Xã hội

Đắk Lắk kích hoạt khẩn cấp ứng phó bệnh "vi khuẩn ăn thịt người"

Văn Hiền 12/07/2025 12:30

(CLO) Sau khi ghi nhận hai ca mắc bệnh Whitmore (hay còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người"), ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã khẩn trương kích hoạt các biện pháp phòng, chống nhằm ngăn ngừa dịch lan rộng trong cộng đồng.

Ngày 12/7, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk phát đi công văn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với bệnh Whitmore – căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.

Ông Hoàng Nguyên Duy, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk nhấn mạnh: “Do bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, dễ nhầm lẫn và khó chẩn đoán, nên khi có ca nghi ngờ, cần tổ chức hội chẩn chuyên khoa, liên khoa hoặc liên viện để đưa ra hướng điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng”.

Ảnh màn hình 2025-07-12 lúc 11.35.03
Bệnh nhân mắc bệnh Whitmore được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Các cơ sở y tế cũng được yêu cầu chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, trang thiết bị cấp cứu và tổ chức thu dung, điều trị tích cực cho bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tử vong. Đồng thời, y tế cơ sở phải đẩy mạnh công tác phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Trước đó, ngành y tế địa phương xác nhận 2 trường hợp dương tính với bệnh Whitmore gồm ông B.I.C (sinh năm 1970, trú tại xã Ea M’Đroh, huyện Cư M’gar) và ông D.L.M (sinh năm 1960, trú xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông).

Bác sĩ H'Nuen Hđớk, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Cả hai bệnh nhân đã được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế và hiện sức khỏe đều đã ổn định.

Trước diễn biến trên, Sở Y tế đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh thành lập các đoàn công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các địa bàn có nguy cơ cao, đồng thời hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới khi cần thiết.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước nhiễm vi khuẩn qua vết thương hở, đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Bệnh có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng máu và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Dù không lây từ người sang người, nhưng Whitmore từng gây tử vong ở nhiều địa phương do bị chẩn đoán nhầm hoặc điều trị muộn. Bộ Y tế từng cảnh báo bệnh thường bùng phát vào mùa mưa, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung.

Hiện ngành Y tế Đắk Lắk tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình, khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người làm nông nghiệp, cần trang bị bảo hộ khi làm việc và đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng bất thường như sốt cao kéo dài, nhiễm trùng không rõ nguyên nhân.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Lắk kích hoạt khẩn cấp ứng phó bệnh "vi khuẩn ăn thịt người"
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO