Nhà báo Trần Thúy Ngọc – Đài Tiếng nói Việt Nam:

Đảm bảo tính thuyết phục với lập luận chính xác - chính xác đến từng câu chữ

Chủ nhật, 02/01/2022 09:15 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) "Tác phẩm của chúng tôi mang tính đấu tranh pháp lý, ở góc độ nào đó có thể “kén” người theo dõi. Nhưng chúng tôi có một niềm tin lớn hơn rằng, với mỗi người Việt Nam, câu chuyện về chủ quyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt”.

Nhà báo Trần Thúy Ngọc - đồng tác giả tác phẩm xung quanh “cuộc chiến pháp lý chưa từng có tiền lệ trên biển Đông” - giải B Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - chia sẻ với Nhà báo & Công luận.

Cuộc chiến pháp lý chưa từng có tiền lệ trên Biển Đông

+ Tác phẩm “Cuộc tranh luận công hàm tại Liên hợp quốc về Biển Đông: Chiến lược Tứ Sa và những tính toán nguy hiểm của Trung Quốc” của nhóm tác giả Vũ Hồ Điệp, Trần Thúy Ngọc, Phan Thanh Tùng, Đỗ Việt Nga - Đài Tiếng nói Việt Nam đoạt giải B Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV đã chọn một vấn đề rất nóng được báo chí trong và ngoài nước đồng loạt phản ánh. Nhóm tác giả đã có những thuận lợi và thách thức như thế nào trong thực hiện, thưa chị?

- Đúng như chị đề cập, loạt bài “Cuộc tranh luận công hàm tại Liên hợp quốc về Biển Đông: Chiến lược Tứ Sa và những tính toán nguy hiểm của Trung Quốc” là chủ đề nóng được báo chí trong và ngoài nước đồng loạt phản ánh, xuất phát từ diễn biến rất nổi bật trong năm 2020, đó là việc hơn 20 quốc gia gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc trong chiến lược Tứ Sa, tạo thành một cuộc chiến pháp lý chưa từng có tiền lệ trên Biển Đông. Việc có được chất liệu tốt như vậy là thuận lợi rất lớn của nhóm. Dù vậy, đó cũng là thách thức để làm sao tìm được góc tiếp cận  mới cho một đề tài không mới, không những vậy phải đảm được tính thuyết phục với những luận điểm, luận cứ có sức nặng. Và cũng chính vì Biển Đông là một chủ đề nhạy cảm nên đòi hỏi chúng tôi phải rất tiết chế về ngôn ngữ, về mức độ nặng - nhẹ, ngay cả thời điểm phát sóng cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng để mang lại hiệu ứng cao nhất. Để vượt qua khó khăn này không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm của các thành viên trong nhóm, mà còn có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ban Thời sự (VOV1), lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, sự tham vấn, hỗ trợ nhiệt tình của các chuyên gia cả về pháp lý và ngoại giao.

dam bao tinh thuyet phuc voi lap luan chinh xac  chinh xac den tung cau chu hinh 1

Nhà báo Thúy Ngọc và nhà báo Hồ Điệp trong buổi phát sóng chương trình.

+ Tác phẩm này mang tính đấu tranh pháp lý, ở góc độ nào đó có lẽ khá “kén” người theo dõi. Điều ấy có từng là những trăn trở của nhóm tác giả khi lựa chọn vấn đề không, thưa chị?

- Tác phẩm của chúng tôi mang tính đấu tranh pháp lý, ở góc độ nào đó có thể “kén” người theo dõi – ý kiến đó thực sự chúng tôi cũng từng nghĩ tới. Nhưng chúng tôi có một niềm tin lớn hơn rằng, với mỗi người Việt Nam, câu chuyện về chủ quyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt, câu chuyện mà có lẽ ai cũng muốn mình sẽ là một phần trong đó, được đóng góp sức mình theo một cách nào đó – dù là nhỏ trong một hành trình cam go và lâu dài. Với niềm tin đó, chúng tôi cố gắng luận giải vấn đề một cách cụ thể, chi tiết, logic và dễ hiểu nhất, đồng thời vẫn đảm bảo tính thuyết phục với những lập luận chính xác - chính xác đến từng câu chữ, từng thuật ngữ trong các văn bản luật pháp quốc tế cũng như trong công hàm của các quốc gia gửi lên Liên hợp quốc.

Phân tích, luận giải, làm rõ chiến lược nguy hiểm của Trung Quốc

+ Và với niềm tin ấy, nhóm tác giả đã có phương án tác nghiệp như thế nào để đạt hiệu quả, thưa chị?

- Chúng tôi đã phân công tìm kiếm các tài liệu liên quan với khối lượng khá đồ sộ, trong đó có các văn bản của phía Trung Quốc như Công hàm số CML/14/2019 chính thức nhắc đến khái niệm Tứ Sa, bộ tài liệu dày 500 trang của Hội Luật quốc tế Trung Quốc có tên gọi là “Phán quyết Biển Đông: Một nghiên cứu quan trọng” (South China Sea Arbitration Awards: A Critical Study), hơn 20 công hàm của các nước gửi lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Đặc biệt, chúng tôi phải tìm kiếm cả các tài liệu ghi lại quá trình đàm phán Công ước này suốt từ năm 1973 để làm rõ những quan điểm nhất quán ngay từ đầu của các quốc gia, trong đó bác bỏ các ý tưởng về “quần đảo ngoài khơi của quốc gia lục địa” – ý tưởng cốt lõi mà Trung Quốc vin vào nhằm tiến tới việc vẽ đường cơ sở thẳng cho cái mà Trung Quốc gọi là Tứ Sa, từ đó đưa ra yêu sách phi lý đối với vùng nước rộng hơn cả vùng nước trong Đường 9 đoạn.

dam bao tinh thuyet phuc voi lap luan chinh xac  chinh xac den tung cau chu hinh 2

Nhà báo Hồ Điệp và nhà báo Thúy Ngọc trao đổi triển khai kế hoạch tác nghiệp.

Sau đó, chúng tôi tiến hành tham vấn, phỏng vấn rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế chuyên nghiên cứu về Biển Đông để phân tích, luận giải, làm rõ chiến lược nguy hiểm của Trung Quốc, đó là sử dụng chính ngôn ngữ của luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 để thúc đẩy chiến lược Tứ Sa. Chúng tôi phải làm rõ Trung Quốc đang “lập lờ đánh lận con đen” như thế nào, đang cố tình diễn giải sai luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho Trung Quốc như thế nào để đưa vào loạt 4 bài của tác phẩm “Cuộc tranh luận công hàm tại Liên  hợp quốc, chiến lược Tứ Sa và những tính toán nguy hiểm của Trung Quốc”.

+ Nhóm thực hiện đề tài gồm 4 người công tác tại 3 địa bàn khác nhau là Hà Nội, thành phố Sydney (Australia) và New Dehli (Ấn Độ). Nhóm đã phối hợp như thế nào để tác phẩm được hoàn thiện đúng tiến độ, thưa chị?

- Trong nhóm có 2 phóng viên đang đảm nhận vị trí Trưởng Đại diện cơ quan thường trú Đài TNVN tại nước ngoài là phóng viên Việt Nga, Trưởng Đại diện Cơ quan TT Đài TNVN tại Australia và phóng viên Phan Tùng, Trưởng Đại diện Cơ quan TT Đài TNVN tại Ấn Độ. Điều này giúp chúng tôi có thể tiếp cận được nhiều chuyên gia quốc tế, từ đó thu thập được nhiều ý kiến với các góc nhìn đa dạng, khách quan, chất lượng, giúp chúng tôi có thể hoàn thành tác phẩm theo đúng định hướng ban đầu. Cũng cần nhắc tới rằng Australia và Ấn Độ đều có những lợi ích chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bởi vậy, quan điểm của các chuyên gia tại hai địa bàn này tiệm cận rất sát với ý tưởng mà nhóm dự định triển khai.

Tôi muốn chia sẻ rằng cả chị Việt Nga và anh Phan Tùng trước khi đảm nhiệm vị trí Trưởng đại diện Cơ quan thường trú Đài TNVN tại Australia và Ấn Độ đều công tác tại Phòng Thời sự Quốc tế, Ban Thời sự (VOV1). Chúng tôi đã có thời gian dài làm việc cùng với nhau, hiểu tính cách của nhau, hiểu phong cách làm việc, cách suy nghĩ của nhau, vì vậy quá trình hợp tác cùng nhau khi triển khai loạt bài này rất thuận lợi. Trên thực tế, các thành viên trong nhóm trước đây cũng từng cùng nhau thực hiện một số loạt bài và đạt giải trong các Giải Báo chí Quốc gia và Giải Thông tin đối ngoại. Vì vậy việc tiếp tục làm việc nhóm lần này cũng có nhiều thuận lợi. 

+ Quả thực điều đáng nể nhất trong loạt bài này là nhóm tác giả đã mời được các chuyên gia trong và ngoài nước, ngay cả trong những thời điểm dịch COVID-19 rất phức tạp. Sự phản hồi tích cực của chuyên gia và sức lan tỏa của tác phẩm như thế nào, thưa chị?

- Chúng tôi thực hiện loạt bài này trong thời gian dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện và các quốc gia trên thế giới phải thực hiện các biện pháp giãn cách rất nghiêm ngặt. Vì thế chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc liên hệ làm việc với các chuyên gia. Vượt qua điều đó, chúng tôi đã nhận được những ý kiến chia sẻ thẳng thắn, tâm huyết của các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước. Số lượng chuyên gia, học giả chúng tôi phỏng vấn khá lớn, với những góc nhìn đa dạng, vì vậy mà chúng tôi đã có được nguồn dữ liệu phong phú, chất lượng để hoàn thành tác phẩm theo đúng định hướng ban đầu.  

Chúng tôi cũng rất vui khi loạt bài được phản hồi tích cực của thính giả. Sau khi phát sóng, nhiều thính giả đã gọi điện tới số điện thoại tiếp nhận ý kiến thính giả của VOV1 để chia sẻ suy nghĩ của họ về loạt bài, về những suy nghĩ của họ với những diễn biến trên Biển Đông thời gian gần đây, thậm chí là đặt ra những câu hỏi với mong muốn được giải đáp kỹ hơn – những câu hỏi có thể gợi mở cho chúng tôi những đề tài tiếp theo có thể thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt, một số đài phát thanh đã liên hệ với chúng tôi đề nghị được phát lại toàn bộ loạt bài này trên kênh của mình, và chúng tôi rất sẵn lòng vì đó cũng là cách để tác phẩm của chúng tôi đến gần hơn với công chúng.

+ Trân trọng cảm ơn chị!

Hà Vân (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nghề báo
Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi'

Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi"

(CLO) Ngày 19/4, tại Tòa Nhà Trung Tâm Thông Tấn Quốc Gia, Hội Cựu Chiến binh Thông tấn xã Việt Nam cùng Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt truyền thống mang tên “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi”.

Nghề báo
MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Nghề báo
Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

(CLO) Ngày 19/4, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức phát động Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam mùa thứ 2 (VCA 2024). Giải thưởng năm nay có những điểm mới trong thể lệ dự thi, trong khâu tổ chức chấm giải và đặc biệt là có thêm hạng mục giải thưởng do cộng đồng bình chọn trực tuyến.

Nghề báo
Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo