Đại học Y Dược TP HCM giảm mạnh điểm sàn
(CLO) Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh vừa công bố mức điểm sàn xét tuyển năm 2025 với nhiều thay đổi đáng chú ý: điểm sàn giảm mạnh còn từ 17 đến 22 điểm, đồng thời mở thêm ngành học mới, mở rộng tổ hợp xét tuyển.

Theo thông báo của nhà trường, điểm sàn xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay giảm trung bình 2 điểm so với năm ngoái.
Cụ thể: Ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt vẫn dẫn đầu về mức điểm sàn, ở mức 22 điểm. Y học cổ truyền và Dược học nhận hồ sơ từ 19 điểm. Tất cả các ngành còn lại, bao gồm Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học… đều có điểm sàn 17 điểm.

Điểm sàn nêu trên là tổng điểm của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển, bao gồm cả điểm ưu tiên, không cộng điểm khuyến khích.
Điểm chuẩn các năm gần đây của khối ngành Y – Dược vốn được xem là “trên trời”, thường dao động 25–28 điểm, khiến không ít thí sinh e ngại.
Tuy nhiên, năm 2025, xu hướng “giảm nhiệt” thể hiện rõ số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển khối B00 (Toán, Hóa, Sinh) tổ hợp chủ lực cho các ngành Y – Dược giảm mạnh.Điểm trung bình của khối B năm nay thấp hơn khoảng 2 điểm so với năm ngoái, theo dữ liệu phân tích từ Bộ GD&ĐT.
Tình trạng này buộc các trường Y lớn phải linh hoạt điều chỉnh điểm sàn để đảm bảo nguồn tuyển, đồng thời mở rộng thêm tổ hợp xét tuyển để không bỏ lỡ thí sinh tiềm năng từ các khối khác.
Điểm sáng đáng chú ý trong kỳ tuyển sinh năm nay là việc trường chính thức mở ngành Công tác xã hội lần đầu tiên xuất hiện trong hệ thống đào tạo của một trường chuyên về y khoa.
Đặc biệt, ngành mới này sử dụng tới 4 tổ hợp xét tuyển: B00 (Toán, Hóa, Sinh), A00 (Toán, Lý, Hóa), B03 (Toán, Sinh, Ngữ văn), B08 (Toán, Sinh, Tiếng Anh).
Việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển cho ngành học tại trường Y được xem là thay đổi táo bạo, mang tính gợi mở về một hướng đi mới, đặt trọng tâm hơn vào kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp và hiểu con người – những phẩm chất thiết yếu trong công tác xã hội y tế.
Tuy nhiên, từ năm 2026, tổ hợp A00 sẽ không còn được sử dụng để xét tuyển ngành này.
Năm 2025, Trường Đại học Y Dược TP HCM dự kiến tuyển 2.576 sinh viên, tăng 70 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trong đó: Ngành Y khoa vẫn là ngành chủ lực với chỉ tiêu cao nhất 420 sinh viên. Các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Y tế công cộng… giữ ổn định chỉ tiêu nhưng giảm điểm sàn nhằm mở rộng cơ hội cho các thí sinh ở vùng khó khăn.
Đây được xem là tín hiệu tích cực giúp đa dạng hóa nguồn tuyển và giảm bớt áp lực cho thí sinh yêu thích ngành y nhưng không có điều kiện học thêm luyện thi.
Nhiều quốc gia phát triển như Đức, Úc, Pháp, Nhật Bản không đặt nặng điểm chuẩn quá cao cho ngành y. Thay vào đó, họ tập trung: Kiểm tra năng lực chuyên biệt, tư duy phản biện; phỏng vấn đánh giá đạo đức, động cơ học ngành y; khả năng thực hành, thái độ với người bệnh.
Tại Úc, bài thi GAMSAT hay UMAT đánh giá khả năng suy luận logic, hiểu biết khoa học và kỹ năng giao tiếp – chứ không chỉ dựa vào điểm học bạ hay điểm thi THPT. Còn tại Nhật Bản, nhiều trường y tổ chức phỏng vấn riêng, thậm chí thi thực hành lâm sàng đơn giản.
Điều này gợi mở rằng: điểm thi cao không phải là tiêu chí duy nhất, mà việc đào tạo, sàng lọc trong quá trình học và thực hành mới quyết định chất lượng bác sĩ tương lai.