ trong dự thảo là đại biểu Quốc hội phải có chính kiến, có năng lực đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân; dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đánh giá số lượng đại biểu Quốc hội nữ chưa đạt tỷ lệ và giảm dần đều qua các nhiệm kỳ. Để khắc phục tình trạng này, theo đại biểu cần bổ sung vào Điều 23 quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội mỗi giới không quá 65% để chủ động chuẩn bị ứng cử viên. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách, nữ ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nữ đại biểu Quốc hội trong các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình với dự thảo Luật quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội để phù hợp với điều kiện thực tế của Quốc hội Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ cụ thể đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương hay ở địa phương sẽ tùy thuộc vào yêu cầu công tác và thực tế hoạt động của Quốc hội trong từng thời gian, từng nhiệm kỳ cụ thể.
“Cần nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, mỗi đoàn đại biểu phải có ít nhất hai đại biểu hoạt động chuyên trách” - Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị.
Về Đoàn đại biểu Quốc hội (Điều 43), trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã thể hiện rõ hơn vị trí của Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương hoặc được chuyển đến địa phương công tác.
Theo đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên- Huế), trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) quy định nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức các hoạt động của đại biểu Quốc hội, như tiếp công dân, thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác, tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương...
Đại biểu nhận xét dự thảo luật vẫn còn thiếu chức năng giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu không quy định chức năng giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội là chưa phù hợp.
Đồng quan điểm với đại biểu Đồng Hữu Mạo, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng cho rằng không nên hạn chế về nhiệm vụ giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu cần có quy định Đoàn đại biểu Quốc hội cũng được ban hành các văn bản theo quy định pháp luật. Đánh giá giá trị thực tế hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương rất lớn, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) đề nghị cần cụ thể hóa hơn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội trong dự thảo luật.
Theo đại biểu, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nhưng Điều 43 dự thảo luật quy định: “Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội” là chưa rõ. Theo đại biểu nên quy định cụ thể Đoàn đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ quyền hạn như một cơ quan của Quốc hội ở địa phương.
Cũng trong buổi thảo luận hôm nay, nhiều đại biểu tán thành thiết lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội như dự thảo. Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), chức danh Tổng thư ký Quốc hội đáp ứng được nhu cầu hoạt động của Quốc hội và phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn liền với thiết chế văn phòng Quốc hội. Chức danh Tổng thư ký giúp việc cho Chánh văn phòng Quốc hội và Ban thư ký là một tập thể do vậy không thể quyết định thay cho Tổng thư ký trong trường hợp tổng thư ký vắng mặt. Đại biểu Tô Văn Tám cũng đề nghị cần có chức danh Phó tổng thư ký Quốc hội để giúp việc cho Tổng thư ký.
Tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám cũng lưu ý, Luật cần quy định theo hướng Văn phòng Quốc hội không phải là cơ quan hành chính nhà nước vì cơ quan hành chính nhà nước có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong khi đó Văn phòng Quốc hội không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cho nên chỉ quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan tham mưu, tổng hợp phục vụ cho Quốc hội.