Kinh tế

Đại lý ô tô thu thêm phí phát sinh các dòng xe 'hot' có thể vi phạm pháp luật

Việt Vũ 14/05/2025 08:14

(CLO) Trong thời gian qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương ghi nhận thông tin phản ánh liên quan đến việc người tiêu dùng phải trả thêm chi phí không chính thức khi mua ô tô, đặc biệt đối với các dòng xe khan hiếm trên thị trường.

Nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lưu ý, cảnh báo người dân tình trạng phát sinh chi phí không chính thức trong giao dịch mua bán xe ô tô.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, tình trạng các đơn vị kinh doanh ô tô thu thêm các khoản phí không chính thức đối với những mẫu xe được ưa chuộng hoặc khan hiếm hiện đang diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau.

hyundaikona-1596303603319-9036-1597115160_860x0.jpg
Đại lý ô tô thu thêm phí phát sinh các dòng xe 'hot' có thể vi phạm pháp luật. (Ảnh minh họa/DFC)

Theo đó, sau khi thông báo về tình trạng khan hiếm của xe, nhân viên bán hàng có thể trực tiếp đề nghị khách hàng trả thêm một khoản chi phí đáng kể để nhân viên hỗ trợ ưu tiên giữ chỗ hoặc mua xe sớm. Trong một số trường hợp, nhân viên có thể đề nghị khách hàng đặt cọc một khoản tiền để hỗ trợ đăng ký mua xe sớm, tuy nhiên, nhân viên không giải thích rõ bản chất của việc đặt cọc, dẫn đến khách hàng nhầm lẫn về việc đặt cọc để mua xe.

Cần lưu ý là tất cả các khoản chi phí trên đều là giao dịch trực tiếp giữa nhân viên và khách hàng, không có chứng từ giao dịch và không có xác nhận pháp lý của đơn vị bán hàng.

Bên cạnh hiện tượng trả thêm chi phí nêu trên, trong giao dịch mua bán ô tô cũng thường xảy ra tình trạng nhân viên gợi ý hoặc ép buộc khách mua thêm các phụ kiện, dịch vụ (ví dụ dịch vụ bảo hiểm xe) để được ưu tiên mua xe sớm. Chi phí mua thêm này thường cao hơn mặt bằng thị trường.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho rằng, đối với doanh nghiệp, hành vi giao dịch nhưng không cung cấp bằng chứng giao dịch hoặc ép buộc, yêu cầu người tiêu dùng mua thêm phụ kiện, dịch vụ là hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, tại điểm k khoản 1 Điều 10 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng;

Điều 29 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng.

Trường hợp có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện các hành vi nêu trên, cơ quan chức năng có thể tiến hành xem xét, xử lý vi phạm theo quy định về pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với người tiêu dùng, việc thực hiện giao dịch trực tiếp với nhân viên nêu trên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Cụ thể, đã xảy ra tình trạng nhân viên chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng hoặc thường gặp hơn là trường hợp người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc nhận lại tiền đặt cọc do nhân viên cố tình kéo dài thời gian giải quyết.

Vấn đề này không chỉ phát sinh thời gian chờ đợi mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch mua xe, lợi ích tài chính của người tiêu dùng do số tiền đặt cọc bị chiếm giữ trong thời gian dài.

Quan trọng hơn, khi người tiêu dùng và nhân viên đại lý không thể thống nhất giải quyết vấn đề thì người tiêu dùng thường không có đủ căn cứ để đưa vụ việc ra cơ quan chức năng do không có đủ bằng chứng để chứng minh giao dịch.

Ngay cả đại lý bán hàng cũng có thể từ chối tiếp nhận và giải quyết vấn đề của người tiêu dùng do không có bằng chứng liên quan đến trách nhiệm của đại lý.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đại lý ô tô thu thêm phí phát sinh các dòng xe 'hot' có thể vi phạm pháp luật
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO