Đại học Luật Hà Nội cần triển khai tinh thần tự chủ, là trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật

10/11/2019 21:54

(CLO) Hôm nay (10/11), tại Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (10/11/1979 — 10/11/2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Dự buổi lễ còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, địa phương, các đơn vị đối tác trong và ngoài nước; các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên nhà trường.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đại học Luật Hà Nội. Ảnh VGP

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đại học Luật Hà Nội. Ảnh VGP

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận và biểu dương những kết quả tích cực và đóng góp to lớn của nhà trường trong công tác đào tạo cán bộ về pháp luật cho đất nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng, chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ pháp luật trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Trong giai đoạn phát triển mới, hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những biến chuyển ngày càng nhanh của các quan hệ xã hội, kinh tế, dân sự, nhiệm vụ cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hết sức quan trọng, đòi hỏi đổi mới cách tiếp cận, tư duy pháp lý trong đào tạo, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn trước mắt và tương lai.

Điều này đòi hỏi Đại học Luật Hà Nội triển khai tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị đại học để đẩy nhanh tiến trình trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và truyền bá khoa học pháp lý trong điều kiện mới theo tinh thần các Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của trường. - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của trường. - Ảnh: VGP

Thời gian tới, Đại học Luật Hà Nội cần xác định rõ chiến lược, vị trí, vai trò là cơ sở đào tạo, nghiên cứu cơ bản về pháp luật hàng đầu ở Việt Nam, góp phần quan trọng cung cấp số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cải cách tư pháp, đồng thời phục vụ nhu cầu đào tạo cán bộ pháp luật cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Trường cần nỗ lực hơn nữa, xác định rõ mục tiêu, xây dựng kế hoạch cụ thể, giải pháp mạnh mẽ, sáng tạo và đột phá để có xếp hạng tương xứng với năng lực, tầm vóc ở trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với đó, nhà trường cần tiếp tục khẳng định và giữ vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển khoa học pháp lý; hình thành trường phái nghiên cứu khoa học pháp lý với những thế mạnh sẵn có. Chủ động, tích cực, phối hợp với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo khác để triển khai các nghiên cứu khoa học pháp lý cơ bản, nghiên cứu vượt trước làm tiền đề cho việc xây dựng và hoạch định chính sách, chiến lược lớn. Đồng thời, tiếp tục chú trọng các nghiên cứu phục vụ công tác xây dựng, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; các nghiên cứu, công bố quốc tế nhằm chia sẻ, truyền bá kết quả phát triển khoa học pháp lý trong nước; nghiên cứu pháp lý phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền quốc gia, thực hiện các cam kết và hội nhập quốc tế.

PV

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đại học Luật Hà Nội cần triển khai tinh thần tự chủ, là trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO